icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sài Gòn và "dân nhập cư"

Theo TBKTSG

Hằng năm có hàng trăm ngàn người từ các tỉnh chuyển về TPHCM làm ăn sinh sống. Họ đóng góp gì vào nền kinh tế thành phố này? Có đúng họ chỉ gồm toàn những người có học vấn thấp? Và thực ra, có nên gọi họ là "dân nhập cư"?

Lâu nay, có nhiều cách đánh giá khác nhau về những người đến tạm trú ở TPHCM mà người ta thường gọi là ''dân nhập cư". Không ít ý kiến đổ lỗi cho họ là gây ra tình trạng quá tải đô thị, tạo thêm gánh nặng cho thành phố. Nhưng cũng có những ý kiến khác đánh giá vai trò đóng góp tích cực của họ vào sự phát triển của thành phố.

Trước hết, mặc dù phải nhìn nhận một thực tế là xu hướng di dân tự do vào TPHCM đang tạo ra một áp lực lớn về dân số và sẽ còn tiếp tục gia tăng, nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng lịch sử Sài Gòn chính là lịch sử của một thành phố di dân theo đúng nghĩa của nó.

Cư dân Sài Gòn chủ yếu là di dân

Sài Gòn là một đô thị trẻ có mức tăng dân số cao nhất nước chủ yếu do di dân. Năm 1698, khi mới được thành lập về mặt hành chính, địa bàn Sài Gòn lúc ấy (với diện tích 50 km2) có khoảng 10.000 dân. Đến năm 1863, tức là sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông, cả Sài Gòn - Chợ Lớn mới có khoảng 20.000 dân, kể cả người Hoa, Tây, Ấn Độ, tức là chỉ cỡ một phường bây giờ. Năm 1905 là 54.745 dân. Nhưng sau đó gia tăng khá nhanh chóng để lên tới hơn 300.000 dân vào năm 1929, rồi l,77 triệu vào năm 1958, 2,54 triệu năm 1960, 3,33 triệu năm 1970, khoảng 4 triệu vào năm 1975 và cuối năm 2004 là 6,11 triệu (với diện tích 2.095 km2).

Nếu so với cách đây đúng 100 năm, thì dân số Sài Gòn - TPHCM bây giờ đã tăng lên gấp hơn 111 1ần: Từ con số gần 55.000 vào năm 1905, nay lên tới hơn 6,l triệu - một mức tăng không phải do gia tăng dân số tự nhiên, mà chủ yếu do gia tăng cơ học từ những đợt di dân.

Những làn sóng di dân tự do sau năm 1975

Nếu trước năm 1975, sự gia tăng dân số của Sài Gòn chủ yếu do tác động của hoàn cảnh chiến tranh, thì sau ngày hòa bình, quá trình này chủ yếu chịu tác động của các áp lực kinh tế. Làn sóng di dân tự do vào thành phố có chậm lại phần nào sau năm 1975, nhưng gần đây có xu hướng tăng trở lại. Theo cuộc tổng điều tra dân số (TĐTDS) năm 1979, tính từ tháng 5-1975 tới năm 1979, trung bình mỗi năm có 38.000 người từ các tỉnh, thành khác di chuyển đến TPHCM. Sau đó, trong thời kỳ năm 1979-1989, con số này là 30.000 (theo TĐTDS năm 1989). Còn ở thời kỳ 1994-1999, trung bình gần 90.000 người mỗi năm (theo TĐTDS năm 1999). Theo số liệu của Cục Thống kê, số người đến tạm trú ở thành phố cuối năm 2004 lên tới hơn l,84 triệu.

Có người ước đoán dân số thực thụ của thành phố bây giờ không chỉ hơn 6,l triệu mà phải lên tới khoảng 7 - 8 triệu, nếu tính hết những người không đăng ký tạm trú và những người vãng lai.

Thực ra, rất khó tìm được con số chính xác về số người di chuyển đến thành phố hằng năm. Và cũng khó mà biết được họ là những ai. Bởi nhiều lẽ: Họ vào thành phố với rất nhiều lý do khác nhau và bằng nhiều con đường khác nhau; họ thuộc đủ mọi tầng lớp, đi làm ở vô số cơ sở ngành nghề đa dạng trên khắp hang cùng ngõ hẻm; và rất nhiều người đến mà không hề đăng ký.

