Theo TS Phạm Hữu Mý, căn cứ điều 28 Luật Di sản Văn hóa và điều 13 “về phân loại di tích” của Nghị định 92 của Chính phủ thì tùy từng ngôi mộ cụ thể sẽ được xác định là di tích lịch sử khi ngôi mộ gắn với danh nhân lịch sử (hoặc là di tích kiến trúc nghệ thuật khi ngôi mộ có giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật). Như vậy, những ngôi mộ cổ vô danh, không xác định được niên đại, kiến trúc không còn nguyên vẹn xem như không được bảo vệ, mặc dù thực tế khảo cổ các ngôi mộ vô danh đã cho thấy những giá trị đặc biệt của nó về lịch sử, khoa học... Nếu ngôi mộ xác ướp tại Hóc Môn - TPHCM không bị người dân xây nhà tự ý đào lên thì các nhà khảo cổ, các nhà nghiên cứu khoa học làm sao biết được dưới lòng đất vùng này có một ngôi mộ xác ướp có giá trị như vậy? Liệu những ngôi mộ vô danh còn lại có hé mở điều gì về dấu tích của người Việt cổ xưa đã từng đến vùng đất này sinh sống lập nghiệp, trước rất lâu so với lịch sử hình thành 300 năm Sài Gòn - TPHCM? Việc này đòi hỏi các cơ quan chức năng, các nhà khảo cổ học không thể chậm chân trước tốc độ phát triển nhanh của tiến trình đô thị hóa có khả năng làm xâm hại, biến mất những ngôi mộ cổ chưa có trong danh sách quy hoạch trước khi nó được khảo cổ, nghiên cứu khoa học...
Bình luận (0)