Hệ thống Luật Thịnh Trí trả lời: Về việc xử lý những hành vi tăng giá "quá tay" này, căn cứ vào Nghị định 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2016/NĐ-CP) thì có thể bị xử phạt như sau: Nếu đơn vị đó không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật hoặc niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Nếu tái phạm hoặc niêm yết giá không đúng giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá thì bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.
Đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết.
Về hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Vì vậy, trong thời điểm này, người dân nên tìm hiểu thông tin cũng như nắm các quy định của pháp luật nêu trên để tự bảo vệ quyền và lợi ích cho mình và trong trường hợp cần thiết, có thể thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được hỗ trợ giải quyết.
Bình luận (0)