Đinh Văn Hoàng (30 tuổi) được mọi người gọi với cái tên Hoàng “lò xo” bởi đã nhiều năm qua, anh âm thầm làm công việc cứu người bị nạn trên đèo Lò Xo, đoạn đi qua địa bàn xã Đắk Man, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum.
Ám ảnh từ vụ tai nạn trong đêm
Trong căn nhà nhỏ lụp xụp, Hoàng “lò xo” đang cặm cụi sửa xe cho khách qua đường. Khi được hỏi về chuyện cứu người, anh chỉ bảo: “Đáng làm thì mình làm thôi. Dù là ai, khi thấy người gặp nạn cũng nên ra tay cứu giúp”.
Năm 2008, từ quê ở Thanh Hóa vào làng Măng Khên lập nghiệp, anh Hoàng đã thầm lặng làm những chuyện “đáng làm” đó. Theo Hoàng “lò xo”, chính vụ tai nạn giao thông vào đêm cuối tháng 11-2009 khiến 2 người tử vong đã thôi thúc anh phải cứu những người gặp nạn.
Đêm hôm đó, trời tối đen, cái rét thấm vào từng thớ thịt nhưng nghe tin về vụ tai nạn ở đầu đèo Lò Xo ở phía thị trấn Đắk Glei, biết đây là đoạn đường vắng vẻ, ít người qua lại nên anh Hoàng đã nghĩ ngay phải tới hỗ trợ người bị nạn. Bất chấp sức khỏe chưa ổn định do mới mổ dạ dày, Hoàng cùng chị gái (công tác ở Trạm Y tế xã Đắk Man) đến hiện trường. Khi tới nơi, chiếc xe tải đã nằm dưới vực chừng 40 m, anh Hoàng cầm đèn pin xuống vị trí xe bị lật thì phát hiện 2 người nằm bất động. “Tôi nhanh chóng đưa từng người vượt dốc dựng đứng lên đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, không được cứu kịp thời nên cả 2 đã tử vong” - anh Hoàng kể.
Lúc đó, Hoàng nghĩ rằng nếu được cứu kịp thời thì chắc chắn 2 nạn nhân không phải chết. Cũng chính từ sự ám ảnh nên sau này, dù bất kể ngày đêm, nắng mưa, cứ nghe tai nạn giao thông ở con đèo nguy hiểm dài hơn 20 km này là Hoàng có mặt.
Anh Hoàng đã để lại số điện thoại ở ven đường và dù đêm hay ngày, điện thoại đều luôn mở để kịp thời tiếp nhận thông tin về các vụ tai nạn. Hoàng cho biết mỗi lần có tin báo, anh cầm theo búa, xà beng, kích rồi lên đường đến hiện trường.
Không mong được báo đáp
Qua 7 năm âm thầm, Hoàng “lò xo” đã cứu được hàng trăm người gặp nạn, trong đó có cả những người tính mạng đang trong tình trạng “chỉ mành treo chuông”. Tuy nhiên, số nạn nhân cụ thể thì anh không thể nào nhớ nổi, chỉ biết rằng cứ có tai nạn là có mặt Hoàng “lò xo”.
Vụ gần nhất cách đây khoảng hơn 1 tháng, chiếc xe tải chở đầy xi-măng bị lật nghiêng khi đổ đèo lò xo lúc đêm khuya. Lúc Hoàng đến hiện trường thì tài xế bị kẹt trong cabin, gãy chân. Sau gần 2 giờ hì hục cưa cắt, anh Hoàng đã cứu được nạn nhân ra ngoài và đưa đi cấp cứu kịp thời. “Khi đưa ra ngoài, tôi thấy thân thể tài xế xế lạnh và rất yếu do mất nhiều máu nên vội cởi chiếc áo khoác mặc cho anh ta và được CSGT đưa đi cấp cứu kịp thời nên đã qua khỏi. Nếu hôm đó nạn nhân không được cứu sớm thì rất khó giữ tính mạng” - Hoàng kể.
In đậm nhất trong tâm trí Hoàng “lò xo” là vụ xe khách chở 42 người lao xuống vực vào giữa năm 2015 làm 1 người chết và hàng chục người bị thương nặng. Hôm đó, nghe tin báo, anh mang xà beng, cưa, búa, đục... đến hiện trường cách nhà chừng 10 km.
Khi tiếp cận và vào trong xe, sau một hồi đục, cắt, anh Hoàng tìm được lối để đưa những nạn nhân ra ngoài. Theo kinh nghiệm, anh đưa những người bị thương nặng ra ngoài để đi cấp cứu trước. Sau khoảng 4 giờ cùng những người khác làm việc cật lực, tất cả nạn nhân đã được đưa ra ngoài an toàn. “Hôm đó làm việc cật lực, thân thể rã rời, chân bị tê phải gần 1 tuần mới đi lại được” - anh Hoàng cho biết. Tuy mệt nhọc nhưng hàng chục nạn nhân đã được cứu nên anh cảm thấy đỡ đau và được an ủi phần nào.
Cứ mỗi vụ như thế, sau khi đưa được nạn nhân ra ngoài cho lực lượng CSGT đưa đi cấp cứu, Hoàng “lò xo” lại lặng lẽ về nhà nghỉ ngơi và tiếp tục cuộc mưu sinh. Qua 7 năm, cứu hàng trăm người nhưng anh không hề mong được trả ơn.
“Không cần điều đó đâu, càng cứu được nhiều người là mình vui rồi. Mình giúp họ rồi sẽ có ai đó giúp lại mình” - Đinh Văn Hoàng thổ lộ.
Người thầm lặng
Trung tá Nguyễn Ích Hòa - Trạm trưởng Trạm CSGT Ngọc Hồi, Phòng CSGT tỉnh Kon Tum - cho biết hầu như vụ tai nạn giao thông nào, đơn vị cũng gọi cho Đinh Văn Hoàng để phối hợp cứu giúp nạn nhân. Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của anh, rất nhiều người đã qua cơn nguy kịch. “Hoàng rất lạ, đến hiện trường hùng hục làm, sau đó đi về lúc nào cũng không ai hay. Vì vậy, những người bị tai nạn giao thông được cứu giúp chẳng mấy ai biết Hoàng là ân nhân của mình” - trung tá Hòa nói.
Bình luận (0)