Chỉ cần nhắc đến hai từ “tòa án”, những người bình thường đều không muốn nghe, bởi ở đó dường như chỉ có nỗi đau, nước mắt, sự trừng phạt, trả giá…Nhưng đối với phóng viên phụ trách lãnh vực nội chính như chúng tôi, đó là công việc. Và hơn thế nữa, đó còn là trách nhiệm với bạn đọc và xã hội.
Bởi không đơn thuần đưa tin, tường thuật vụ án, lên án cái xấu, chúng tôi phải tìm kiếm trong những số phận con người, những cảnh đời không may mắn ấy niềm tin vào công lý, lòng vị tha, sự bao dung…để làm tròn chức trách của một nhà báo: thắp lên ngọn lửa của lòng nhân ái, tình yêu thương giữa người với người trong cuộc sống.
Minh họa: Nguyễn Tài
Tuy nhiên trong thực tế, không phải ai cũng tin và có thiện cảm với nhà báo. Không ít lần, chúng tôi bị hăm dọa giật máy ảnh, bị mắng sa sả bằng những từ “dao búa” hoặc lời lẽ xúc phạm: “Nhà báo nói láo ăn tiền. Thấy người ta bị vậy sướng lắm sao mà chụp hình?”. Lạ một điều, những hành động và lời lẽ hăm dọa lại ít khi làm chúng tôi nản lòng, sợ hãi.
Nhưng có một lần, nhận được lời trách móc vì cái lỗi không phải của mình từ một người mẹ của bị hại trong một vụ án giết người, tôi lại mất mấy đêm trằn trọc, khó ngủ: “Nhà báo hả? Hồi đó, báo chí đưa tin không chính xác khiến người ta hiểu lầm con tôi có quậy phá thế nào mới bị đâm như vậy. Xin các nhà báo hãy nói lại cho đúng sự thật để thằng con bị giết oan của tôi không phải mang tiếng hư”.
Dẫu không phải là người đưa tin đầu tiên khi vụ án xảy ra (thường thông tin ban đầu đang được điều tra nên có thể có một vài điểm chưa chính xác), nhưng sao tôi vẫn cảm thấy có lỗi. Nói gì thì nói, báo chí như một con dao hai lưỡi, lên án cái xấu để làm xã hội ngày một tốt đẹp hơn nhưng đôi khi lại vô tình khoét thêm nỗi đau của gia đình người bị hại nếu trong thông tin có một vài chi tiết (dù là theo kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng) không đúng với sự thật khách quan.
Thông thường, giờ tòa nghị án, chúng tôi tranh thủ tác nghiệp, hỏi thăm bị cáo, người nhà của họ lẫn bị hại để có thêm thông tin phục vụ cho bài viết. Nhưng để họ mở lòng nói ra thật không dễ bởi lúc nào ở họ cũng là sự cảnh giác cao độ đối với nhà báo.
Có người nói thẳng: “Hay ho gì cái chuyện lên báo. Xin hãy tha cho chúng tôi được yên”. Cũng có người “hiền” hơn, khóc lóc, năn nỉ, xin đừng đưa tên, chụp ảnh. Lẽ thường, ai lại muốn đưa cái xấu của mình, của người thân lên cho hàng nghìn, hàng vạn người bình phẩm, soi mói.
Nhưng vì công việc, dù trong lòng vạn lần không muốn, chúng tôi cũng không thể làm khác được. Nhất là khi chứng kiến cảnh cha mẹ già của bị cáo hay anh chị em của họ vật vã khóc than, dù mủi lòng, chua xót, muốn an ủi một lời để chia sẻ phần nào nỗi đau của họ, chúng tôi vẫn phải làm nhiệm vụ chụp hình. Đưa máy ảnh lên mà thấy mình nhẫn tâm, vô cảm làm sao. Đành chỉ biết an ủi lòng, nếu không thật sự cần thiết, hạn chế đến mức có thể việc đưa tên, địa chỉ cụ thể và nhất là hình ảnh của bị cáo lên mặt báo.
Cũng vì vậy mà có lần, sau khi hứa với em của một bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản (một lần nổi lòng tham, bị cáo lấy tài sản của công ty, trị giá tài sản cũng không lớn) về việc không đưa tin và hình của bị cáo lên báo (thật ra vụ án không lớn và mẹ bị cáo bị bệnh tim rất nặng), tự nhiên trong tôi lại thấy lo lắng. Biết đâu một đồng nghiệp khác không gặp được em hoặc vì lý do đơn giản để đủ chỉ tiêu tin- bài, đã đưa tin. Mẹ em sẽ ra sao nếu đọc được? Tôi không dám nghĩ tiếp...
Không biết có phải từ những điều ấy mà mỗi khi đặt bút viết bài, tôi vẫn luôn dặn mình phải cẩn trọng từng câu, từng chữ. Nhưng nhiều khi cứ lẩn thẩn tự hỏi, đã có bao nhiêu tin- bài của tôi vô tình đem đến sự tủi hổ, đau xót cho người mà tôi "trót" thông tin, dù là vì công việc và hoàn toàn không vi phạm đạo đức nghề báo?
Bình luận (0)