Sau vụ sạt lở rạng sáng 29-6 tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) làm chết 2 người và nhiều ngôi nhà hư hỏng, phóng viên nhiều lần trở lại các con đường quanh hiện trường, tìm hiểu hiện trạng xây dựng của khu vực.
Nhiều nguy cơ hiện hữu
Các lối vào hiện trường đều được phong tỏa, cán bộ dân phòng và công an được cắt cử canh giữ. Để bảo đảm an toàn, một số biệt thự gần đó cũng bị căng dây.
Nhìn từ xa, khu vực ta-luy bị sạt lở thuộc địa chỉ số 15/2 Yên Thế có độ cao cách những ngôi nhà bị đè thuộc hẻm 36 Hoàng Hoa Thám khoảng 30 m, độ dốc gần như dựng đứng.
Công trình ta-luy dài hơn 380 m, cao hơn 13 m này hoàn thành thi công cách đây khoảng 1 năm. Đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty CP Xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng, đơn vị thẩm tra bản vẽ thiết kế là Công ty TNHH Hà Phát Thịnh.
Khu đất hẻm 15/2 Yên Thế (khung hình vuông) và khu vực hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (khoanh tròn) trước thời điểm bị sạt lở
Nhìn từ hình ảnh vệ tinh, vòng cung các đường Hoàng Hoa Thám - Hùng Vương - Yên Thế - Khe Sanh có vị trí trên cao còn hẻm 36 Hoàng Hoa Thám cùng nhiều con hẻm khác dẫn xuống thung lũng sâu, kéo dài nhiều ki-lô-mét. Trên vòng cung có rất nhiều biệt thự du lịch, cà phê săn mây, săn "view" được xây dựng bám theo triền đồi, cheo leo ở độ cao hàng chục mét.
Với địa hình chênh vênh và hiện trạng xây dựng nêu trên cộng với việc hàng loạt cơ sở kinh doanh du lịch, cà phê luôn tận dụng "view" săn mây, có thể thấy nguy cơ sạt lở như vừa qua luôn hiện hữu.
Nguyên nhân ban đầu của việc ngập úng, sạt lở thời gian vừa qua được cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xác định do thời tiết cực đoan, mưa lớn kéo dài nhưng không loại trừ những nguyên nhân khác, đặc biệt là việc cấp phép xây dựng tại khu vực.
Nhiều biệt thự du lịch, quán cà phê săn mây... cheo leo tại đây
Triệu tập 20 người lên làm việc
Trong ngày 3-7, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND TP Đà Lạt báo cáo các nội dung liên quan đến việc cấp 4 giấy phép xây dựng tại khu đất hẻm 15/2 Yên Thế.
Cụ thể, làm rõ quy trình, căn cứ pháp lý trong việc cấp phép; quá trình thẩm định, tham mưu cấp giấy phép của UBND TP Đà Lạt; quá trình quản lý sau phép, quản lý trật tự xây dựng tại khu vực.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều cùng ngày, ông Nguyễn Uy Vũ, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng, cho biết ngay sau thời điểm xảy ra vụ việc, công ty đã tham gia công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ bước đầu cho gia đình vợ chồng nạn nhân tử vong và những người bị thương.
"Công ty tham gia công trình tại đây từ năm 2021. Công ty đang khẩn trương rà soát lại tất cả vấn đề liên quan đến công trình mà công ty đảm nhiệm, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng khi có yêu cầu để làm rõ nguyên nhân" - ông Vũ nói.
Khu vực bị phong tỏa
Hiện Công an TP Đà Lạt đã khởi tố vụ án để điều tra hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Bước đầu, công an triệu tập khoảng 20 người đến làm việc, thu thập tài liệu liên quan các các lô đất có bờ kè sạt lở; hồ sơ liên quan đến cấp phép xây dựng, khảo sát, thiết kế, thẩm định, giám sát và thi công trong vụ việc.
Trong khi đó, UBND TP Đà Lạt đình chỉ công tác trưởng Phòng Quản lý đô thị. Đồng thời, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức có liên quan không rời khỏi thành phố; cung cấp hồ sơ, phối hợp khi được triệu tập của cơ quan điều tra kể cả ngoài giờ, thứ bảy và chủ nhật.
Không phải nơi nào cũng an toàn
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, kiến trúc sư Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng TP HCM, nhận xét Đà Lạt là một thành phố có địa hình đồi núi nên việc xây dựng nhà cửa ven đồi là chuyện bình thường, nhiều thành phố khác trên thế giới cũng giống như vậy. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng làm nhà, xây biệt thự được mà cần phải đánh giá địa chất cụ thể.
Theo kiến trúc sư Vũ, đối với vụ sạt lở tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, mưa lớn kéo dài là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, việc cấp phép xây dựng có đúng hay không, có bảo đảm những kỹ thuật và nguyên tắc xây dựng hay không, tất cả phải được làm rõ.
"Đối với điểm sạt lở hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, tôi cho rằng nơi này độ dốc quá lớn, đất khá xốp, là nơi xung yếu không phù hợp với xây dựng công trình. Còn nếu xây dựng thì phải xử lý kỹ thuật, rất tốn kém" - ông Vũ nhận định.
Trước mắt, tại những vị trí có độ dốc lớn như vậy, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng TP HCM cho rằng ngoài những biện pháp kỹ thuật ra thì cần có khoảng cách nhất định giữa ta-luy với công trình để tạo hành lang an toàn, đề phòng sự cố.
Bình luận (0)