Ông Đinh La Thăng tự bào chữa trước tòa - Ảnh: TTXVN
Theo thông báo của HĐXX, sáng 17-1, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị (HĐTV/HĐQT) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cùng 21 đồng phạm, các bị cáo sẽ được nói lời sau cùng, trước khi HĐXX nghị án.
Mở đầu lời nói sau cùng, ông Đinh La Thăng gửi lời cảm ơn đến các cơ quan tố tụng đã khách quan trên tinh thần đổi mới tư pháp. Ông Thăng cho biết cách đây 35 năm, sau khi tốt nghiệp đại học, ông cùng bạn gái, giờ là vợ, lên nhận công tác tại công trường xây dựng sông Đà với sự khát vọng tuổi trẻ chinh phục sông Đà, với tất cả vì mục tiêu dòng điện ngày mai của Tổ quốc. Sau 33 năm vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, trải qua nhiều cương vị công tác, ông luôn nỗ lực cố gắng cùng tập thể phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
"Bị cáo không bao giờ nghĩ mình đứng trước phiên toà để nói lời cuối cùng hôm nay. Đây thực sự là điều đau xót và bất hạnh đối với bị cáo và gia đình"- ông Thăng nói.
Ông Thăng cho rằng trong công việc, ông luôn làm việc hết trách nhiệm, quyết liệt với công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. "Mỗi khi Tết đến, vợ con bị cáo khi nào cũng hỏi: "Anh đi công trường nào?", không bao giờ hỏi: "Tết này, anh có ở nhà không?".
"Được Đảng giáo dục, bị cáo luôn rèn luyện cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình ở một số vị trí công tác. Tuy nhiên ở PVN có xảy ra khuyết điểm, tồn tại và cả vi phạm mà đến hôm nay một số nguyên lãnh đạo PVN phải đứng ra hầu tòa"- ông Thăng nói
Ngành giao thông vận tải, sau 5 năm, là người đứng đầu, bị cáo còn nợ nhân dân tuyến cao tốc Bắc - Nam, nợ dự án sân bay Long Thành, nợ một tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM với mong muốn "sáng ăn phở Hà Nội, tối uống cà phê TP HCM", nợ nhân dân vùng sâu xa hàng ngàn cây cầu dân sinh để họ được an toàn hơn.
Ở TP HCM, bị cáo còn nợ người dân khát vọng đưa TP trở lại vị thế số 1 ở Đông Nam Á là Hòn ngọc Viễn Đông vốn có. Bị cáo nợ người dân TP sự bình an, không trộm cắp, cướp giật, không có tội phạm ẩn.
Bị cáo nợ người dân TP HCM khát vọng biến Củ Chi thành trung tâm hành chính mới; nợ Cần Giờ khát vọng trở thành Singapore mới của Việt Nam; nợ công nhân viên lao động với cuộc sống giá cả ổn định, sống trong căn nhà văn minh sạch sẽ hơn; nợ các cháu học sinh về một chương trình giáo dục hiện đại, hội nhập, không bị quá tải, nợ..
"Đứng trước toà, nói lời cuối cùng và đối mặt với bản án nghiêm khắc, bị cáo cúi đầu xin lỗi Đảng, Nhà nước, xin lỗi nhân dân cả nước, xin lỗi các thế hệ công nhân lao động ngành dầu khí, ngành giao thông vận tải và nhân dân TP HCM"- ông Thăng nói
Sắp tới bị cáo còn đối diện án phạt khác cũng liên quan đến tội cố ý làm trái tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN). Ngay bây giờ, bị cáo không biết được với hàng trăm công trình dự án tại PVN và Bộ GTVT, với vai trò là người đứng đầu, bị cáo cũng không thể lường trước được rằng sau lời cuối cùng hôm nay còn lời cuối cùng hay không trong thời gian tới. Bị cáo mong HĐXX lượng hình để bị cáo có đủ thời gian chấp hành các án phạt, để trước khi nhắm mắt xuôi tay cũng được công nhận là người đã hoàn thành nghĩa vụ.
Bị cáo còn nợ nhân dân quá nhiều với những ước mơ và khát vọng chưa thực hiện kịp. Những ước mơ, công việc mà bị cáo muốn làm đã khép lại. Sau khi vào tù, bị cáo mới cảm nhận được rõ hơn sự lớn lao của tự do. Nhưng dù bất kỳ hoàn cảnh nào, bị cáo cũng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; tin tưởng vào sự xét xử công minh của HĐXX.
Ông Đinh La Thăng cho biết bố ông mới vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu ngày hôm kia (15-1) do mắc bệnh hiểm nghèo. "Một lần nữa bị cáo xin thay đổi hình thức ngăn chặn để được ăn cái Tết cuối cùng cùng gia đình và người thân trước khi chấp hành hình phạt. Bị cáo cũng xin nhận trách nhiệm thay cho các bị cáo khác vì họ không động cơ vụ lợi nhưng vướng vòng lao lý, mong họ nhận được sự khoan hồng. Cuối cùng, bị cáo gửi lời cảm ơn tới gia đình, người thân và bạn bè đã chia sẻ, cảm thông với bị cáo"- ông Thăng kết thúc lời nói sau cùng.
Trước đó, theo cáo trạng của VKSND Tối cao, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, với vai trò là Chủ tịch HĐTV PVN, ông Đinh La Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Sau đó, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng cho PVC để các bị can tại PVC sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 119 tỉ đồng. Hành vi của ông Đinh La Thăng phạm vào tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Quá trình điều tra, ông Đinh La Thăng thừa nhận có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án với tư cách là người đứng đầu PVN.
Đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thanh đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng; chỉ đạo việc sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 119 tỉ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã đề ra chủ trương cùng bị cáo Vũ Đức Thuận chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỉ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch thuộc PVC để chia nhau sử dụng cá nhân trong đó ông Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỉ đồng. Bị cáo Thanh cũng phải chịu trách nhiệm cùng Vũ Đức Thuận và 2 bị cáo khác trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỉ đồng.
Đại diện VKSND đề nghị mức án 14-15 năm tù với ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh án chung thân. Các bị cáo khác bị đề nghị 24 tháng tù treo đến 28 năm tù.
Tại phiên xét xử, phần lớn các bị cáo bị truy tố tội Tham ô tài sản thừa nhận hành vi phạm tội, riêng Trịnh Xuân Thanh phủ nhận việc chỉ đạo để rút tiền ở dự án để chi tiêu cá nhân và nhận 4 tỉ đồng tiêu Tết. Ngoài ra, bị cáo Thanh và luật sư bào chữa nói ông không cố ý làm trái, đề nghị HĐXX tìm tội danh khác phù hợp với hành vi của nguyên Chủ tịch HĐQT PVC.
Tự bào chữa, ông Đinh La Thăng thừa nhận trách nhiệm với vai trò người đứng đầu. Ông xin nhận trách nhiệm cho cấp dưới không có động cơ vụ lợi, vi phạm do sự chỉ đạo quyết liệt. Ngoài ra, ông đề nghị xem xét lại tình tiết VKS cáo buộc ông là chủ mưu.
Tuy nhiên, VKS cho rằng có căn cứ để xác định hành vi phạm tội của các bị cáo. Theo đó, ông Đinh La Thăng giữ vai trò chủ mưu, các bị cáo ở PVN biết hợp đồng EPC thiếu cơ sở pháp lý vẫn chỉ đạo cấp dưới ký kết, tạm ứng tiền sai quy định nên phạm tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, cơ quan công tố cũng khẳng định qua tranh luận đủ cơ sở xác định hành vi Tham ô tài sản của bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
VKS đề nghị mức án với các bị cáo như sau:
Nhóm bị cáo phạm tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng":
1. Đinh La Thăng: 14-15 năm tù.
2. Trịnh Xuân Thanh: 13-14 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng": chung thân về tội "Tham ô tài sản". Tổng hợp là chung thân.
3. Phùng Đình Thực (nguyên tổng giám đốc PVN): 12-13 năm tù.
4. Nguyễn Quốc Khánh (nguyên phó tổng giám đốc PVN): 10-11 năm tù.
5. Nguyễn Xuân Sơn (nguyên phó tổng giám đốc PVN): 10-11 năm tù.
6. Vũ Đức Thuận (nguyên tổng giám đốc PVC): 8- 9 năm tù về tội "Cố ý làm trái"; 18-19 năm tù về tội "Tham ô tài sản". Tổng hợp từ 26-28 năm tù.
7. Ninh Văn Quỳnh (nguyên kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN): 10-11 năm tù.
8. Lê Đình Mậu (nguyên phó trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN): 7-8 năm tù.
9. Vũ Hồng Chương (nguyên trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2): 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4-5 năm.
10. Trần Văn Nguyên (nguyên kế toán trưởng Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2): 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4-5 năm.
11. Nguyễn Ngọc Quý (nguyên phó chủ tịch HĐQT PVC): 8-9 năm tù về tội cố ý làm trái.
12. Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên phó tổng giám đốc PVC): 7-8 năm tù.
13. Phạm Tiến Đạt (nguyên kế toán trưởng PVC): 6-7 năm tù.
14. Trương Quốc Dũng (nguyên phó tổng giám đốc PVC): 17-18 tháng tù.
Nhóm bị cáo phạm tội "Tham ô tài sản":
15. Nguyễn Anh Minh (nguyên phó tổng giám đốc PVC): 18-19 năm tù
16. Bùi Mạnh Hiến (nguyên chánh văn phòng PVC): 13-14 năm tù.
17. Lương Văn Hòa (nguyên giám đốc Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC): 13-14 năm tù.
18. Nguyễn Thành Quỳnh (nguyên giám đốc kỹ thuật công nghệ Tổng Công ty CP Miền Trung - Công ty CP Đà Nẵng): 8-9 năm tù.
19. Lê Thị Anh Hoa (nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa): 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 5 năm.
20. Nguyễn Đức Hưng (nguyên trưởng Phòng Tài chính kế toán, Ban Điều hành Vũng Áng - Quảng Trạch): 30- 36 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 5 năm.
21. Lê Xuân Khánh (nguyên trưởng Phòng Kinh tế Kế hoạch, Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch): 30-36 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 5 năm.
22. Nguyễn Lý Hải (nguyên trưởng Phòng Kỹ thuật, Ban Điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch): 30-36 tháng tù, thử thách 5 năm.
Bình luận (0)