Ngày 8-8, TAND Cấp cao tại TP HCM đưa vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Trà Vinh (Agribank Trà Vinh) theo kháng cáo của các bị cáo.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Văn Trực (SN 1957, nguyên Phó Giám đốc Agribank Trà Vinh) kháng cáo kêu oan, yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử theo hướng không phạm tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Bị cáo Nguyễn Hữu Lộc (SN 1959, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Aquafeed Cửu Long) kháng cáo kêu oan, yêu cầu cấp phúc thẩm tuyên bố không phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do hành vi của bị cáo không thoả mãn hai dấu hiệu căn bản của cấu thành tội phạm là "gian dối" và "chiếm đoạt tài sản". Đồng thời, bị cáo Lộc còn yêu cầu tòa huỷ bỏ mọi biện pháp ngăn chặn có liên quan và khôi phục lại mọi quyền lợi hợp pháp của bị cáo theo luật định.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm ở Trà Vinh
Ngoài ra, một số bị cáo khác cũng có kháng cáo kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt. Đáng chú ý, trước phiên phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP HCM đã nhận được đơn của các luật sư yêu cầu triệu tập điều tra viên thuộc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh đến tòa để tham gia tố tụng. Theo các luật sư, trong vụ án này cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến các chứng cứ chứng minh ý thức chiếm đoạt, hành vi chiếm đoạt của bị cáo Nguyễn Hữu Lộc và các bị cáo khác.
Trước đó, sau hai tuần xét xử, ngày 9-2, TAND tỉnh Trà Vinh đã tuyên án nhóm 5 bị cáo thuộc Công ty Cổ phần Aquafeed Cửu Long: ông Nguyễn Hữu Lộc 14 năm tù; ông Đỗ Thái Hòa 12 năm tù; ông Nguyễn Hồng Nam 10 năm tù; bà Bùi Tuyết Mai 10 năm tù; ông Trần Vũ Dũng 7 năm tù cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Liên quan đến vụ án, 3 bị cáo nguyên là cán bộ Agribank Trà Vinh cùng lãnh 5 năm tù gồm: ông Nguyễn Văn Trực, (nguyên Phó giám đốc phụ trách Agribank Trà Vinh); ông Nguyễn Quốc Hoàn (nguyên Trưởng phòng Tín dụng) và ông Cao Văn Phong (nguyên Phó phòng Tín dụng Agribank Trà Vinh).
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX còn tuyên buộc nhóm 5 bị cáo thuộc Công ty CP Aquafeed Cửu Long phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại tổng cộng 54 tỉ đồng.
Theo án sơ thẩm, Công ty CP Aquafeed Cửu Long thành lập vào năm 2007, chuyên kinh doanh và sản xuất thức ăn thủy sản.
Công ty này do các cổ đông sáng lập gồm: Công ty CP Biển Tây (do ông Trần Vũ Dũng làm đại diện), Công ty CP Công nghiệp Thủy sản (do ông Nguyễn Hữu Lộc làm đại diện) và Công ty dịch vụ cảng cá Cát Lở.
Năm 2009, ông Phạm Đặng Hữu Thành, quyền Giám đốc Aquafeed Cửu Long, cùng kế toán trưởng Đỗ Thái Hòa trao đổi với ông Phạm Thanh Cần, Giám đốc Agribank Trà Vinh, xin vay vốn.
Từ ngày 30-6-2010 đến 29-12-2011, ông Lộc cùng ông Dũng và các đồng phạm khác ký nhiều hợp đồng mua bán nguyên liệu khống giữa Aquafeed Cửu Long với Công ty Công nghiệp Thủy sản, Công ty Biển Tây để Aquafeed Cửu Long sử dụng 50 hóa đơn khống làm giải ngân chuyển tiền vào tài khoản của Aquafeed Cửu Long.
Từ đây, Aquafeed Cửu Long chuyển cho Công ty Công nghiệp Thủy sản hơn 28 tỉ đồng và Công ty Biển Tây 26,1 tỉ đồng để chiếm đoạt. Theo hồ sơ vụ án, nhóm 3 bị cáo nguyên là lãnh đạo Agribank Trà Vinh đã gây thiệt hại cho nhà nước 52,4 tỉ đồng.
Trong vụ án này, ông Trần Quí Hùng được triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên tại tòa phúc thẩm, ông Hùng cho biết mình còn là người bào chữa cho một bị cáo trong vụ án.
Sau khi hội ý, HĐXX cho rằng toàn bộ các bị cáo kháng cáo kêu oan và phiên tòa phúc thẩm là rất quan trọng, bị cáo không còn quyền kháng cáo. Cho nên, để thận trọng trong việc xét xử, thận trọng quyết định số phận của từng bị cáo, tòa chỉ chấp nhận tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chứ không chấp nhận tư cách là người bào chữa của ông Hùng. Từ đó, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để bị cáo yêu cầu người bào chữa và sẽ lên lịch xét xử sau.
Bình luận (0)