xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tăng hình phạt bị cáo tố thư ký tòa chạy án

Bài và ảnh: Phạm Dũng

HĐXX nhận định bị cáo phạm tội nhiều lần với nhiều người và dùng hung khí nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tăng án từ 9 tháng lên 4 năm tù là không thấu tình đạt lý

Sau 2 ngày xét xử và nghị án, sáng 10-8, TAND TP HCM đã tăng hình phạt từ 9 tháng lên 4 năm tù đối với bị cáo Mai Thị Ngọc Vân (SN 1980) về tội “Cố ý gây thương tích”, đồng thời ra quyết định khởi tố Mai Khải Hoàn (SN 1983, em trai Vân) tội “Cố ý gây thương tích”.

Sai sót không nghiêm trọng (!?)

Theo bản án sơ thẩm của TAND quận Tân Bình, do có mâu thuẫn từ trước, ngày 1-6-2014, Vân và ông Trịnh Quang Hân (SN 1954) xảy ra cự cãi, Vân nắm cổ áo xô ông Hân ra. Lúc này, Trịnh Quốc Việt (SN 1991, con ông Hân) chạy sang kẹp cổ thì bị Vân cắn vào tay (thương tật 2%). Nghe chị bị đánh, Mai Khải Hoàn chạy ra dùng tấm ván đánh rồi đạp ông Hân.

Chiều hôm sau, do vẫn còn tức chuyện hôm trước nên khi thấy Việt, Vân dùng khúc gỗ đánh vào lưng. Thấy vậy, Trịnh Quang Trung (anh của Việt) chạy ra can ngăn thì cũng bị Vân đánh gây thương tích. Hậu quả, ông Hân bị thương tật 4% (không do Vân gây ra), Việt 4% và Trung 13%.

Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKSND TP HCM đã yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm do vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Cụ thể, bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” nhưng biên bản nghị án ghi tội “Cướp giật tài sản”; cần xác định hành vi cố ý gây thương tích của những người liên quan.

Mai Thị Ngọc Vân bật khóc khi bị tăng án từ 9 tháng lên 4 năm tù
Mai Thị Ngọc Vân bật khóc khi bị tăng án từ 9 tháng lên 4 năm tù

Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Vũ Phi Long, cho rằng việc sai sót về mặt hình thức không ảnh hưởng đến những người tham gia tố tụng nên không thể gọi là nghiêm trọng. Ngoài ra, tòa sơ thẩm đã nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng không được cơ quan điều tra xem xét nên việc hủy án là không cần thiết.

“Cấp sơ thẩm xét xử bị cáo theo khoản 1, điều 104 Bộ Luật Hình sự (BLHS) là chưa phù hợp. Quá trình điều tra, xét xử đã chứng minh chỉ có một mình Mai Thị Ngọc Vân sử dụng hung khí tấn công anh Trung. Do đó, bị cáo phải chịu toàn bộ trách nhiệm thương tích 13% do mình gây ra nên đủ cơ sở buộc tội ở khoản 2, điều 104” - chủ tọa kết luận.

Mặt khác, theo HĐXX, trong vụ án này, bị cáo Vân phạm tội nhiều lần với nhiều người, dùng hung khí nguy hiểm mà cấp sơ thẩm tuyên 9 tháng tù là không đúng.

Đối với Mai Khải Hoàn, quá trình xét xử phúc thẩm, bị cáo Vân và những người làm chứng cũng như chính lời khai của Hoàn có đánh ông Hân. Bị hại có đơn yêu cầu khởi tố với Hoàn do đã gây thương tích cho mình 4%. Hành vi của Hoàn là xem thường sức khỏe của người khác, có dấu hiệu tội cố ý gây thương tích nên HĐXX ra quyết định khởi tố tại tòa.

Nhiều vấn đề chưa được xem xét

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Nguyễn Hòa Hưng - bào chữa cho bị cáo Vân - đánh giá đây là bản án không thấu tình đạt lý, quá nhiều vấn đề có lợi cho bị cáo không được xem xét. “Đối với một phụ nữ mới sinh mà bị kẹp cổ thì việc cắn vào tay để bỏ chạy là phòng vệ chính đáng. Tôi nhận định đây là một bản án cần được cấp cao hơn xem xét để đem lại công bằng cho bị cáo Vân” - luật sư Hòa Hưng nói.

Theo luật sư Hòa Hưng, bị cáo Vân bị ông Hân và Việt đánh, Bệnh viện quận Tân Bình xác nhận thương tích phần đầu, mặt và xây xát môi trên. Tuy nhiên, Công an quận Tân Bình đã không giới thiệu đi giám định thương tật mặc dù bị cáo Vân có yêu cầu.

Ngoài ra, kết luận điều tra của vụ án nhầm lẫn tên của bị cáo thành “Trương Trọng Nghĩa”, biên bản nghị án chuyển từ tội “Cố ý gây thương tích” sang “Cướp giật tài sản”. Luật sư Hòa Hưng nhấn mạnh: “Bị cáo Vân không phải là người nguy hiểm cho xã hội, có nơi cư trú rõ ràng, bị hại cũng có một phần lỗi. Bà Vân phải một mình nuôi 3 con, đứa nhỏ nhất bị chấn thương sọ não. Do vậy, việc chia lìa mẹ con họ có đáng hay không?”.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng Luật Giải Phóng, cho rằng đây là vụ án gây chú ý dư luận vì bị cáo là một phụ nữ nghèo, lúc xảy ra vụ án mới sinh con. Đặc biệt, vụ án này liên quan đến tiêu cực, đó là bị cáo tố cáo thư ký tòa chạy án để được hưởng án treo nên mọi quyết định của cơ quan công quyền đều được dư luận chú ý. Vì vậy, cần làm rõ 3 vấn đề chính: xem xét thận trọng khúc gỗ có phải là hung khí nguy hiểm hay không, có phòng vệ chính đáng và phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không? Mặt khác, theo điểm c, mục 3.2 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định: Chỉ áp dụng tình tiết “Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người” quy định tại điểm c, khoản 1, điều 104 của BLHS để xét xử bị cáo theo khoản 2, điều 104 của BLHS trong các trường hợp sau đây:

...

c2. Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên (có thể một lần, có thể nhiều lần đối với mỗi người) mà trong đó có ít nhất 2 người và mỗi người một lần tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30%.

“Trong trường hợp này, nếu cho rằng Vân phạm tội đối với nhiều người nhưng chỉ có một người có tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên thì không thể áp dụng tình tiết “phạm tội nhiều lần” để xử theo khoản 2, điều 104 BLHS được. Chưa xét đến, trong lần phạm tội đầu tiên, gây thương tích cho Việt là phòng vệ chính đáng. Còn lần phạm tội sau, có thể Vân phạm tội trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh đối với Việt vì trước đó đã cùng ông Hân đánh Vân. Đặc biệt, việc tăng án có liên quan đến một vụ chạy án chưa bị khởi tố về hành vi nhận hối lộ khiến dư luận nghi ngờ về tính khách quan của phán quyết” - luật sư Kiều Hưng phân tích.

Theo luật sư Kiều Hưng, về việc khởi tố tại tòa đối với Mai Khải Hoàn, người can ngăn vụ ẩu đả là rất khiên cưỡng, khó thuyết phục vì chưa cấu thành tội phạm (chưa đủ tỉ lệ thương tật và không dùng hung khí nguy hiểm).

Thấy sai trái nên tố cáo

Liên quan đến vụ án này, quá trình đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, TAND TP HCM đã phân công thẩm phán Phạm Thao làm chủ tọa, còn Trần Thị Nhung là thư ký phiên tòa. Quá trình trao đổi việc xét xử phúc thẩm, Nhung đã gợi ý Vân chạy án 120 triệu đồng để được hưởng án treo. Sau nhiều lần thương thảo, Nhung chốt giá với Vân là 85 triệu đồng. Sau đó, Nhung thỏa thuận địa điểm đưa tiền chạy án là bên ngoài TAND TP HCM và cho Vân số điện thoại của chồng mình để liên lạc đưa tiền. Nhận thấy hành vi của mình là trái pháp luật nên Vân đã làm đơn tố cáo. Khi Phạm Văn Khang (chồng Nhung) vừa nhận 85 triệu đồng tiền chạy án từ Vân thì bị công an bắt quả tang.

Sau khi xảy ra vụ tiêu cực này, TAND TP HCM đã đình chỉ công tác đối với thẩm phán Phạm Thao và thư ký Trần Thị Nhung.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo