xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Quyền im lặng", hiểu sao cho đúng?

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM)

Có nhiều sự diễn giải về nguyên tắc này nhưng tựu trung lại bằng một câu "Không người nào bị bắt buộc phải làm chứng chống lại mình"

Hai hôm nay, từ khóa "Quyền im lặng" tràn ngập trên các trang báo, mạng xã hội khi hoa hậu Trương Hồ Phương Nga nhất quyết không trả lời các câu hỏi của đại diện VKSND TP HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa và HĐXX đặt ra trong quá trình xét xử liên quan đến người này. Nếu bị cáo Phương Nga không khai báo đến khi HĐXX nghị án, liệu HĐXX có tuyên buộc tội được không? Phán quyết của tòa trong trường hợp này có phù hợp quy định pháp luật không?

Có hai mặt

Thuật ngữ "Quyền im lặng" (hay gọi là cảnh báo Miranda - Miranda warning) bắt nguồn từ Mỹ. Có nhiều sự diễn giải về nguyên tắc này nhưng tựu trung lại bằng một câu "Không người nào bị bắt buộc phải làm chứng chống lại mình". Theo nguyên tắc này, người bị bắt giữ, trước khi thẩm vấn, phải được cho biết rõ ràng rằng người ấy có quyền giữ im lặng; bất cứ điều gì người ấy nói sẽ được dùng để chống lại người ấy ở tòa án. Người bị buộc tội chỉ có thể khai báo khi có mặt của luật sư. Quyền có luật sư bào chữa và quyền im lặng là 2 trong số các quyền cơ bản của con người.

Ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân đã được hiến định khá đầy đủ trong Hiến pháp 2013. Bộ Luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) Việt Nam năm 2015 đã cụ thể hóa một số nguyên tắc cơ bản thực thi quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp 2013 như nguyên tắc "Suy đoán vô tội" (điều 13), "Xác định sự thật của vụ án" (điều 15), "Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự" (điều 16), "Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm" (điều 26).

Quyền im lặng, hiểu sao cho đúng? - Ảnh 1.

Hai bị cáo Trương Hồ Phương Nga (bìa trái) và Nguyễn Đức Thùy Dung Ảnh: Phạm Dũng

"Quyền im lặng" có được quy định trong BLTTHS 2015 không? Thực ra, trong BLTTHS 2015 không có khái niệm về "Quyền im lặng", mà chỉ có nội dung chứa nội hàm về "Quyền im lặng" được quy định về quyền của người bị buộc tội tại các điều 59 đến 62 BLTTHS. Quyền này của người bị buộc tội (gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) được thể hiện như sau: "Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội". Quyền này được thể hiện xuyên suốt từ khi bị bắt, bị khởi tố cho đến xét xử. Đây chính là tinh thần cốt lõi của "Quyền im lặng" được thể hiện trong BLTTHS 2015. Điều này thể hiện sự khác biệt so với BLTTHS 2003, tại điều 49 và 50 (quy định về quyền của bị can, bị cáo), không có nội dung này.

Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp, người bị buộc tội sử dụng "Quyền im lặng" là tốt. Việc sử dụng "Quyền im lặng" vào lúc nào, khi nào thì người bị buộc tội cũng cần cân nhắc. Sử dụng đúng lúc, đúng chỗ để tự bào chữa, bảo vệ cho mình sẽ phát huy hiệu quả nhưng không nên quá lạm dụng. Bởi lẽ, việc sử dụng "Quyền im lặng" cũng có hai mặt, nếu từ đầu đến cuối đều "im lặng" thì không phải lúc nào cũng tốt. Có những lúc phải "không im lặng" để thực hiện quyền trình bày của mình, miễn sao lời trình bày ấy "không chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội".

Trách nhiệm chứng minh tội phạm là của cơ quan tố tụng

Vấn đề đặt ra là nếu bị cáo thực hiện "Quyền im lặng", không khai báo thì HĐXX có tuyên án theo hướng buộc tội được không? Theo quy định của BLTTHS 2003 và BLTTHS 2015, tòa án hoàn toàn có thể tuyên một bản án buộc tội bị cáo, nếu có đủ chứng cứ.

Bởi lẽ, trách nhiệm chứng minh tội phạm, xác định sự thật khách quan của vụ án thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng theo điều 10 BLTTHS 2003 (tương ứng điều 15 BLTTHS 2015) quy định về nguyên tắc xác định sự thật khách quan của vụ án: "Cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội".

