Dự kiến, ngày 18-4, TAND TP HCM xét xử lại vụ án thất thoát 966 tỉ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh 6. Trong vụ án, phần trách nhiệm hình sự đã có hiệu lực pháp luật. Khúc mắc còn lại là phần tranh chấp dân sự liên quan đến 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ). Sau nhiều lần xét xử, cơ quan chức năng chưa thể định đoạt phần tài sản khắc phục thiệt hại này.
Mỗi cấp tòa phán một kiểu
Tại phiên tòa sắp tới, ông Dương Thanh Cường (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Bình Phát) sẽ hầu tòa về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Hồ sơ thể hiện năm 2007, Dương Thanh Cường thế chấp 23 GCN QSDĐ ở huyện Bình Chánh (TP HCM) vay 700 tỉ đồng ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh 6. Ngân hàng giải ngân 628 tỉ đồng. Viện cớ cần giấy tờ làm thủ tục duyệt dự án, ông Cường mượn lại 23 GCN QSDĐ rồi mang toàn bộ tài sản trên sang Ngân hàng Phương Nam vay 267 tỉ đồng và 18.000 lượng vàng SJC.
Trước đó, 2 cấp xét xử tuyên bố 23 GCN QSDĐ là tài sản khắc phục thiệt hại cho Ngân hàng Phương Nam. Thế nhưng, quyết định giám đốc thẩm lại hủy một phần bản án liên quan đến 23 GCN QSDĐ. Trái với cấp dưới, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cho rằng việc hủy kê biên, giao tài sản về Ngân hàng Phương Nam là trái pháp luật.
Ai bồi thường ai?
Mới đây, TAND TP HCM xử sơ thẩm và tuyên phạt Trần Văn Quân (nguyên Giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Phòng Giao dịch An Lạc, viết tắt là Techcombank An Lạc) 12 năm tù, Trần Văn Phước (nguyên chuyên viên phòng khách hàng Techcombank An Lạc) 8 năm tù, Trương Phú Cường (nguyên Giám đốc Công ty CP TM-DV Viễn thông Thìn Phát và Công ty CP Eapay) 16 năm tù. Ba bị cáo cùng phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ở phần khắc phục hậu quả, TAND TP buộc các bị cáo cùng bồi thường cho MobiFone 39,8 tỉ đồng, MobiFone hoàn trả Techcombank 39,8 tỉ đồng.
Theo bản án, Công ty CP TM-DV Viễn thông Thìn Phát và Công ty CP Eapay là đại lý bán thẻ cào cho MobiFone với điều kiện có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng. Techcombank An Lạc nhận cấp chứng thư bão lãnh nói trên. Từ đó, 2 công ty thường xuyên mua thẻ cào từ Công ty Dịch vụ MobiFone Khu vực 2 (MobiFone KV2). Cuối tháng 2-2012, Quân và Phước làm chứng thư bảo lãnh, sau đó, Cường dùng chứng thư khống mua thẻ cào trả chậm của MobiFone KV2. Hết thời hạn bảo lãnh, MobiFone KV2 đề nghị Techcombank thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thanh toán. Muốn giữ quan hệ kinh doanh, Techcombank tạm chuyển 39,8 tỉ đồng.
Dương Thanh Cường (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Bình Phát) trong lần hầu tòa trước
Tại tòa, cơ quan công tố nhận định ngân hàng không có nghĩa vụ trả khoản tiền trên cho MobiFone. Bởi vì, những chứng thư bảo lãnh - công cụ lừa đảo đều không có giá trị pháp lý. Số tiền các bị cáo chiếm đoạt là tài sản của MobiFone chứ không phải tài sản ngân hàng.
Trước đây, vụ án Đặng Thị Nguyệt Thu (nguyên kế toán trưởng Công ty Cacao Việt Nam) lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây nhiều tranh cãi xung quanh quan điểm bồi thường thiệt hại.
Lợi dụng nhiệm vụ kế toán trưởng, Thu giả chữ ký chủ tài khoản trên ủy nhiệm chi, lệnh chi, séc, ghi khống nội dung rồi thực hiện giao dịch tại 4 ngân hàng. Từ đó, Thu chuyển tiền từ tài khoản Công ty Cacao Việt Nam đến tài khoản cá nhân, chiếm đoạt hơn 4 tỉ đồng.
Xử sơ thẩm, TAND TP HCM phạt Thu 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; buộc Thu bồi thường doanh nghiệp số tiền đã chiếm đoạt. Không đồng tình, Công ty Cacao Việt Nam kháng cáo, cho rằng ngân hàng cần có trách nhiệm bồi thường khi không làm tốt cam kết "gác cửa". Chấp nhận kháng cáo, tòa phúc thẩm trả hồ sơ, yêu cầu TAND TP làm rõ trách nhiệm 4 ngân hàng. Dù vậy, TAND TP giữ nguyên quan điểm, khẳng định quy trình quản lý lỏng lẻo tại doanh nghiệp mới là "cánh tay đắc lực" giúp Thu thành công "qua ải" ngân hàng. Nhận bản án, doanh nghiệp kiên trì kháng cáo. Trong khi phía ngân hàng không đồng ý trách nhiệm bồi thường.
Xử phúc thẩm lần hai, TAND Cấp cao tại TP HCM quyết định sửa án, xác định 4 ngân hàng là nguyên đơn dân sự, Công ty Cacao Việt Nam là bên có quyền và nghĩa vụ liên quan. HĐXX phúc thẩm buộc Thu bồi thường cho các ngân hàng. Bốn ngân hàng có trách nhiệm hoàn trả tiền cho Công ty Cacao Việt Nam. Theo cấp phúc thẩm, Thu giả chữ ký giám đốc hòng lừa ngân hàng, chứ không lừa công ty. Nhận trách nhiệm quản lý tiền nhưng ngân hàng thiếu thận trọng, dẫn đến việc người khác lừa chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách.
Thạc sĩ - luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG:
Không thể thu hồi tài sản đã chuyển giao
Trường hợp tài sản được xác định do phạm tội mà có trong vụ án hình sự thì cơ sở pháp lý của việc thu hồi tài sản xuất phát từ bản chất của nhóm tội phạm xâm phạm quyền sở hữu. Về nguyên tắc, tài sản bị chiếm đoạt thì phải thu hồi để trả lại cho chủ sở hữu.
Đối chiếu quy định về quyền đòi lại tài sản và quy định về thu hồi vật chứng thì về pháp lý, cơ quan chức năng có 2 cách giải quyết. Nếu tài sản đó vẫn còn, người chiếm giữ hiện tại không có căn cứ thì phải thu hồi tài sản, trả lại cho chủ sở hữu. Nếu tài sản không còn hoặc người chiếm giữ đã chuyển giao tài sản đó cho người thứ ba (tài sản đó đã thuộc về quyền sở hữu của bên thứ ba) thì không thể thu hồi. Nói cách khác, với trường hợp tài sản thuộc quyền sở hữu khi đối tượng phạm tội thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản đó, sau đó, tài sản được đối tượng thực hiện hành vi chuyển quyền sở hữu cho bên thứ ba bằng giao dịch dân sự hợp pháp, theo quy định pháp luật, tài sản đó không thể thu hồi.
Bình luận (0)