Vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy 2 quyết định do 2 cấp tòa ban hành, giao hồ sơ vụ án về lại TAND tỉnh Bình Dương.
Kết luận sai thời hiệu khởi kiện
Nội dung vụ kiện thể hiện sau khi cụ Võ Tấn Sĩ qua đời, gần 4.500 m2 đất ở thị xã Dĩ An (nay là TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) chia cho 5 người con. Trong di chúc không có tên ông Võ Thành Công trong khi ông Công một mực khẳng định là con trai cụ Sĩ và mong muốn hưởng phần thừa kế như anh, chị, em khác.
Chính quyền địa phương nhiều lần ra quyết định cấp, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với mảnh đất này. Năm 2010, ông Công biết đến những quyết định hành chính, việc cấp GCNQSDĐ nên làm đơn khiếu nại, đề nghị chính quyền xét lại việc cấp các GCNQSDĐ, chia quyền sử dụng đất cho ông. Bị UBND thị xã Dĩ An bác khiếu nại, ông Công khởi kiện vụ án hành chính lần thứ nhất từ năm 2012, yêu cầu tòa án hủy 2 quyết định hành chính về việc giải quyết tranh chấp liên quan đến mảnh đất và các GCNQSDĐ đứng tên những thành viên khác trong gia đình cụ Sĩ.
Căn nhà có số 149 được UBND quận 12, TP HCM cấp số nhà sau đó thu hồi, hủy bỏ
Xem xét hồ sơ, TAND thị xã Dĩ An trả lại đơn kiện, chỉ rõ GCNQSDĐ không phải là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính; không còn thời hiệu khởi kiện hành vi hành chính của người cấp GCNQSDĐ; quyết định hành chính người khởi kiện đề cập không thuộc thẩm quyền giải quyết ở tòa án. Không đồng ý, ông Công "gõ cửa" tòa cấp trên. Chánh án TAND tỉnh Bình Dương phúc đáp bằng kết luận giữ nguyên việc trả đơn kiện.
Năm 2017, ông Công tiếp tục khởi kiện tại TAND tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, TAND tỉnh Bình Dương đã đình chỉ giải quyết vụ án vì cho rằng sự việc hết thời hiệu khởi kiện. Xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo, TAND Cấp cao tại TP HCM giữ nguyên quyết định đình chỉ vụ án. Chưa bỏ cuộc, ông Công đề nghị TAND Tối cao xem xét lại vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm.
Quyết định giám đốc thẩm mới đây nhận định hai cấp tòa trả lại đơn kiện, đình chỉ giải quyết vụ án với lập luận vụ án hết thời hiệu khởi kiện là không làm đúng hướng dẫn từ TAND Tối cao. Theo đó, đối với trường hợp khởi kiện vụ án hành chính có liên quan đến tranh chấp dân sự, tòa sơ thẩm phải hướng dẫn người dân rút đơn kiện hành chính, làm đơn khởi kiện vụ án dân sự. TAND Cấp cao tại TP không phát hiện ra sai lầm tòa án cấp dưới, quá trình giải quyết vụ án hành chính "Khiếu kiện quyết định hành chính trong việc giải quyết tranh chấp đất đai và yêu cầu hủy GCNQSDĐ" như vậy ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp người khởi kiện.
Với quyết định hủy cả hai bản án, ông Công gần như trở lại vạch xuất phát sau gần 10 năm theo kiện.
Phán quyết khi chứng cứ chưa vững
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng vừa hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm vụ án hành chính "Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực quản lý đất đai". Người khởi kiện là ông Lữ Văn Đức, người bị kiện là chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định).
Năm 2014, UBND huyện Hoài Nhơn không đồng ý bồi thường, hỗ trợ sau khi thu hồi mảnh đất rộng gần 60 m2 do gia đình ông Đức quản lý từ năm 1989. Dù ông Đức khiếu nại nhưng chính quyền cấp huyện và tỉnh đều không chấp nhận, cho rằng toàn bộ diện tích đất thu hồi nằm trong chỉ giới hành lang bảo vệ công trình đường bộ, không có giấy tờ nên không bồi thường, hỗ trợ. Hai năm sau, ông Đức đệ đơn kiện yêu cầu tòa án hủy hai quyết định giải quyết khiếu nại của huyện và tỉnh. TAND tỉnh Bình Định đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đức. Sau đó, cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng hủy hai văn bản giải quyết khiếu nại của huyện và tỉnh.
Theo Hội đồng Thẩm phán, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều mắc nhiều sai phạm về tố tụng cũng như nội dung. Cụ thể, hai cấp tòa không thu thập chứng cứ làm rõ phần diện tích đất bị thu hồi trên thực tế; tài liệu cơ quan chức năng lưu giữ từ năm 1997 thể hiện thửa đất là đất màu nhưng tài liệu năm 2014 lại ghi rõ đó là đất ở nông thôn; nhà nước chưa cho phép ông Đức chuyển mục đích sử dụng thành đất ở, chưa cấp GCNQSDĐ… Cả hai cấp xét xử đều chưa có đủ căn cứ vững chắc khẳng định đó là đất ở. Cấp phúc thẩm chưa xác định rõ thời gian nhà nước quy hoạch, cắm mốc chỉ giới hành lang an toàn giao thông. Như vậy, sau gần 7 năm đeo bám, ông Đức vẫn chưa thể nhận hỗ trợ, đền bù.
Cấp số nhà rồi lại hủy
TAND Cấp cao tại TP HCM từng hủy bản án sơ thẩm vụ án hành chính về việc "Khiếu kiện quyết định hành chính trong quản lý nhà nước về thu hồi và hủy bỏ chứng nhận số nhà" mà bà Vũ Thị Thúy (chủ hộ kinh doanh tại số nhà 149, đường TA16, phường Thới An, quận 12, TP HCM) khởi kiện UBND quận 12.
Năm 2015, bà Thúy có giấy chứng nhận cấp số nhà 149 do UBND quận 12 cấp. Ba năm sau, chính quyền bỗng ban hành quyết định thu hồi và hủy bỏ số nhà đã cấp với lý do vi phạm xây dựng. Khiếu nại không thành, bà Thúy khởi kiện hành chính. Xử sơ thẩm, TAND TP HCM hủy văn bản hành chính do UBND quận 12 ban hành. Không đồng tình, phía bị kiện kháng cáo. Tại tòa phúc thẩm, đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM nhận thấy trường hợp căn nhà số 149 chỉ có thể áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm về trật tự xây dựng, không thể hủy bỏ số nhà đã cấp. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm lại tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao TAND TP HCM xét xử lại vụ án.
Bình luận (0)