Bị cáo là người chưa thành niên phạm tội "Giết người", "Cướp tài sản" đã chấp nhận hình phạt 12 năm tù. Dù vậy, vụ án chưa thể khép lại khi pháp luật chưa kết luận rõ ràng về người giám hộ - có trách nhiệm thay bị cáo bồi thường cho gia đình bị hại.
Bắt bồi thường dù chưa tìm người giám hộ
Năm 2013, Nguyễn Công Bảo (SN 2000) quen biết và quan hệ đồng giới với anh B.C.T. Trong một lần gặp nhau vào năm 2015, Bảo sát hại anh T., rồi cướp tài sản. Án mạng xảy ra ở quận 8 (TP HCM) gây rúng động. Phạm tội "Giết người", "Cướp tài sản", kẻ thủ ác chấp hành hình phạt chung là 12 năm tù. Bên cạnh trách nhiệm hình sự, tòa án buộc bà N.T.T (người chăm sóc Bảo) bồi thường hơn 120 triệu đồng chi phí mai táng. Sau đó, chánh án TAND Tối cao có quyết định kháng nghị, đề nghị xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm lẫn sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự đối với vụ án trên.
Căn cứ hồ sơ, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nhận định mức hình phạt hai cấp tòa đưa ra là có căn cứ, đúng luật định. Về trách nhiệm bồi thường dân sự, hội đồng thẩm phán thấy rằng khi phạm tội, bị cáo là người chưa thành niên (14 tuổi 9 tháng). Trước khi xảy ra sự kiện phạm tội đến thời điểm xét xử, cha mẹ Bảo đã qua đời. Bảo sống cùng bà N.T.T - em ruột ông nội Bảo.
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (trái) chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho 4 doanh nghiệp
Theo Bộ Luật Dân sự 2005, người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên không còn cả cha và mẹ là anh, chị ruột. Trường hợp anh, chị không có thỏa thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ. Nếu người chưa thành niên không có anh, chị ruột thì ông, bà (nội, ngoại) là người giám hộ. Nếu không ai trong số những người thân thích này đủ điều kiện giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.
Thực tế, Nguyễn Công Bảo không có anh, chị ruột. Tuy nhiên, cơ quan tiến hành tố tụng ở TP HCM chưa điều tra làm rõ ngoài bà T. thì ông bà nội, ngoại của Bảo còn sống hay đã mất. Nếu còn sống thì hiện họ có đủ điều kiện làm người giám hộ không? Tương tự, cơ quan chức năng chưa làm rõ bị cáo có ai là bác, chú, cô, dì hay cậu còn sống và những người này có đủ năng lực thực hiện quyền, nghĩa vụ người giám hộ? Trường hợp không tìm thấy người giám hộ đương nhiên thì cơ quan pháp luật có cử người giám hộ? Tại sao bà T. lại nhận quyền nuôi dưỡng, chăm sóc Bảo?
Dù chưa làm rõ những vấn đề trên nhưng tòa án sơ thẩm lẫn phúc thẩm vội xác định bà T. là người giám hộ, buộc bà chịu trách nhiệm bồi thường. Quyết định giám đốc thẩm nêu rõ hai cấp xét xử chưa có căn cứ vững chắc khi kết luận phần trách nhiệm dân sự trong vụ án. Do đó, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng điều tra lại vấn đề nêu trên.
Có thể nói đây là vụ án giết người hy hữu có phần tuyên án liên quan đến trách nhiệm bồi thường mắc sai lầm.
Số tiền thiệt hại không rõ
Trái lại, việc xác định trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự liên quan đến ngân hàng gây tranh cãi diễn ra khá phổ biến.
Đơn cử, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm đã hủy một phần quyết định trách nhiệm dân sự trong bản án phúc thẩm lẫn sơ thẩm vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", xảy ra ở Ngân hàng TMCP Việt Á Chi nhánh TP Cần Thơ.
Cơ quan pháp luật kết luận Trần Thị Bạch Huệ (chủ doanh nghiệp) lừa đảo chiếm đoạt hơn 45,6 tỉ đồng và 600 chỉ vàng của Ngân hàng Việt Á Chi nhánh Cần Thơ bằng thủ đoạn vay vốn với tài sản thế chấp không đủ điều kiện. Làm việc tại ngân hàng, Trần Thị Kim Luyến và 4 cán bộ tín dụng "lơ" hồ sơ vay, khiến ngân hàng tổn thất. Trong đó, Trần Thị Kim Luyến giúp sức Huệ chiếm đoạt gần 4,3 tỉ đồng. Ngoài hình phạt tù, bản án phúc thẩm và sơ thẩm đều buộc Huệ bồi thường toàn bộ số tiền và vàng nêu trên. Luyến liên đới bồi thường gần 4,3 tỉ đồng sau khi Huệ không còn khả năng bồi thường. Tương tự, những bị cáo (từng là cán bộ tín dụng) phạm tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" liên đới bồi thường khoản tiền ngân hàng thất thoát.
Quyết định giám đốc thẩm nhận định tòa án buộc Luyến liên đới trách nhiệm bồi thường gần 4,3 tỉ đồng là đúng. Tuy nhiên, HĐXX hai cấp tòa không căn cứ tính chất, mức độ phạm tội của mỗi bị cáo đối với hậu quả gây ra nhằm xác định cụ thể phần bồi thường từng bị cáo phải chịu. Như vậy, cơ quan xét xử gây khó khăn cho công tác thi hành án khi buộc Luyến phải bồi thường thiệt hại "sau khi Huệ hết khả năng bồi thường". Không chỉ vậy, hai cấp tòa xác định trách nhiệm bồi thường dân sự không đúng quy định pháp luật khi buộc 4 bị cáo phạm tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" liên đới bồi thường khoản tiền ngân hàng thất thoát. Bởi vì, 4 bị cáo không phải là đồng phạm với Huệ trong hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lật lại những phiên xử đại án Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn gây thiệt hại 1.085 tỉ đồng tại VietinBank, ai cũng dễ dàng nhận thấy đối tượng phải bồi thường thiệt hại luôn là vấn đề bị hại quan tâm nhiều hơn mức án. Cụ thể, 4 doanh nghiệp mất tiền đòi ngân hàng bồi thường. Dù vậy, tòa án cho rằng Như không phạm tội "Tham ô tài sản". Do đó, hai cấp tòa giữ nguyên quan điểm Huyền Như bồi thường cho doanh nghiệp, pháp luật không đủ cơ sở yêu cầu ngân hàng chịu trách nhiệm dân sự trong vụ án này.
Nhiều hạn chế, bất cập!
Luật sư Nguyễn Minh Trang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận xét việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, nhất là ở giai đoạn xét xử sơ thẩm tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều trường hợp bản án bị hủy, sửa do tòa án không triệu tập chủ thể bị thiệt hại hoặc chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tham gia tố tụng, việc tách vấn đề dân sự ra khỏi vụ án hình sự không đúng quy định pháp luật, do vận dụng chưa đúng luật vào việc bồi thường thiệt hại.
Theo luật sư Nguyễn Minh Trang, những thiếu sót trong quy định pháp luật cũng là nguyên nhân tạo ra tình trạng trên.
Bình luận (0)