Theo Bộ Công an, khu đất số 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TP HCM) được UBND TP HCM giao Công ty Quản lý Kinh doanh nhà (QLKDN) TP theo hình thức tạm quản lý, giữ hộ và ký hợp đồng cho nhóm 4 công ty thuê đất, trả tiền thuê hằng năm. Bốn công ty này, gồm: Công ty CP Kim khí TP, Công ty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty CP Hóa chất vật liệu điện và Công ty CP Vận tải xăng dầu Vitaco.
Chủ trương đầu tư theo quy hoạch của TP
Thực hiện Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, năm 2007, UBND TP HCM có chủ trương về việc rà soát các khu đất đủ điều kiện đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp. Sau đó, Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước tại TP HCM lập trên cơ sở quy định của Quyết định 09/2007/QĐ-TTg (viết tắt Ban Chỉ đạo 09) có công văn báo cáo và đề xuất với mặt bằng số 8-12 Lê Duẩn giao Công ty QLKDN TP lập thủ tục bán đấu giá nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất để nhà đầu tư trúng đấu giá thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch của TP.
Khu đất số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngày 20-11-2007, Văn phòng HĐND và UBND TP HCM có công văn thông báo kết luận của ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP. Theo đó, thống nhất chủ trương xây dựng khách sạn 5 sao, một phần trung tâm thương mại tại khu đất số 8-12 Lê Duẩn và giao Công ty QLKDN TP thông báo thanh lý hợp đồng thuê với các đơn vị đang thuê, thu hồi và quản lý mặt bằng trên trong thời gian chuẩn bị tiến hành đầu tư xây dựng dự án. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư TP chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành các bước đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, tham mưu cho UBND TP.
Thực hiện chủ trương nêu trên, Công ty QLKDN TP đã có công văn gửi nhóm 4 công ty đang thuê đề nghị di dời, bàn giao mặt bằng. Ngày 5-2-2008, UBND TP có công văn chấp thuận giao Công ty CP Hòn Ngọc Viễn Đông (các cổ đông sáng lập gồm: Công ty QLKDN TP, Công ty Vàng bạc Đá quý TP, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn) làm chủ đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, sau khi UBND TP HCM có quyết định thu hồi khu đất số 8-12 Lê Duẩn, 4 công ty vẫn không chịu di dời văn phòng, không bàn giao mặt bằng, nợ tiền thuê nhà. Đồng thời, có nhiều kiến nghị gửi UBND TP HCM, Thành ủy TP HCM, Bộ Công Thương... đề nghị tạo điều kiện mua chỉ định hoặc tham gia thực hiện dự án tại khu đất này.
Hành trình hô biến đất "vàng"
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã ký công văn gửi lãnh đạo UBND TP đề nghị tạo điều kiện cho các công ty đang thuê được ưu tiên làm chủ đầu tư dự án và xem xét mua chỉ định khu đất số 8-12 Lê Duẩn. Ngoài ra, ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cũng ký văn bản gửi Ban Chỉ đạo 09 và UBND TP HCM đề nghị xem xét, giải quyết. UBND TP HCM đã có công văn phúc đáp "không thể xem xét giải quyết".
Tuy nhiên, ngày 6-10-2009, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP HCM ký công văn thuận chủ trương cho Công ty QLKDN TP làm chủ đầu tư dự án khu đất số 8-12 Lê Duẩn với tỉ lệ góp vốn là 50%, liên kết với 4 công ty đang thuê, tỉ lệ góp vốn 50% còn lại do các công ty này tự thỏa thuận phân chia. Do thay đổi về chủ trương thực hiện dự án nên Công ty Hòn Ngọc Viễn Đông đã tiến hành giải thể doanh nghiệp.
Ngày 23-7-2010, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc Công ty QLKDN TP, đã ký công văn gửi UBND TP HCM đề xuất hình thành pháp nhân mới theo hình thức công ty cổ phần, gồm: Công ty QLKDN TP và 4 công ty đang thuê, giữ nguyên tỉ lệ góp vốn, đồng thời chấp thuận cho Công ty QLKDN TP được huy động thêm nguồn vốn khác để triển khai dự án. Đề xuất này được ông Nguyễn Thành Tài chấp thuận.
Lợi dụng mối quan hệ từ trước với ông Nguyễn Thành Tài, bà Lê Thị Thanh Thúy, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Tháng Năm, đã ký văn bản xin được tham gia dự án tại khu đất số 8-12 Lê Duẩn gửi Công ty QLKDN TP với mục đích trục lợi, không tham gia đấu thầu (dù công ty mới thành lập, hoàn toàn không có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực của dự án). Trên cơ sở này, bà Nguyễn Thị Thu Thủy đã ký văn bản gửi UBND TP HCM đề xuất cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia hợp tác đầu tư 30% vốn trong tỉ lệ góp vốn 50% của Công ty QLKDN TP ở dự án. Đề xuất này một lần nữa được ông Nguyễn Thành Tài chấp thuận. Việc này không đúng đối tượng, trái quy định, trái chủ trương của UBND TP và những chỉ đạo trước đó của chính ông Nguyễn Thành Tài. Đương nhiên hoàn toàn không giao các cơ quan chức năng thẩm định về chuyên môn, kinh nghiệm, năng lực tài chính của doanh nghiệp.
