Liên tục trong các ngày từ 20 đến 22-10, chúng tôi có mặt tại Tiểu khu 97 thuộc khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn do Ban Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim quản lý. Hàng trăm cây thông 3 lá khoảng 20 năm tuổi trong những vạt rừng nằm sát Tỉnh lộ 723 đã bị chặt hạ chất thành đống đốt nham nhở.
Thảm sát rừng phòng hộ
Với những cây lâu năm có đường kính gốc từ 20 - 50 cm thì bị ken (thuật ngữ của kiểm lâm dùng để chỉ hành vi phá hoại rừng bằng cách dùng dao tiện vòng tròn gốc thông, cắt đứt toàn bộ phần mô biểu bì dẫn nhựa nuôi cây) với dấu nhựa còn mới tinh. Cạnh đó là những rẫy cà phê mới xuống giống còn chưa bén rễ. Sau khi lội rừng để ghi hình thực tế, chúng tôi đến Trạm Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim để xin số liệu thống kê nhưng ông Nguyễn Văn Dần - phó trưởng trạm - kiên quyết không cung cấp thông tin vì... chưa xin được ý kiến lãnh đạo!
Trên hành trình dài hơn 10 km từ xã Đa Nhim ra điểm nóng phá rừng xã Đạ Sar, thực trạng rừng thông bị tàn sát còn thảm hại hơn rất nhiều. Dọc hai bên tuyến đường đẹp như tranh chạy giữa bạt ngàn màu xanh rừng thông có tới hàng trăm rẫy cà phê đủ các độ tuổi và nơi nào có rẫy cà phê là nơi đó có thông bị ken chết đứng. Có những vùng đồi rộng hàng ngàn mét vuông nằm sát tuyến đường mới mở không còn một cây thông nào sống sót. Tại điểm giáp ranh giữa hai xã Đa Nhim và Đạ Sar, chúng tôi ghé vào một rẫy cà phê có hơn 20 cây thông bị ken còn tươi rói, chủ rẫy “hồn nhiên” cho biết: “Chỉ ken hết những chỗ có cà phê rồi thôi!”. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương trên tuyến tỉnh lộ ở đoạn thuộc Lâm Đồng hiện có hơn 7.000 cây thông đã bị ken chết đứng với trữ lượng gỗ thiệt hại hơn 4.600 m3!
Phá rừng chiếm đất
Con đường 723 vừa khánh thành giai đoạn 1. Chỉ riêng tại xã Đạ Sar, từ ngày khởi công tuyến đường 723 (đầu năm 2004) đến tháng 10-2007 đã có hơn 85 ha rừng thông 3 lá thuần loại bị người dân phá trắng lấy đất trồng cà phê (mỗi hecta có trữ lượng khoảng 100 m3 gỗ). Tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Lạc Dương đều biết rất rõ nhưng không hiểu sao chẳng có chính quyền cấp nào đưa ra được phương án ngăn chặn có hiệu quả. Biện pháp cưỡng chế giải tỏa thu hồi đất rừng bị lấn chiếm trái phép được đề ra như sự khắc phục một “chuyện đã rồi” nhưng cũng vì rất nhiều lý do “tế nhị” mà hơn 2 năm qua không được thực hiện.
Trong khi các chủ rừng đang chờ đợi một “cuộc giải tỏa điểm” tại xã Đạ Sar như chủ trương của UBND huyện Lạc Dương thì tại xã Đa Nhim, những hành vi phá hoại rừng vẫn tiếp diễn khốc liệt. Ngoài hàng trăm cây thông đang thời kỳ sinh trưởng mạnh mẽ bị chặt hạ tại tiểu khu 97, ở hai tiểu khu khác là 95 và 120 thuộc xã này, hàng ngàn cây thông 3 lá xanh ngăn ngắt cũng đã và đang bị đốn hạ và bị ken chết không thương xót. Trong khi Hạt Kiểm lâm Lạc Dương chưa thống kê hết diện tích và trữ lượng gỗ thông bị thiệt hại tại xã Đa Nhim thì cơn lốc mua, bán và chiếm đất tại đây vẫn âm thầm diễn ra. Ngày 19-10, khi nhóm phóng viên chúng tôi trong vai “những người đi mua đất” có mặt tại xã Đa Nhim thì ông Sonur Ha Lú - trưởng công an xã - vẫn thản nhiên “phán”: “Mỗi hecta 150 triệu đồng, muốn mua bao nhiêu cũng có. Chỉ sợ mấy ông không đủ tiền!”. Còn một chủ tiệm sửa xe trước cổng UBND xã Đa Nhim thì “mách”: “Muốn mua diện tích lớn thì phải gặp cán bộ địa chính xã!”. Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong số những người có đất mới sang nhượng thuộc mặt tiền đường 723 có cả những cán bộ hoặc người nhà của cán bộ một số cơ quan Nhà nước tại Lâm Đồng.
Bình luận (0)