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ làm rõ chứng cứ có tội mà còn phải có trách nhiệm làm rõ những chứng cứ xác định bị can, bị cáo vô tội. Để chứng minh bị cáo có tội hay không có tội, các cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ dựa vào lời khai của bị can, bị cáo mà phải xem xét tất cả chứng cứ, tài liệu có liên quan một cách khách quan, toàn diện.

Các cơ quan tiến hành tố tụng "Không được dùng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội bị can, bị cáo" được quy định tại khoản 2 điều 72 BLTTHS 2003 và khoản 2 điều 98 BLTTHS 2015. Như vậy, trong tố tụng hình sự, nguyên tắc "trọng chứng hơn trọng cung" đã được minh thị rõ ràng. Do vậy, kể cả trường hợp bị can, bị cáo có khai báo thế nào đi nữa nhưng nếu lời khai của họ không phù hợp với các chứng cứ khác thì không được coi là chứng cứ của vụ án và không được dùng lời khai này để buộc tội họ. Trường hợp bị can, bị cáo từ chối khai báo nhưng nếu các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng các chứng cứ khác được thu thập hợp pháp, khách quan, đúng sự thật trong quá trình giải quyết vụ án thì vẫn buộc tội được bị can, bị cáo.

Mặt khác, theo khoản 5 điều 103 Hiến pháp 2013 và điều 26 BLTTHS 2015, tòa án phải thực thi nghiêm túc "Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm" nhằm bảo đảm mọi chứng cứ, tài liệu buộc tội, gỡ tội phải được xem xét thấu đáo, khách quan, toàn diện tại phiên tòa. Bản án của tòa án tuyên phải dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa như tinh thần Nghị quyết Trung ương 8-NQ/TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị về "Một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới". Vấn đề là các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có đủ năng lực để tìm ra sự thật của vụ án hay không mới là điều quan trọng. Có nhiều vụ án, bị can, bị cáo không khai hoặc khai báo không đúng sự thật nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn xác định được sự thật vụ án để buộc tội các bị can, bị cáo một cách "tâm phục khẩu phục". 

Ông Cao Toàn Mỹ chối bỏ quan hệ với hoa hậu Phương Nga

Ngày 23-6, phiên xét xử bị cáo Trương Hồ Phương Nga (SN 1987) và Nguyễn Đức Thùy Dung (SN 1989, bạn của Nga) tiếp tục phần xét hỏi. Bị cáo Phương Nga vẫn giữ quyền im lặng đối với những câu hỏi từ kiểm sát viên, chủ tọa và luật sư.

Bị cáo Thùy Dung vẫn tiếp tục khẳng định lời khai ban đầu của mình là không đúng, do bị áp lực từ công an. Tuy nhiên, VKS đã công bố lời khai do chính Thùy Dung tự khai, công bố lời khai của bà Nguyễn Mai Phương và Lữ Minh Nghĩa (bạn trai Dung). Do Phương Nga giữ quyền im lặng, không trả lời bất kỳ câu hỏi nào nên đại diện VKS cũng công bố lời khai của bị cáo này đã khai tại công an.

Tòa tiếp tục chất vấn mối quan hệ giữa ông Cao Toàn Mỹ và Trương Hồ Phương Nga, ông Mỹ khẳng định chỉ là bạn bè thân thiết. Giữa ông Mỹ và Nga có đi công tác chung, có ra nước ngoài và ở chung khách sạn chứ không chung phòng.

Về nguồn gốc số tiền 16,5 tỉ đồng dùng để mua nhà giá rẻ, ông Mỹ không trả lời HĐXX. Trong suốt phiên xử, ông Mỹ luôn tỏ thái độ ậm ờ, không đi vào trọng tâm câu hỏi của chủ tọa.

Đặc biệt, trả lời câu hỏi của HĐXX về giá cả, diện tích căn nhà ở đường Nguyễn Trãi (quận 1) cũng như những giấy tờ liên quan đến pháp lý căn nhà, ông Mỹ nói rằng ông không kinh doanh bất động sản nên không rành về giá cả. Tuy nhiên, lời khai này đã mâu thuẫn với lời khai trước đó của ông khi nói rằng căn nhà ở quận 5 và quận 2, ông rất rành về giá vì có tham khảo giá thị trường rồi mới đưa tiền cho hoa hậu Phương Nga đi mua.

Do tính chất vụ án phức tạp nên phiên tòa sẽ kéo dài nhiều ngày.Ph.Dũng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo