Việc bé Văn Minh Đạt (SN 2010; ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) bị chiếc diều “khủng” của CLB diều Sài Gòn kéo lên độ cao 20 m, sau đó rơi xuống tử vong vào chiều 15-3 khiến nhiều người hoang mang.
Chính quyền làm ngơ?
Ông Lê Văn Trần, bán cá viên chiên trên đường Song Hành (huyện Hóc Môn), cho biết hơn 16 giờ, khi thấy diều của CLB diều Sài Gòn mang ra chuẩn bị thả, nhiều em ùa tới xem, trong đó có bé Đạt. Khi diều vừa lên cao đón gió, cũng là lúc ông thấy bé Đạt bị một sợ dây kéo theo. Trên không trung, Đạt khóc thét, còn những người phía dưới dang tay để hứng. “Vài giây sau, Đạt rơi xuống đất, nằm bất động” - ông Trần xót xa.
Chị Văn Thị Thanh Thúy (27 tuổi, mẹ nạn nhân) khóc nức nở: “Con diều to lắm, Đạt còn khoe với tôi là to hơn nhà bà ngoại. Khi Đạt rơi từ trên cao xuống, tôi chạy tới đỡ mà không kịp...”.
Ông Đỗ Văn Lựu, Chủ nhiệm CLB diều Sài Gòn, cho rằng đây là tai nạn bất ngờ. Thực tế, CLB diều Sài Gòn đến cánh đồng diều vì được CLB diều Hóc Môn mời hỗ trợ, biểu diễn cho một đài truyền hình quay phim chứ không phải thử nghiệm để chuẩn bị dự Festival ở Vũng Tàu. Về các điều kiện an toàn chuẩn bị cho diều bay, ông Lựu giải thích: “Theo quy tắc, trước khi thả diều, chúng tôi phải đo sức gió bằng máy để biết đủ kéo lên không. Sau đó, các thành viên sẽ căng diều, gỡ rối dây và chờ đủ điều kiện thì mới buông diều”. “Trong tai nạn trên, điều bất ngờ là dù chưa đến thời điểm để buông diều nhưng có cơn gió lớn khiến diều bồng lên cao và chân bé Đạt bị vướng vào dây” - ông Lựu lý giải.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi phải chăng công đoạn chuẩn bị, khâu quan sát của một số thành viên CLB không được tốt nên xảy ra tai nạn thì ông Lựu cho rằng chưa thể khẳng định có lơ là hay không nhưng do diều quá to, người đứng trước thì không thấy phía sau, bên hông và ngược lại. “Đại diện CLB đã làm việc rất căng thẳng trong 3 giờ với Công an huyện Hóc Môn để tường trình những gì xảy ra” - ông Lựu cho biết.
Lý giải việc vì sao lại chọn một nơi rất đông người để thả diều “khủng” trong khi không có lực lượng chức năng hỗ trợ, giám sát an ninh..., ông Lựu nói: “Nhiều năm nay, các thành viên CLB đi biểu diễn diều “khủng” ở khắp nơi nhưng không có chính quyền địa phương nào đả động gì”. Tuy nhiên, ông Lựu thừa nhận trước khi thực hiện thử nghiệm, CLB nên lập rào chắn, kiểm tra kỹ lưỡng mới căng dây diều.
Nguy hiểm trên trời lẫn dưới đất
Trước đó, cũng tại cánh đồng diều ở huyện Hóc Môn, chúng tôi đã chứng kiến hàng loạt vụ cự cãi, ẩu đả giữa những người thả diều. Có hàng ngàn người chen chúc nhau thả diều ở nơi đây, trong khi không gian không đủ đáp ứng. Ngoài ra, gần đó có tuyến điện cao áp nối giữa khu vực điện huyện Củ Chi vào trung tâm TP. Trong lúc thả diều, gió đảo chiều nên từng có hàng chục cánh diều vướng vào lưới điện. Điều nguy hiểm là những người chơi đã dùng tay giật mạnh dây cho diều rơi xuống. Tuy nhiên, thấy có một vài tia lửa phát ra nên họ mới đành bỏ diều để mua cái mới rồi tiếp tục thả. Cũng tại cánh đồng diều trên, có nhiều giếng để lộ thiên, rất nguy hiểm cho những ai không chú ý.
Trên một số bãi đất trống thuộc phường Tân Hưng Thuận (quận 12), mặc dù xe cộ qua lại thường xuyên nhưng nhiều người vẫn vô tư thả diều. Anh Trần Quang Điền, một người dân sống gần đó, cho biết: “Hôm trước, tôi đi qua đây thì bị dây diều rơi xuống quấn ngang cổ. Nếu tôi không thắng kịp thì có lẽ đã nguy hiểm đến tính mạng. Ngày nào qua đây, tôi cũng lo sợ...”.
Trong khi đó, tại một số khu vực trống trên Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), khu Thủ Thiêm (quận 2), Phú Mỹ Hưng (quận 7)…, mỗi chiều về có đông nghịt người dân thả diều. Phía trên không, dây điện chằng chịt, rất dễ vướng vào. Dưới đất, xe máy chạy ào ào, khi diều rơi xuống thì khả năng cuốn vào bánh xe, gây té ngã rất cao. “Hôm 12-3, tôi chứng kiến một con diều rơi xuống vướng kính chiếu hậu của xe tải, người chơi một mực kéo lại khiến dây cứa vào 4 người đứng gần đó, gây chảy máu” - anh Thái (ngụ đường Trần Não, quận 2) kể.
Trước đó, ngày 10-3, em Phạm Ngọc Phát (17 tuổi; ngụ xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) trong khi thả diều ở khu vực gần nhà đã để mắc vào đường dây điện trung thế. Phát leo lên mái nhà, dùng cây sào bằng kim loại gỡ diều thì bị điện phóng gây phỏng nặng ở ngực, mặt và tay. Ngày 3-3, tại xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất cũng xảy ra sự cố chập điện do những người thả diều gây nên khiến hàng trăm thiết bị điện của hơn 200 hộ dân bị hư hỏng.
Hàng không cũng... khổ!
Theo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), xung quanh nhiều cảng hàng không còn tình trạng người dân thả diều, gây nguy cơ uy hiếp an toàn bay. Ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM), cho biết sân bay thường xuyên phối hợp với Cảng vụ hàng không miền Nam và UBND các quận, huyện tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về văn hóa an toàn hàng không. Các địa phương cũng ký cam kết tuyên truyền để người dân không thả diều, bóng bay, đèn trời... quanh khu vực sân bay, tránh ảnh hưởng đến hoạt động an toàn khi máy bay cất, hạ cánh. “Dù chưa có sự cố nào xảy ra liên quan đến diều, đèn trời, bóng bay nhưng vẫn cần giám sát thường xuyên để tránh hậu quả đau lòng” - ông Tú nói. Trong khi đó, ở Đà Nẵng đã từng xảy ra trường hợp người dân thả diều gần sân bay khiến máy bay phải quay đầu trở lại sân đỗ và 5 chuyến bay khác bị ảnh hưởng dây chuyền…
Hành vi vô ý làm chết người
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho biết việc bé Đạt tử vong có dấu hiệu của tội vô ý làm chết người.
Theo luật sư Hậu, bên cạnh việc bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, người thả diều còn có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại theo quy định pháp luật.
Bình luận (0)