Và rồi từ khi vụ án Hai Chi xảy ra, cánh nhà báo đến đây, đặt tên cho khu vực này là ''Đồi Hoa Mai''. Cứ như vậy, gọi riết thành quen. Dù rằng ở đây không lắm mai vàng, càng không phải là nơi vùng đất trù phú nhưng điều ghi nhận, ai cũng dễ thấy dọc bên tuyến quốc lộ này, có rất nhiều quán xá mọc lên. Và có một thời trên vùng đất lam lũ ấy, không ít những cuộc đụng độ đâm chém, triệt hạ nhau của đám buôn gỗ lậu hoặc tranh gái giành đào giữa nơi bìa rừng heo hút.
Còn nhớ cách đây 2 năm (đầu năm 2004), một số cơ quan báo chí đã lên tiếng về nạn bạo hành của những phần tử côn đồ gây án ở khu vực Lagi, Hàm Tân hay Tân Nghĩa, Sông Phan...
Đặc biệt là một số vụ trọng án mà Công an Hàm Tân lúc bấy giờ đã cố tình che giấu, làm ngơ. Tổng cục Cảnh sát đã bắt tay vào cuộc, chỉ đạo cho Công an Bình Thuận kiểm tra, xử lý ngay những thông tin mà báo chí và nhân dân phát hiện. Việc đầu tiên mà Giám đốc Công an Bình Thuận phải làm ngay lúc đó là: Tung trinh sát hình sự, kinh tế xuống Hàm Tân.
Vừa phát động quần chúng đấu tranh tố giác tội phạm, đồng thời rà soát, lên danh sách toàn bộ những vụ án, vụ việc mang tính hình sự mà Công an xã, huyện Hàm Tân đã cố tình ''bỏ quên''. Điều ai nấy cũng phải sửng sốt, giật mình là chỉ tính từ năm 1999 đến 2004 trên địa bàn 2 xã Tân Nghĩa và Sông Phan đã có tới 54 vụ việc mang tính chất hình sự, kinh tế chưa được giải quyết. Đặc biệt nguy hiểm có nhiều vụ trọng án giết người hoặc đánh người, gây thương tích nặng cũng bị ''chìm'' không có trong hồ sơ điều tra.
Trước những diễn biến rất phức tạp từ các vụ án ở Hàm Tân, Cục Cảnh sát Hình sự đã chi viện lực lượng phối hợp với Công an Bình Thuận xác lập chuyên án mang bí số HT405. Đối tượng được xác định ''đầu vụ” trong băng nhóm tội phạm này chính là tên Nguyễn Thanh Gương (thường gọi là Hai Chi).
Khó khăn lớn nhất khi ấy chính là trên ''đồng'' nhưng dưới chưa “thuận''. Một số người có thế lực ở Hàm Tân vẫn ''rung chuông'' cảnh báo dùng một số phần tử xấu gây áp lực, dằn mặt những người có ý định tố cáo hành vi phạm tội của băng Hai Chi. Để dân tin, không còn sợ hãi, các trinh sát của Cục C14 và các thành viên của Ban Chuyên án (PC14 - Công an Bình Thuận) đã thay nhau ngày đêm đeo bám địa bàn, lần theo dấu vết của các đối tượng.
Gặp thượng tá Nguyễn Đắc Minh - Trưởng Phòng PC14 Công an Bình Thuận và cũng là Trưởng Ban Chuyên án ''Đồi Hoa Mai'', anh tâm sự: Khi cùng các trinh sát của bộ và tỉnh lật lại hồ sơ của những vụ án mà người dân tố giác, kinh nghiệm làm án đã báo cho anh biết có nhiều chuyện động trời rồi sẽ xảy ra. Những cái chết oan thiêng của các nạn nhân đã làm cho anh nhiều đêm day dứt...
