Liên quan đến vụ ông Phạm Văn Lé (SN 1963) và Phạm Văn Lến (SN 1975, em ông Lé) được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng cho về nhà sau thời gian bị tạm giam về tội “Giết người” (Báo Người Lao Động ngày 5-8 đã thông tin), ngày 6-8, tiếp chuyện chúng tôi, bà Đào Thị Quới (SN 1943, mẹ của 2 ông Lé và Lến) cho biết sau khi xảy ra vụ án, bản thân bà cũng bị công an tạm giữ 3 ngày 2 đêm để lấy lời khai.
Chống lệnh triệu tập của tòa
Con trai, anh rể của ông Lé và chị Sơn Thị Sửa (ở sát vách nhà ông Lé) cũng được mời lên lấy lời khai. Tại cơ quan công an, chị Sửa khẳng định không thấy ông Lé dùng cây đánh chết Lâm Tài Mấu nhưng cán bộ điều tra vẫn nhất quyết nói vợ chồng chị có chứng kiến.
“Cán bộ điều tra khi thì nói vợ chồng tôi thấy vợ chồng ông Lé khiêng nạn nhân bỏ lên xe chở đi, lúc lại nói có con trai ông Lé cùng tham gia. Tôi nói không thấy thì bị dọa: Có biết không tố giác tội phạm là tội gì không?” - chị Sửa thuật lại. Còn anh rể ông Lé khi bị mời lên làm việc, một điều tra viên đã chất vấn vì sao thuê luật sư bào chữa, giá bao nhiêu...?
Về việc ông Lé khai bị ép cung, dùng nhục hình, được cán bộ điều tra hướng dẫn cách đánh nạn nhân để thực nghiệm hiện trường rồi ghi hình lại ngay tại trại giam…, tòa án đã 2 lần triệu tập 2 điều tra viên của Công an tỉnh Sóc Trăng là Triệu Tuấn Hưng và Nguyễn Hoàng Quân nhưng họ không đến. Đáng chú ý, điều tra viên Quân là người vừa bị giáng chức từ đội trưởng xuống đội phó; ngoài ra, còn có thượng tá Nguyễn Việt Thanh (nguyên Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - PC45 - Công an tỉnh Sóc Trăng), thượng tá Nguyễn Hoàng Phú (nguyên Phó PC45) và đại úy Lâm Văn Kết (nguyên đội phó) từng nhận hình thức kỷ luật giáng chức do cùng liên quan đến vụ 7 thanh niên bị hàm oan trong vụ án giết tài xế xe ôm Lý Văn Dũng ở huyện Trần Đề.
Nạn nhân có sức mạnh phi thường?
Luật sư từng tham gia bào chữa cho ông Lé cho biết cáo trạng của VKSND tỉnh Sóc Trăng thể hiện nạn nhân Mấu bị ông Lé dùng cây gài cửa đánh 2 nhát vào đầu dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, giám định pháp y lại thể hiện trên người nạn nhân có tất cả 7 vết thương, trong đó có 4 vết thương hở ở phần đầu.
“Nạn nhân Mấu uống rượu từ 8 giờ đến tận 24 giờ mà sau khi bị đánh đến chấn thương sọ não vẫn đi trên đoạn đường nông thôn ngoằn ngoèo gần 1,5 km mới chết thì quả là có… sức mạnh phi thường. Hơn nữa, dù có đến 4 vết thương hở trên đầu nhưng tại sân nhà ông Lé và trên đoạn đường đi không hề để lại vết máu. Trong khi đó, hiện trường nạn nhân nằm chết có 2 vết máu loang ra cả mét” - luật sư này nói.
Đồng quan điểm, luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại cũng cho rằng vụ án có khả năng bỏ lọt tội phạm bởi kết luận điều tra và kết quả khám nghiệm tử thi hoàn toàn mâu thuẫn nhau. “Bốn vết thương rất nặng trên đầu nhưng nạn nhân đi được một đoạn đường khá xa trong khi say khướt rồi mới chết là không phù hợp” - luật sư này phân tích.
Nội dung vụ án
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Sóc Trăng, khoảng 0 giờ ngày 3-8-2012, sau khi nhậu say, Lâm Tài Mấu cùng Trần Đức Minh đã đến chửi bới và đập cửa nhà ông Phạm Văn Lé nên bị ông Lé dùng cây đánh. Khoảng 8 phút sau khi bất tỉnh, Mấu đã cùng Minh đi về. Đi được một đoạn, do không thấy Mấu vì trời tối nên Minh ghé sang nhà người thân ngủ. Đến 2 giờ 45 phút cùng ngày, người dân phát hiện Mấu nằm chết ở ven lộ Nam Sông Hậu, cách nhà ông Lé khoảng 1,5 km. Ngày 13-9-2012, ông Phạm Văn Lến (bị bệnh tâm thần nhẹ) đến cơ quan công an đầu thú và khai nhận có chứng kiến việc ông Lé cầm cây đánh vào đầu Mấu. Sau đó, ông Lé bị khởi tố tội “Giết người”, còn ông Lến và bà Thạch Thị Xem, vợ ông Lé, bị khởi tố tội “Không tố giác tội phạm”.
Sau gần 2 năm bị bắt giam và trải qua nhiều phiên tòa nhưng đều hoãn do ông Lé cho rằng mình bị ép cung, dùng nhục hình…, trong 2 ngày 29-7 và 1- 8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng và VKSND tỉnh lần lượt ra các quyết định tạm đình chỉ vụ án, hủy bỏ quyết định tạm giam và cho gia đình bảo lãnh 2 ông Lé và Lến về; riêng bà Xem được cho tại ngoại từ đầu.
Bình luận (0)