Vớt những con ong bầu đen nhẻm trong hũ rượu đưa cho tôi xem, cụ Văn Thị Cớ nhà ở ấp Bàu Tre, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, tỏ ra rành rọt: “Con ong bầu rất độc, chích trái bầu, trái bí nào là thúi liền trái đó nhưng ngâm rượu uống lại chữa được bệnh đau lưng, nhức mỏi. Vì vậy thời gian gần đây nhiều người đã tìm đến mua ong bầu về làm thuốc, giá 1.000 đồng/con nên cả xóm rủ nhau đi săn ong bán lấy tiền”.
Gai đâm, ong chích
“Chú xem những đốt tre, trúc nào khô lại có lỗ tròn, nhỏ bằng ngón tay út thì đó chính là tổ của con ong bầu”- chị Hà Thị Dung, một “thợ săn” ong ở ấp Bàu Tre, chỉ cách tìm tổ con ong bầu khi dẫn tôi vào khu vườn tre, trúc um tùm. Trong lúc tôi loay hoay chưa tìm được đốt tre, trúc khô nào có tổ ong thì chị Dung nhanh tay vò một chiếc lá nhét vào cái lỗ bé xíu trên nhánh trúc khô rồi reo lên: “Được một con rồi!”. Chặt đứt đoạn trúc khô, chị Dung nhờ tôi cầm hộ rồi nói: “Thấy tổ ong là chú phải lấy lá cây bịt kín liền, để nó khỏi bay ra rồi mới chặt đoạn trúc đó mang về. Nhưng chú nhớ đừng bịt kín quá làm ong “ngạt thở”. Lúc mới đi bắt, chị cũng không biết nên có hôm về tới nhà thì ong chết hết, không bán được, phải đem bỏ”.
Mải mê tìm tổ ong, không tránh được nhánh gai tre chắn ngang, chị Dung bị một chiếc gai cào vào mặt, rớm máu. Chị cười thản nhiên: “Đi bắt ong bầu mà không bị gai cào mới... lạ đó!”.
Lùng sục cả buổi chiều, cuối cùng tôi cũng... đạp phải một chiếc gai tre, chảy máu. Nhìn dáng vẻ khổ sở của tôi chị Dung cười bảo: “Về thôi, bắt được 20 tổ ong là nhiều rồi. Cả xóm ai cũng kéo nhau đi “săn” thì ong ở đâu mà sinh sản cho kịp”. Về đến nhà, đặt những đoạn tre, trúc ngoài sân, chị khéo léo cầm bao ni lông phủ lên miệng tổ, gạt chiếc lá cây bịt lỗ tổ ong ra và cuối cùng lấy que củi gõ vào ống tre kêu cạch cạch. Lúc đó, con ong bầu... chịu không đành nổi bay ra. Con ong bầu đen như than, to gần bằng ngón tay cái vừa chui ra khỏi ống tre bị chiếc bao ni lông trùm kín nên cứ kêu vo vo, bay loạn xạ tìm cách thoát ra ngoài. Tôi cũng bắt chước chị Dung nhưng xúi quẩy thế nào chiếc túi ni lông bất ngờ bị rách thế là chú ong “mừng rỡ” thoát ra ngoài. Theo phản xạ, tôi vội chụp lấy con ong và bị nó chích một cái đau thấu trời rồi bay mất. Thấy tôi nhăn mặt, chị Dung nói ngọt: “Đau một tí sẽ khỏi thôi, đi “săn” ong thì ít nhất phải nếm mùi ong chích một lần... cho nhớ”.
Con ong... xóa nghèo!
Cụ Cớ, người “săn” ong bầu kinh nghiệm nhất ở ấp Bàu Tre, nói với tôi: “Ai đi săn ong bầu lần đầu, không biết cách rất dễ bị hố...”. Rồi cụ giải thích: “Không phải tổ nào cũng có ong, người đi bắt ong không có kinh nghiệm thế nào cũng chặt nhầm những tổ ong vô... chủ”. Đúng như lời cụ Cớ nói, trong 20 đoạn tre, trúc, tôi và chị Dung đem về có tới 5 tổ không có ong. Nhìn vẻ mặt thất vọng của tôi, cụ Cớ giải thích tiếp: “Những tổ có ong, miệng tổ thường có những bụi phấn hoặc vết đục khoét mới. Nếu không có dấu vết gì tức con ong đã bỏ đi nơi khác”. Cụ Cớ cho biết thêm, nghề “săn” ong không khó nên người già, phụ nữ và cả trẻ con cũng làm được, chỉ cần chịu khó chui vào các vườn tre, trúc là sẽ bắt được ong. Nhiều người dân ở ấp Bàu Tre, xã Tân An Hội “bật mí” gặp bữa bội thu có thể kiếm được cả trăm ngàn.
“Mới đây có một người ở TP bị một cái bướu cổ to tướng, chữa tốn bao nhiêu tiền vẫn không dứt bệnh. Vậy mà để cho con ong bầu chích vào mấy lần thì bướu... xẹp” - chị Dung và nhiều người dân ở xã Tân An Hội đã khẳng định như “đinh đóng cột” với tôi như thế về tác dụng của con ong bầu. Chưa hết, hiện rất nhiều chủ quán đã tìm mua ong bầu làm đặc sản đãi thực khách, khiến con vật này càng trở nên có giá.
Anh Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi, cho biết do có những thông tin “nửa hư nửa thực” như trên nên thời gian gần đây nhiều người dân ở xã Tân An Hội đi lùng sục tìm bắt con ong bầu về bán lấy tiền hoặc ngâm rượu uống chữa bệnh. Nếu quả thật con ong bầu chữa được bệnh, có giá trị kinh tế, hội sẽ tìm hiểu thêm để có thể giúp bà con khai thác tiềm năng này bằng cách tổ chức nuôi có quy mô. Anh Sơn đã nói với chúng tôi như vậy khi nói về con ong bầu.
Lương y Đào Trọng Văn, Phó Phòng Tổng hợp kế hoạch Bệnh viện Y học cổ truyền TP: Ong bầu chữa bệnh phong, khớp Con ong bầu sao thành than tồn tính, giã nhỏ, uống khoảng 1/4 con có thể chữa được bệnh động kinh ở trẻ em. Ngoài ra, ong bầu còn có tác dụng chữa được bệnh phong ngứa, nhức mỏi... Các bác sĩ chuyên khoa còn dùng nọc ong bầu cho chích trực tiếp vào huyệt, khớp để chữa trị bệnh đau khớp. Tuy nhiên ong bầu nói riêng và các loại ong nói chung là sản phẩm có độc nên khi sử dụng phải được bác sĩ hướng dẫn điều trị thì mới có kết quả, nếu dùng tùy tiện sẽ phản tác dụng. |
Bình luận (0)