Cùng với Hà Nội, TPHCM hiện đang chịu áp lực rất lớn của những làn sóng di cư tự phát. Hiện tượng này bắt nguồn từ tình trạng chênh lệch quá lớn về trình độ phát triển giữa các vùng, và chịu tác động bởi hai lực chính: một là lực đẩy ra (push-effect) của những vùng còn quá nghèo và không mở ra được những cơ hội kiếm sống ổn định tối thiểu cho người dân; và hai là lực hút (pull-effect) của những thành phố lớn vốn là nơi có mức sống cao hơn và cơ hội kiếm sống tuơng đối dễ dàng hơn. Vì thế, có thể thấy trước rằng bao lâu chưa thúc đẩy được sự phát triển ở các tỉnh và các vùng nông thôn thì xu hướng di dân đổ về các cực phát triển ở các thành thị lớn sẽ vẫn còn khả năng tiếp diễn một cách tự phát.

Đi tìm diện mạo và đánh giá vai trò của người di dân vào TPHCM

Nhiều người lâu nay thường cho rằng đa số ''dân nhập cư" là lao động phổ thông, trình độ học vấn thấp. Tuy nhiên, nhận định này chỉ đúng có một nửa. Quả là lao động phổ thông chiếm phần lớn trong số di dân tự do vào thành phố. Nhưng xét về trình độ học vấn, một số cuộc khảo sát cho thấy tỉ lệ có trình độ đại học nơi người di dân lại cao hơn so với người dân đang sống tại thành phố.

Năm 1994, cuộc điều tra di dân tự do của Viện Kinh tế TPHCM cho biết tỉ lệ có trình độ đại học và cao đẳng chiếm l0,6% nơi những người chuyển về TPHCM vào thời kỳ 1984-1989, còn nơi những người chuyển về vào thời kỳ 1990-1994 là 8,9%. Năm 1996, theo kết quả một cuộc điều tra trong tự của viện này thì nơi những di dân không có hộ khẩu thường trú, tỉ lệ này lên tới 13,3% (đại học 11,3% và cao đẳng 2,0%). Năm 2003, theo Cục Thống kê, tỉ lệ đại học và cao đẳng chiếm 9,15% nơi những người đang tạm trú tại thành phố (Tuổi Trẻ, 9-12-2004). Tất cả những con số vừa nêu đều cao hơn so với cư dân TPHCM: tỉ lệ có trình độ đại học và cao đẳng ở thành phố chỉ đạt 7,8%, theo TĐTDS năm 1999. Nói cách khác, định kiến cho rằng di dân tự do gồm toàn những người học vấn kém là hoàn toàn sai lầm.

Kể từ đầu thập niên 1990 tới nay, người di dân tự do là nguồn cung ứng lao động quan trọng cho nhu cầu cấp bách của các xí nghiệp và các công trình xây dựng đang mở ra ngày càng nhiều, và do đó hẳn nhiên họ đóng góp không nhỏ vào tổng sản phẩm GDP của thành phố. Theo Sở LĐ-TB-XH, hằng năm thị trường lao động TPHCM cần có thêm khoảng 200.000 người, trong khi số người trong độ tuổi lao động của thành phố chỉ đạt khoảng 160.000 người, chỗ thiếu hụt này do lực lượng di dân tự do đáp ứng.

Đó là nói về mặt lao động phổ thông. Còn về các loại lao động trí óc, với những người có trình độ học vấn cao như đã nêu trên, đây quả là một nguồn lực quý báu bổ sung vào đội ngũ quản lý, chuyên viên và trí thức của thành phố. Riêng trong lĩnh vực doanh nghiệp, một cuộc điều tra của chúng tôi ở TPHCM vào tháng 5-2004 về văn hóa doanh nghiệp (ở cả khu vực Nhà nước và tư nhân) cho thấy chỉ có 39% giám đốc hoặc phó giám đốc sinh trưởng tại thành phố từ nhỏ. Còn lại 61% đều sinh ra và lớn lên từ các nơi khác chuyển về, trong đó 25% từ miền Bắc, 15% từ miền Trung và Tây Nguyên, 18% từ các tỉnh Nam Bộ, và 3% là Việt kiều từ nước ngoài về. Nếu khảo sát nơi các đội ngũ giảng viên, giáo viên, bác sĩ, kỹ sư hay công chức, có lẽ chúng ta cũng sẽ thấy tình hình tương tự.

Những dữ kiện trên đây phần nào xác nhận một nhận xét mà có người từng nêu với chúng tôi: Thành phần di dân tự do hiện nay bao gồm chủ yếu hai loại. Đó là: l. Những người quá nghèo và không thể sống nổi ở địa phương gốc (đây thường là những người lao động phổ thông, học vấn kém); 2. những người giỏi và xuất sắc nên cũng khó tìm được việc làm tương xứng ở địa phương gốc (đây là những người có học vấn cao). Còn những người thuộc diện trung bình thì thường không nghĩ tới chuyện di cư vì họ có khả năng tiếp tục sống được ở tại địa phương. Đây là một giả thuyết mà chúng tôi cho là nên được chú ý nghiên cứu và kiểm chứng qua những cuộc khảo sát khoa học.

Cần tránh thái độ phân biệt

Mỗi khi đề cập đến chuyện áp lực dân số hay đến chuyện di dân tự do, chúng ta cần tránh rơi vào định kiến sai lầm cho rằng nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải và hạ tầng xuống cấp ở thành phố này là do "dân nhập cư" gây ra. Lẽ tất nhiên, áp lực dân số là chuyện có thật và nhà quản lý xã hội không thể để cho xu hướng di dân diễn ra tự phát đến mức không kiểm soát được. Cái gánh nặng quản lý đô thị hiện nay của TPHCM không phải do người di dân gây ra, mà chủ yếu là do những vấn đề và những lúng túng thuộc về bản thân thành phố này. Cho đến giờ, thành phố vẫn chưa mở rộng ra được các tiểu thành phố vệ tinh như quy hoạch có lúc đã từng dự định và cũng chưa cải thiện được hệ thống cơ sở hạ tầng tối thiểu đủ để bảo đảm cho cuộc sống bình thường của người dân.

Ngay cái tên ''dân nhập cư" mà nhiều người gọi lâu nay cũng không ổn. Trước hết là vì chữ ''nhập cư" hay ''dân nhập cư" đúng ra chỉ áp dụng cho trường hợp di cư từ nước này vào nước khác, chứ không phải di cư trong nội bộ một quốc gia. Kế đến, việc sử dụng từ này hàm nghĩa phân biệt giữa người ''gốc'' tại chỗ và người nơi khác đến, vô hình trung bộc lộ một thứ tư duy cục bộ hoặc kỳ thị và có thể gây ra một mặc cảm tâm lý không hay. Lý do thứ ba: Riêng đối với trường hợp Sài Gòn -TPHCM, dùng từ này lại càng không ổn, vì hình như quên mất rằng lịch sử dân cư thành phố này cũng chính là lịch sử di dân. Suy cho cùng, có người dân Sài Gòn nào dám khẳng định mình là dân ''gốc'' tại đây, chứ không phải là dân ''nhập cư''!?

Vấn đề đặt ra đối với hiện tượng di dân tự do là làm sao kiểm soát và điều tiết được nó bằng những giải pháp căn cơ và vĩ mô, song song với việc chăm lo phúc lợi cho những người tạm trú, giúp đỡ họ mau chóng có được việc làm và hộ khẩu nếu họ đủ điều kiện. Nhất thiết không thể duy trì những biện pháp có tính phân biệt và kỳ thị như tính giá nước cao cho người tạm trú, con cái gia đình tạm trú không được vào trường công...

Vùng đất Sài Gòn mang trong bản chất của mình truyền thống tụ hội và dung nạp người dân tứ xứ. Chính đó là thế mạnh hiếm có của thành phố này, vì nhờ vậy mà nó thu hút và đón nhận được những tinh hoa và anh tài đến từ mọi miền của đất nước. Do đó, trong tâm thức của cư dân Sài Gòn không hề có khái niệm ''nhập cư", lại càng không có chỗ cho đầu óc cục bộ địa phương, mà chỉ có thái độ dung hợp, không phân biệt đối xử và tinh thần bình đẳng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo