Đối với tội danh "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", hậu quả vừa là yếu tố cấu thành tội phạm vừa là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Do đó, xác định hậu quả (nói cách khác là thiệt hại) do hành vi phạm tội gây ra luôn tạo ra nhiều tranh cãi, nổi cộm là kết quả định giá tài sản làm cơ sở tính toán thiệt hại.
Khó chuẩn xác?
Trong sai phạm bán rẻ 9 triệu cổ phần ở Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco), Công an TP HCM yêu cầu định giá tài sản Sadeco làm căn cứ xác định thiệt hại qua việc chuyển nhượng số cổ phần trên với giá 40.000 đồng/cổ phần. Từ đó, cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ tài sản Nhà nước thất thoát ở sai phạm này.
Đảm nhận việc này, Hội đồng định giá thường xuyên trong tố tụng hình sự TP HCM (viết tắt là Hội đồng định giá) có kết luận định giá, kết luận định giá bổ sung, kết luận tổng giá trị tất cả khu đất Sadeco sở hữu thời điểm phát hành cổ phần.
Kết quả, hơn 2.889 tỉ đồng là giá trị tài sản Sadeco. Trong khi, sổ sách ở Sadeco lại thể hiện giá trị tài sản khi đó chỉ khoảng 400 tỉ đồng, ít hơn 7 lần kết quả Hội đồng định giá xác minh.
Đến năm 2021, Hội đồng định giá tiếp tục làm rõ giá trị tài sản Sadeco vào tháng 1-2017 (thời điểm sai phạm) là hơn 3.245 tỉ đồng, giá trị tất cả khoản nợ phải trả là gần 420 tỉ đồng.
Từ thông tư hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp cùng nội dung Hội đồng định giá phản hồi, cơ quan điều tra tính toán giá trị một cổ phần là 162.571 đồng. Dựa vào kết quả định giá cổ phần, cơ quan công tố kết luận Sadeco thất thoát 1.103 tỉ đồng. Trong đó, nhà nước tổn thất 669,5 tỉ đồng.
Quá trình xét xử, đại diện Hội đồng định giá đưa ra nhiều văn bản pháp lý hướng dẫn định giá. Người đại diện giải thích cơ quan định giá tiếp nhận, sử dụng thông tin tài sản do cơ quan điều tra cung cấp làm chứng cứ, tài liệu định giá. Tương tự, người thừa hành quyền công tố nhận thấy kết quả định giá tài sản cũng như cổ phần hoàn toàn phù hợp, chính xác.
Phản bác quan điểm xác định thiệt hại từ kết quả định giá cổ phần, luật sư lập luận hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần đã chấm dứt. Chứng tỏ, số cổ phần có vốn góp nhà nước còn nguyên ở Sadeco. Luật sư cho rằng pháp luật không thể đưa ra con số định giá chính xác giá trị cổ phần đối với trường hợp Sadeco.
Luật sư đề nghị HĐXX cân nhắc lại thiệt hại ở Sadeco
Thời gian bất nhất
Thời điểm xác định thiệt hại đôi khi làm nảy sinh quan điểm trái chiều ở chính cơ quan tiến hành tố tụng.
Tại quyết định giám đốc thẩm vụ án Phan Văn Anh Vũ cùng đồng phạm thâu tóm đất công, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao làm rõ phương án xác định thiệt hại. Đây chính là khúc mắc buộc vụ án đưa lên tận cấp giám đốc thẩm.
Cụ thể, quyết định giám đốc thẩm chỉ rõ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra được xác định tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Đó là cơ sở xác định trách nhiệm hình sự.
Căn cứ hồ sơ, cơ quan giám đốc thẩm đồng tình với tòa sơ thẩm và phúc thẩm về việc xác định 7 tài sản đã mua hoặc thuê trái phép là thiệt hại trong vụ án này.
Đồng thời, pháp luật chấp nhận lấy giá trị những tài sản kể trên tại thời điểm hành vi phạm tội diễn ra làm cơ sở kết luận khoản tiền thiệt hại.
Trước đó, VKSND TP Hà Nội kháng nghị bản án sơ thẩm. Kháng nghị cho rằng thiệt hại cần tính tại thời điểm khởi tố chứ không phải khi các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.
Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP Hà Nội bác kháng nghị. Không đồng tình, VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm một phần bản án phúc thẩm, đề nghị cơ quan có thẩm quyền phán quyết giá trị thiệt hại theo thời điểm khởi tố vụ án.
Pháp luật cần có sự điều chỉnh
Luật gia Phạm Văn Thanh cho biết tại Nghị định "Quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự" không có nội dung bắt buộc việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải dựa vào thời điểm khởi tố vụ án.
Ông Thanh nhấn mạnh pháp luật cần nhanh chóng điều chỉnh theo hướng nhất quán phương án tính toán thiệt hại trong vụ án hình sự. Ngoài ra, án lệ về xác định thiệt hại trong vụ án hình sự cũng là giải pháp hữu hiệu giúp cơ quan pháp luật tháo bỏ nút thắt nêu trên.
Bình luận (0)