xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tan nát rừng phòng hộ Đắk Hà

Bài và ảnh: Hoàng Thanh

Rừng phòng hộ Đắk Hà đang bị lâm tặc đốn hạ, gỗ lậu ra khỏi rừng từng ngày, trong khi nhiều khả năng có sự tiếp tay của cán bộ ngành lâm nghiệp

Những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3-2017, chúng tôi cùng một người dân vào khu rừng phòng hộ Đắk Hà, thuộc địa bàn xã Ngọc Réo, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum ghi nhận cảnh lâm tặc tàn phá rừng.

Nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ

Ngày 3-3, từ trung tâm xã Ngọc Réo, chúng tôi đi theo con đường đất vào rừng khoảng 5 km. Vượt qua các con dốc cao, vô số những bìa, gốc gỗ còn sót lại bên vệ đường.


Những cây gỗ bị đốn hạ chưa kịp đưa ra khỏi rừng

Những cây gỗ bị đốn hạ chưa kịp đưa ra khỏi rừng

Theo người dẫn đường, đây là con đường chính dẫn sâu vào trong rừng, hai bên là những đường xương cá dẫn vào điểm khai thác gỗ. Tại vị trí cách trung tâm xã Ngọc Réo khoảng 5 km, dấu hiệu của một bãi gỗ mới tập kết hiện rõ khi các bìa, gốc, mạt cưa mới còn vương vãi khắp nơi. Những gốc gỗ còn lại có đường kính trên dưới 40 cm, thuộc các chủng loại như dổi, trò xót, huỳnh đàn trắng...

Người dẫn đường cho biết các cây gỗ sau khi được cắt ngắn với chiều dài khoảng 2 m sẽ vận chuyển bằng xe máy cày về tập kết tại khu vực thường được gọi là bãi Dổi, thuộc địa phận giáp ranh giữa huyện Đắk Hà, Kon Rẫy và TP Kon Tum. Sau đó, sẽ có xe tải vào chuyển đến nơi tiêu thụ.

Theo đường xương cá, một bãi gỗ đã được vận chuyển đi hết chỉ còn trơ lại bìa, vỏ, mạt cưa. Cách bãi này bán kính khoảng 100 m, nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ, có cây đường kính 2 người ôm không xuể. Thậm chí, có cây gỗ đường kính khoảng 80 cm, dài chừng 10 m đã bị cưa đổ nhưng rơi xuống vực sâu nên chưa bị lấy đi.

Tại các bãi này, bìa, cành, gốc đã bị đổ dầu đốt gốc để phi tang. Một số vị trí đang cháy nham nhở chưa hết hẳn.

Trước đó, vào cuối tháng 2, nhóm phóng viên tiếp cận Tiểu khu 365, thuộc địa phận xã Ngọc Réo và chứng kiến nhiều cây gỗ mới bị chặt hạ, chỉ còn trơ lại phần gốc, ngọn đang rỉ nhựa tươi, lá cây vẫn còn xanh.

“Lực lượng kiểm lâm biết hết”

Ngày 9-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Xuân Linh, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Đắk Hà, cho biết qua thông tin phản ánh, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra việc phá rừng tại xã Ngọc Réo.

Theo ông Linh, xã Ngọc Réo là một trong những địa phương “nóng” về phá rừng. Để ngăn chặn, BQLRPH đã lập 3 trạm quản lý bảo vệ rừng, trong đó có 2 trạm nằm dọc tuyến đường liên xã và 1 trạm nằm trong làng Kon Krơk. Bên cạnh đó, UBND huyện Đắk Hà mới thành lập thêm 1 chốt liên ngành từ ngày 1-3 đến 30-6.

“Các đối tượng khai thác gỗ trên địa bàn chủ yếu là người ở xã Đắk Cấm, TP Kon Tum. Việc khai thác gỗ này, lực lượng kiểm lâm biết hết” - ông Linh nói.

Trước chất vấn của phóng viên về việc có hay không sự tiếp tay của các cán bộ kiểm lâm, lâm nghiệp với lâm tặc, ông Linh nhận định: “Nói tiếp tay thì không có bằng chứng nhưng nói không có thì không phải vì dư luận cho rằng vẫn có”.

Theo ông Linh, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, cơ quan chức năng huy động lực lượng đi truy quét thì ngày hôm đó không thấy bóng dáng của lâm tặc. “Ví dụ như nghi ngờ hôm nay lâm tặc chở gỗ ra, khi thông báo cho lực lượng kiểm lâm phối hợp truy quét thì không thấy bóng dáng của lâm tặc nào” - ông Linh nói và cho rằng cũng có khả năng chính người của BQLRPH thông báo cho lâm tặc.

Thậm chí, khi các cán bộ lâm nghiệp bắt giữ xe gỗ của người dân thì “người có chức quyền” của xã Ngọc Réo đứng ra xin giúp. Khi cơ quan chức năng bắt xe gỗ của người dân thì họ đưa ra giấy xin gỗ làm nhà, có xác nhận của chính quyền xã.

Trong khi trước đó, giữa BQLRPH và UBND xã Ngọc Réo đã có văn bản quán triệt không giải quyết việc xin gỗ làm nhà cho bất kỳ trường hợp nào. Ông Linh khẳng định những dấu hiệu nghi ngờ có sự móc ngoặc, tiếp tay của kiểm lâm với lâm tặc thì trong các cuộc giao ban đều báo cáo bí thư huyện ủy, chủ tịch huyện để có hướng xử lý.

Trao đổi qua điện thoại, ông Trịnh Xuân Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Hà, cho biết sắp tới sẽ kiểm điểm trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn để xảy ra tình trạng khai thác gỗ như phản ánh của báo chí và qua các vụ bắt giữ gỗ trái phép.

Khi phóng viên đề cập đến việc ông Nguyễn Xuân Linh đã báo cáo có dấu hiệu tiếp tay, móc ngoặc của cán bộ địa bàn với lâm tặc tại các cuộc giao ban, ông A Vượng - Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Quản lý bảo vệ rừng huyện Đắk Hà - nói trong báo cáo, văn bản các cuộc họp thì không có.

Theo ông Vượng, giữa các đơn vị trên địa bàn phải phối hợp với nhau làm công tác quản lý bảo vệ rừng. “Ngọc Réo là địa bàn phức tạp về vi phạm lâm luật. Hơn nữa, lực lượng chức năng không được trang bị nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ nên lâm tặc cũng không sợ, thậm chí còn tấn công lại” - ông Vượng thông tin.

Vấn đề là ở con người

Ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho biết sắp tới sẽ chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, yêu cầu các lực lượng tăng cường công tác tuần tra bảo vệ. “Để bảo vệ rừng trước hết là vấn đề con người vì có nhiều đơn vị quản lý bảo vệ rừng rất tốt” - ông Tuy khẳng định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo