Ngày 15- 6, nguồn tin cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ" đối với Lê Đức Hải, nguyên Trạm trưởng Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa (ĐKLCĐ & PCCCR số 1 tỉnh Thanh Hóa) và Lê Văn Hải, nguyên Phó Đội trưởng ĐKLCĐ & PCCCR số 1 Chi cục kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa.
Trước đó, ngày 1-8-2014, anh Lê Viết Mùi, lái xe 37C-060.12 chở 20 hộp gỗ Giáng Hương (khoảng 1,6 m3) cho Công ty Hoàng Linh ra từ Nghệ An ra Hà Nội. Khi tới địa phận huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa thì bị tổ công tác của Lê Đức Hải yêu cầu dừng xe kiểm tra.
Lái xe Mùi đã xuất trình một bộ hồ sơ 19,152 m3 gỗ xẻt Cẩm Lai, nhưng qua kiểm tra thực tế thấy có một số thanh gỗ không có trong hồ sơ nên lực lượng chức năng đã yêu cầu đưa xe về ĐKLCĐ & PCCCR số 1 Chi cục kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa để xử lý.
Biết là sẽ bị nhũng nhiễu, vòi vĩnh hối lộ, Giám đốc Công ty Hoàng Linh một mặt cử nhân viên Nguyễn Võ Nguyên ra Thanh Hóa làm việc; một mặt thông báo với Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đề nghị phối hợp xử lý.
Lê Đức Hải đã có những lời lẽ "vừa đấm vừa xoa", rồi gợi ý để anh Nguyên đưa hối lộ. Anh Nguyên đành phải đồng ý đưa 100 triệu đồng, trong đó 40 triệu đồng là tiền phạt, 60 triệu đồng là tiền "bồi dưỡng". Khi tiến hành đưa số tiền trên thì bị tổ công tác Cơ quan CSĐT - Bộ Công an ập vào bắt quả tang.
Biết đã bị phát hiện, Lê Đức Hải đã giằng co, xô đẩy và chạy lên sảnh tầng 2, giấu 2 tập tiền vừa nhận vào gốc cây cảnh để phi tang, nhưng đã bị bắt giữ cùng tang vật.
Đáng chú ý, trước khi đưa hối lộ, anh Nguyên đã bí mật tẩm hóa chất vào số tiền đưa cho Lê Đức Hải và Lê Văn Hải. Bằng cách làm này đã đã giúp Cơ quan điều tra có những bằng chứng không thể chối cãi chứng minh việc nhận hối lộ của Lê Đức Hải và Lê Văn Hải.
Điều 279. Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bình luận (0)