Ngay sau khi được "bật đèn xanh", Công ty CP Đầu tư Lavenue ra đời (viết tắt là Công ty Lavenue, do bà Lê Thị Thanh Thúy làm chủ tịch HĐQT, đại diện pháp luật) với sự góp vốn của các cổ đông, gồm Công ty QLKDN TP, Công ty Hoa Tháng Năm và nhóm 4 công ty đang thuê tại khu đất số 8-12 Lê Duẩn. Ngay sau khi được chấp thuận chủ trương cho thành lập pháp nhân mới, 4 công ty đang thuê tại khu đất số 8-12 Lê Duẩn đã ký thỏa thuận nguyên tắc với Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô, vay 50 tỉ đồng để góp vốn thành lập Công ty Lavenue, tương đương mỗi công ty nắm giữ 12,5% vốn điều lệ.
Sau khi thành lập Công ty Lavenue, nhóm 4 công ty đã ký chuyển nhượng cổ phần cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô tại Công ty Lavenue. Khấu trừ khoản vay 12,5 tỉ đồng trước đó, mỗi công ty trên thu về lợi nhuận 50 tỉ đồng. Đến nay, Công ty QLKDN TP nắm 20% cổ phần, Công ty Hoa Tháng Năm 30% cổ phần và Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô nắm 50% cổ phần tại Công ty Lavenue.
Biết sai vẫn làm
Ngày 18-2-2011, trên cơ sở tờ trình của ông Trương Văn Út - chuyên viên Phòng Quy hoạch sử dụng đất; ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng Phòng Quy hoạch sử dụng đất; ông Đào Anh Kiệt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) - đã ký công văn báo cáo với UBND TP HCM với các nội dung: Công ty Lavenue đề xuất 2 hình thức giao đất và cho thuê đất với khu đất số 8-12 Lê Duẩn để thực hiện dự án là có thể xem xét giải quyết; công ty chưa thực hiện các thủ tục lập dự án đầu tư, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, chưa chứng minh năng lực tài chính và nộp hồ sơ tại Sở TN-MT; kiến nghị UBND TP giao Sở Tài chính tổ chức xác định tiền sử dụng đất và thuê đất để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Ngày 23-2-2011, ông Vũ Ngọc Hồng - chuyên viên Văn phòng UBND TP HCM và ông Huỳnh Kim Phát - Phó chánh Văn phòng UBND TP HCM - đã tham mưu, đề xuất giao khu đất số 8-12 Lê Duẩn cho đơn vị sử dụng theo hình thức giao đất có đóng tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Tài đồng ý đề xuất của Sở TN-MT về việc có thể xem xét áp dụng 2 hình thức cho thuê đất trả tiền thuê hằng năm và giao đất cho cùng một khu đất số 8-12 Lê Duẩn.
Sau đó, ông Nguyễn Thành Tài đã ban hành quyết định cho Công ty Lavenue sử dụng khu đất số 8-12 Lê Duẩn đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng 50 năm.
Đến ngày 14-6-2011, ông Nguyễn Thành Tài đã ký quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất tại mặt bằng số 8 Lê Duẩn theo giá thị trường và giá thuê đất tại số 12 Lê Duẩn theo giá thị trường để Công ty Lavenue thực hiện nghĩa vụ tài chính khi thực hiện dự án đầu tư.
Bộ Công an kết luận các ông Trương Văn Út, Nguyễn Hoài Nam và Đào Anh Kiệt nhận thức được việc Công ty Lavenue chưa nộp hồ sơ lập dự án đầu tư, chưa chứng minh được năng lực tài chính... nhưng vẫn đề xuất cho ông Nguyễn Thành Tài ban hành quyết định giao đất cho Công ty Lavenue là không đúng đối tượng, trái quy định.
Kiến nghị xử lý nhiều cá nhân
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét xử lý hành chính nghiêm khắc Ban Chỉ đạo 09 TP HCM; cá nhân bà Đào Thị Hương Lan - nguyên Giám đốc Sở Tài chính TP HCM; ông Trần Nam Trang - nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính TP HCM; ông Huỳnh Kim Phát - nguyên Phó chánh Văn phòng UBND TP HCM; ông Vũ Ngọc Hồng - chuyên viên Văn phòng UBND TP HCM.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã đề nghị truy tố ông Nguyễn Thành Tài (SN 1952) - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM; ông Đào Anh Kiệt (SN 1957) - nguyên Giám đốc Sở TN-MT TP HCM; ông Nguyễn Hoài Nam (SN 1965) - nguyên Bí thư Quận ủy quận 2; bà Lê Thị Thanh Thúy (SN 1979) - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Tháng Năm và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Lavenue và ông Trương Văn Út (SN 1970) - nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý đất Sở TN-MT TP HCM.
Bình luận (0)