Trong khi đó, cơ quan chức năng đang “bó tay” khi tiến hành phòng ngừa từ xa cũng như xử lý hành vi tàng trữ loại vũ khí giết người tinh vi này bởi nó chưa được “đặt tên” trong các quy định hiện hành.
Lần xuất hiện gần đây nhất của súng bút là trong vụ án mạng xảy ra rạng sáng ngày 7-7 tại Hải Phòng. Tại thời điểm trên, vì xích mích với một chủ quán cà phê “thư giãn”, anh Phạm Văn Trường (ở Thanh Hóa) bị một phát đạn chì của súng bút bắn xuyên qua đầu dẫn đến tử vong.
Cũng tại Hải Phòng, rạng sáng ngày 24-5, trong lúc đôi co với một nhóm thanh niên về việc thanh toán tiền trà đá, chị Hoàng Thị Lý (bán hàng nước tại ngã tư Cát Cụt, Hai Bà Trưng, quận Lê Chân) bị bắn một phát trúng tim dẫn đến tử vong.
Súng bút và đạn bị thu giữ trong một vụ án ở Hải Phòng. Ảnh: Lan Anh.
Súng bút được xác định là hung khí gây ra vụ án mạng này. Trước đó, năm 2008, cảnh sát đất Cảng phát hiện một đường dây buôn bán “hàng nóng” quy mô lớn của Phạm Cao Sơn (tức Sơn “súng”), thu giữ 35 khẩu súng các loại, trong đó có 7 khẩu súng bút.
Tại TP HCM, 8 năm trước, trong một vụ hỗn chiến giữa hai băng nhóm, một đệ tử của A Lý dùng một khẩu súng có hình dạng giống cây bút bắn chết một đàn em của Hồ Việt Sử (“quân sư” của trùm xã hội đen Năm Cam).
Cũng tại TP HCM, cuối tháng 6-2005, Đoàn Đức Tân dùng một “vật lạ” có hình dạng giống chiếc bút máy bắn vào vùng ngực anh Nguyễn Văn Lo khiến nạn nhân bị thương nặng.
Ở Hà Nội, tuy chưa có vụ bắn người nào bằng súng bút nhưng năm 2007, Công an quận Ba Đình cũng thu giữ một khẩu súng bút trong một vụ án cố ý gây thương tích ở ven hồ Ngọc Khánh.
Chỉ có thể xử phạt hành chính?
Trao đổi với Đất Việt, đại tá Nguyễn Chí Lễ, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14, Bộ Công an) cho biết, súng bút là loại súng bắn đạn chì hoặc đạn ghém dựa trên sức đẩy của lò xo hoặc quả nổ nhỏ. Nếu bắn ở cự ly dưới 5m, khả năng sát thương của loại súng này không thua kém gì súng quân dụng. Ngoài khả năng gây sát thương cao, loại vũ khí này còn “hấp dẫn” dân anh chị bởi sự nhỏ gọn, dễ cất giấu.
Cũng theo ông Lễ, nếu chiếu theo Nghị định 47 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, súng bút không phải là vũ khí thô sơ nhưng cũng chưa được “liệt” vào vũ khí quân dụng. Do loại súng này chưa được “đặt tên” trong quy định của pháp luật hiện hành nên cơ quan chức năng rất lúng túng khi xử lý.
Theo đó, nếu phát hiện đối tượng mang súng bút qua biên giới, cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt hành chính về hành vi vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Nhưng khi “hàng” được mang vào trong nội địa, tàng trữ trong nhà, cất giấu trong người, cốp xe… thì lực lượng chức năng, ngoài việc nhắc nhở, không còn biện pháp nào khác để xử lý. Trong khi đó, giải pháp vận động giao nộp loại vũ khí trên cũng khó khả thi bởi “chỉ có đối tượng “hư hỏng” mới mua loại súng này và mục đích chỉ là để “chiến đấu” khi có mâu thuẫn.
“Quy định hiện hành đang làm khó lực lượng chức năng và không có giá trị phòng ngừa cao cho trật tự an toàn xã hội”, ông Lễ nói và kiến nghị: “Cần sớm sửa các quy định hiện hành để tạo “cây gậy” cho cơ quan chức năng trong việc xử lý các hành vi tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép các loại vũ khí, trong đó có súng bút”.
Ngày 25-6, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an phối hợp các cơ quan hữu quan ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các loại súng săn, súng tự chế, thuốc nổ tự chế, vũ khí thô sơ như kiếm, mác, dao lê, mã tấu, đồ chơi nguy hiểm có tính bạo lực mà trong Bộ luật Hình sự chưa quy định cụ thể; trường hợp cần thiết thì nghiên cứu, đề xuất Quốc hội bổ sung chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đồ chơi nguy hiểm có tính bạo lực trong Bộ luật Hình sự. |
Bình luận (0)