Có nhiều ý kiến trái ngược nhau, kể cả những lập luận cho rằng anh Đức chết do “ngạt nước” hay vụ “tai nạn giao thông” có nạn nhân là Huỳnh Văn Hòa chết trước nhà vợ bé Hai Chi... Tất cả đều không chỉ đơn giản như vậy. Và thượng tá Nguyễn Đắc Minh vẫn giữ nguyên quan điểm của mình: Đây rõ là những vụ án mạng, liên quan đến đường dây phạm tội của Hai Chi.
Trong chuyên án Hai Chi, có nhiều chuyện mà người dân ở các xã phụ cận với xã Tân Nghĩa bây giờ vẫn còn nhớ mãi. Cách đây 2 năm, tại nhà ông Nguyễn Đình Lộc, thôn Láng Gòng 2, xã Tân Xuân, xuất hiện 3 người khách lạ. Lúc đầu, mọi người cứ nghĩ đây là dân mánh mung vào mua bán đất cát hoặc cây gỗ, kinh doanh...
Những khách lạ đó chính là Nguyễn Thái Ngọc, Nguyễn Công Trứ và Lê Đình Tiến, họ là những trinh sát của Cục C14 phái vào. Không phải các trinh sát C14 không tin Công an sở tại nhưng có một điều tất cả những thông tin mà C14 nắm được chính là sự buông lơi của một số cán bộ huyện Hàm Tân đã giúp sức, bao che cho băng nhóm của Hai Chi.
Trung tá Nguyễn Công Trứ kể lại: Cuộc đời trinh sát hình sự ai cũng phải nếm đủ mùi đắng cay, khổ cực song có lẽ thế gian bốn tháng ròng ở Tân Xuân, Hàm Tân thì các anh không bao giờ quên được. Mùa khô ở vùng gió cát này mọi vật như được rang trên chảo lửa.
Có khi cả tuần không được tắm, giặt. Bù lại, các anh được dân quý, dân tin, rất nhiều người đã lội bộ, lên rừng với các anh thâu đêm suốt sáng. Từ chỗ hồ sơ ban đầu chỉ là hai bàn tay trắng, vậy mà mấy tháng sau các trinh sát hình sự C14 đã có trong tay “bản danh sách'' khá dài về chân dung và hành vi phạm tội của Hai Chi và đồng bọn. Đây cũng là cơ sở quan trọng để Tổng cục Cảnh sát chọn thời điểm đột phá, tấn công truy bắt các đối tượng sau này.
Để đột phá, bóc dỡ đường dây phạm tội này, Ban Chuyên án đã đồng loạt bắt Nguyễn Quốc Nam; Nguyễn Thành Anh; Hoàng Văn Sửu; Nguyễn Công Thọ; Nguyễn Thanh Tuấn và Trần Nhật Ký... đều là đàn em của Hai Chi. Chúng đã gây ra hàng loạt vụ trọng án đánh người trọng thương, cướp tài sản...
Khi bọn đàn em ''xộ'' khám, Hai Chi ở ngoài mặc dù rất hoang mang, song hắn vẫn tin vào những ''quan thầy'' đã bảo kê cho hắn nên Hai Chi vẫn vờ tảng lờ, tìm cách lẩn trốn khỏi địa phương. Khi những chứng cứ về tên trùm Hai Chi đã chắc chắn, 16 giờ 30 phút ngày 16-6-2005 các mũi trinh sát đã bủa vây bắt dẫn độ được Hai Chi về trụ sở xã Tân Nghĩa.
Lệnh bắt, khám xét tên Nguyễn Thanh Gương (tức Hai Chi) được thực hiện. Hàng trăm người dân ở khu vực Tân Nghĩa, Sông Phan đã kéo về khu vực ngã ba 46 chứng kiến ngày tàn của tên trùm khét tiếng Hai Chi, chính hắn đã gây nên bao nỗi đau cho dân lành ở vùng quê đầy gió núi này.
Có thể nói chưa bao giờ ở khu vực ''Đồi Hoa Mai'' lại tràn dâng niềm tin đến thế. Ngay sau khi biết được Đại tướng Lê Hồng Anh, Bộ trưởng Bộ Công an, có ý kiến chỉ đạo các lực lượng Công an phải kiên quyết làm triệt để vụ án này, người dân ở đây ai cũng hả dạ, vui mừng. Hàng chục người dân đã mạnh dạn viết thư hoặc trực tiếp đến gặp các trinh sát hình sự tố cáo tội ác của Hai Chi và đồng bọn của hắn.
Anh Đỗ Ngọc Biên, Trưởng Công an xã Tân Nghĩa - người dám ''chống lại Hai Chi'' đã từng bị chúng đâm chém gây trọng thương, cho biết: Khi băng nhóm của Hai Chi bị bắt anh mới thấy rõ một điều rằng, bọn tội phạm hoạt động được không phải chúng tài giỏi gì mà đúng hơn là kỷ cương phép nước ở đây bị buông lơi.
Tất cả thông tin của quần chúng, thậm chí cả Công an xã đều bị một số phần tử xấu, dùng ''luật rừng'' thay cho pháp luật nên bọn tội phạm này cứ thế lộng hành. Anh Biên còn cho biết thêm: Lúc đầu, chẳng ai nghĩ rằng băng nhóm Hai Chi bị triệt phá. Bởi đã nhiều lần trên tỉnh và huyện cũng đã về, cũng họp bàn nhưng khi lực lượng rút đi là mọi chuyện lại đâu vào đấy cả.
Và cứ mỗi lần như vậy, uy danh và thanh thế của bọn tội phạm này càng như mạnh lên. Chúng mặc sức đâm chém, trấn lột, cướp bóc bất cứ thứ gì chúng muốn. Phải nói rằng, khi vụ án mới được khởi tố, ngay cả lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng không nghĩ hệ quả xấu của nó là ghê gớm đến thế.
Ông Huỳnh Tấn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, lý giải: Tôi cứ hình dung Hai Chi vốn chỉ là con mèo hoang. Nay vồ được con gà, mai săn được con thú... chẳng ai lùng bắt nó và cứ vậy nó trở thành con cáo, con cọp lúc nào không hay. Đây cũng là bài học đau xót cho lực lượng Công an từ tỉnh đến cơ sở. Quan điểm của chúng tôi là phải làm kiên quyết, triệt để. Bất cứ có ai sai phạm, dính líu đến vụ án này đều phải bị xử lý nghiêm khắc, kể cả xử lý về hình sự. Phải tạo ra được môi trường trong sạch, lành mạnh cho các vùng quê vốn yên bình ở đây...
Cũng từ những biện pháp kiên quyết triệt để như vậy nên từ khi khởi tố vụ án đến nay, Ban Chuyên án đã khởi tố 26 đối tượng; bắt tạm giam 16 tên; ra lệnh truy nã đặc biệt 3 tên và cho tại ngoại 5 đối tượng. Riêng gia đình Hai Chi đã có 5 đối tượng là vợ chồng, anh em ruột và con của Hai Chi bị khởi tố, bắt giam.
Số còn lại, ngoài 2 người nguyên là cán bộ Công an huyện Hàm Tân bị khởi tố, bắt giam, còn tất cả đều là anh chị em, con cái, cô dì, chú bác, nội ngoại nhà Hai Chi cả. Nhìn vào danh sách những bị can này, chủ yếu chúng đều là dân ''chân đất'', lớn lên bằng nghề làm mướn, buôn gỗ lậu hoặc có máu muốn kiếp sống giang hồ, vỗ ngực xưng tên nên được Hai Chi thâu nạp vào, đi gây án.
Chúng tôi trở về Tân Nghĩa, Sông Phan... trở về ''Đồi Hoa Mai'' khi đợt lạnh cuối đông về trên khắp cánh đồng quê. Trời se lạnh và một màu xanh mát mắt của hàng trăm héc ta mía đang vào mùa thu hoạch. Chuyên án Hai Chi đang dần khép lại.
Bình luận (0)