Trong vai người đi thuê nhà, chúng tôi đến khu nhà trọ trong con hẻm sâu trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh, TP HCM. Sau khi chất vấn chúng tôi một số thông tin về tên tuổi, quê quán, chỗ làm, bà chủ nhà trọ yêu cầu: “Cậu phải photocopy hợp đồng lao động, CMND rồi lên phường đăng ký tạm trú mới được dọn vào ở. Nhiều năm kinh doanh nhà trọ, tôi biết có người mới dọn đến hôm trước, hôm sau đã dọn đi, ôm theo tài sản của người ở cùng và gia chủ”.
Thông tin về nhà trọ được dán nhiều trên đường D2, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM
Ở ghép để ra tay trộm cắp
Chị T.T.M.T (SN 1972, tạm trú quận 9) từ quê lên TP HCM làm lụng nhiều năm liền, dành dụm được 7 chỉ vàng. Do một người thân vừa chuyển về quê, chị đăng thông tin tìm người ở ghép. Đặng Thị Phượng (SN 1975, quê Cà Mau) dọn đến ở cùng chị T.
Sau một thời gian sống chung, thấy Phượng có vẻ thật thà, chất phác, chị T. tin tưởng, xem cô ta như em gái. Trưa 9-1, đi làm về, chị T. thấy phòng trọ bị lục tung, 7 chỉ vàng và 4,3 triệu đồng không cánh mà bay. Chị gọi điện hỏi Phượng nhưng không thể liên lạc được nên đã đến công an trình báo. Qua truy xét, Công an quận 9 mời Phượng đến làm việc và cô ta đã thừa nhận lấy trộm tài sản của bạn trọ.
Do thuê nhà nguyên căn nên khi có người chuyển đi, chị Nguyễn Thị Anh Đào (SN 1979, tạm trú phường 7, quận 3) đăng thông tin tìm người ở ghép. Chỉ sau một ngày rao tin, N.V.H (SN 1987, quê Tiền Giang) cùng người em dọn đến nhận phòng.
Từ khi anh em H. đến ở, bóp tiền, điện thoại của những người ở cùng bị mất liên tục. Một lần, chị Đào giả vờ để điện thoại trên bàn rồi dắt xe ra ngoài, sau đó quay về. Đào phát hiện H. từ trong phòng chị đi ra, trên tay cầm điện thoại...
Mới đây, hai anh Lê Phước Lợi (SN 1989) và Lương Hoàng Chương (SN 1992, ở trọ đường Phạm Viết Chánh, quận 1) đã tương kế tựu kế bắt Nguyễn Văn Quý (SN 1993, quê Đắk Lắk) giao công an sau khi y trộm máy tính xách tay, 13 triệu đồng của mình.
Anh Lợi đã dùng số điện thoại khác, dán thông tin tìm người ở ghép trên đường An Dương Vương (quận 5). Ngựa quen đường cũ, Quý gọi điện hỏi giá, hẹn gặp và bị 2 anh bắt giữ giao công an.
Chủ nhà trọ thành nạn nhân
Chị Nguyễn Thị Nguyệt Hoa (SN 1984, ngụ quận 8) kể: “Ba mẹ chồng tôi định cư ở nước ngoài, thấy hoàn cảnh một cặp vợ chồng già, tôi thương tình cho ở trọ, lấy giá tượng trưng. Sau đó, nhiều lần con trai của ông bà đến chơi rồi ngủ qua đêm. Chúng tôi phát hiện một số vật dụng bị mất. Lần dò, tôi biết được con trai họ là một kẻ trộm cắp chuyên nghiệp. Hai ông bà già nghèo khổ, đau bệnh, tôi không đành lòng bảo dọn đi nhưng để họ ở lại thì thiệt thòi cho mình”.
Đau nhất là trường hợp của ông N.V.O (ngụ đường Điện Biên Phủ, quận 3). Nhà còn phòng trống, ông đăng thông tin cho thuê trọ. Khi đến nhận phòng, Nguyễn Thị Kim Oanh (SN 1952) giới thiệu đang làm việc tại... Bệnh viện Ôxy (quận 10). Ở trọ một thời gian, bà Oanh nói với gia đình ông O. ở bệnh viện có chương trình mua dây nịt bụng cho bệnh nhân, kêu gọi nhân viên đóng góp, chia lợi nhuận mỗi tháng. Bà Oanh không có tiền nhưng nếu ông O. đồng ý bà sẽ đứng tên giùm, khi được chia tiền lời sẽ đem về cho ông.
Vài hôm sau, bà Oanh đem về đưa ông O. một giấy viết tay xác nhận đã nộp 20 triệu đồng. Sau đó, bà Oanh tiếp tục hồ hởi báo cho ông O. biết bộ phận tài vụ đang thực hiện chia tiền lời cho người góp vốn. Thấy ông O. hào hứng, bà Oanh tỉ tê bệnh viện đang có chương trình bán gạo giá rẻ cho nhân viên, “đóng 100 triệu đồng sẽ lời gần một nửa số vốn bỏ ra”. Nghe có lý, ông O. giao cho bà Oanh 100 triệu đồng. Bà Oanh tiếp tục đưa một giấy xác nhận đã nộp 100 triệu đồng.
Đầu tháng 1-2013, thấy cửa phòng bà Oanh nhiều ngày đóng kín, ông O. mở cửa sổ thì phát hiện bên trong trống trơn. Hoảng hốt, ông đến chỗ làm của bà Oanh hỏi tin. Người ở đây cho biết nơi này không phải bệnh viện mà là Trung tâm Điều trị Ôxy cao áp, bà Oanh chỉ là tạp vụ. Ngoài ra, trung tâm không có chương trình góp vốn gì cả.
Ông O. đành đến Công an quận 3 trình báo. Hiện Đội Điều tra tổng hợp Công an quận 3 đang tiến hành làm rõ hành vi của bà Oanh cũng như đơn tố cáo của ông O.
Luôn thận trọng Thượng tá Lê Văn Hải - Phó trưởng Công an quận 8, TP HCM - khuyến cáo: “Cẩn trọng với những vị khách mới đến là điều nên làm. Thực tế, có nhiều vụ, kẻ gian nhặt được giấy tờ tùy thân của người khác, dán hình mình vào rồi đi thuê trọ để thực hiện ý đồ xấu. Khi bị mất trộm, nạn nhân trình báo công an, đối tượng đã cao chạy xa bay, công tác truy tìm gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, khi cần người ở ghép, tốt nhất nên chọn những ai quen biết, có công ăn việc làm ổn định để tránh trường hợp ở chung nhà với kẻ trộm cắp”. Thượng tá Hải cũng nhấn mạnh: Các chủ nhà trọ khi có khách mới đến tạm trú cần phải làm những thủ tục: Photocopy CMND, thẻ sinh viên, hợp đồng lao động để xác tín người ở trọ có nhân thân rõ ràng. Ngoài ra, phải báo cảnh sát khu vực về những người mới dọn đến để chính quyền địa phương dễ quản lý, theo dõi, bảo đảm an ninh khu vực. |
Bình luận (0)