Cảng nước sâu nhưng đón tàu nhỏ
Cách đây 10 năm, do nhu cầu phát triển hệ thống cảng biển phục vụ vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc, ngày 25-7-1996, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư mở rộng cảng Cái Lân. Mục tiêu của dự án là xây dựng 7 bến tàu, trong đó 4 bến dành cho tàu từ 10.000 tấn - 20.000 tấn, hai bến dành cho tàu trọng tải 30.000 tấn và một bến cho tàu 40.000 tấn. Tổng dự toán được Bộ GTVT phê duyệt là 1.311 tỉ đồng, do BQL Dự án Hàng hải II (MPMU II) làm đại diện chủ đầu tư.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, kết thúc giai đoạn I cảng Cái Lân mới hoàn thiện 3 bến nước sâu cho tàu 20.000 tấn - 30.000 tấn và một bến hiện có. Còn 3 bến thuộc giai đoạn II – đặc biệt là 7,5 km luồng ngoài chưa được nạo vét nên trước mắt chỉ đáp ứng cho tàu 15.000 tấn ra vào cảng. Hiện nay, một số hạng mục cơ bản của dự án, điển hình là bến cảng cũng mới hoàn thành được 50% kế hoạch nhưng bề mặt sân bãi đã thường xuyên bị lún sụt, nhà thầu phải sửa chữa, khắc phục nhiều lần làm cho dự án chậm tiến độ, tăng chi phí, gây lãng phí.
Bị loại nhưng vẫn trúng thầu
Gói thầu số 1 xây dựng 4 bến đầu tiên có 15 nhà thầu nộp hồ sơ, tổ chuyên gia chọn thầu đã chọn được 11 nhà thầu, trong đó có Penta Ocean. Nhưng khi tư vấn chấm thầu độc lập, kết quả chỉ chọn được 6, trong số bị loại ra có Penta Ocean. Tuy nhiên, sau đó, MPMU II vẫn chọn cả 11 nhà thầu trúng sơ tuyển vào dự đấu thầu mà không báo cáo Bộ GTVT. Kết quả, Penta Ocean đã trúng thầu, thầu phụ là Công ty Công trình 86.
Theo hồ sơ mời thầu, nhà thầu phụ thực hiện 48% công việc. Tuy nhiên, ngay lập tức, nhà thầu chính này đã ký ngay hợp đồng giao Công ty 86 được thực hiện toàn bộ phần xây dựng cảng với giá trị chiếm 70%. Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ kết luận, khi thực hiện hợp đồng, chủ đầu tư đã buông lỏng quản lý để nhà thầu chính trực tiếp ký hợp đồng với 36 nhà thầu phụ khác trong nước để thi công và cung cấp vật tư thiết bị. Kết quả, các nhà thầu phụ thi công gói số 1 chiếm tới 77% giá trị thực hiện.
Ngoài ra, trong quá trình sản xuất 35 “thùng chìm” cũng có sai phạm. Cụ thể, theo thiết kế ban đầu, khối lượng thép trong “thùng chìm” là 2.586 tấn nhưng bản vẽ thiết kế kỹ thuật trong hồ sơ đấu thầu chỉ có 2.188 tấn. Chi phí để khắc phục, xử lý kỹ thuật “thùng chìm” lên tới hơn 12,5 tỉ đồng. Ở một sai phạm khác, chi phí nổ mìn thử nghiệm phát sinh ngoài giá trị gói thầu cũng đã lên tới hơn 5 tỉ đồng. Hai lỗi này, Thanh tra Chính phủ kết luận có phần liên đới trách nhiệm của nguyên thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến vì đã ký các văn bản cho phép thanh toán chi phí không đúng.
“Ăn cắp” hơn 8,6 tỉ đồng
Gói thầu số 2 về nạo vét luồng trong và xây dựng nhà xưởng do nhà thầu Toa đảm trách với tổng khối lượng theo hồ sơ mời thầu là 1,1 triệu m3 nhưng qua thanh tra đã phát hiện khối lượng được thanh toán hơn 1,2 triệu m3, vượt 142.588 m3.
Đáng lưu ý, theo quy định của hồ sơ mời thầu, nhà thầu phải vận chuyển và đổ thải vật liệu nạo vét ra ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, cự ly vận chuyển là 42 km. Trên thực tế, được sự cho phép của UBND tỉnh Quảng Ninh, số chất thải này được đổ ngay tại 2 điểm nằm trong vịnh Hạ Long. Số tiền mà Nhà nước bị “ăn cắp” do rút ngắn cự ly vận chuyển lên tới hơn 8,68 tỉ đồng.
Trách nhiệm về những sai phạm này đã được Thanh tra Chính phủ quy cho lãnh đạo Cục Hàng hải VN và Bộ GTVT, nhưng chịu trách nhiệm trực tiếp là tổ chuyên gia xét thầu, MPMU II, Cục Giám định (Bộ GTVT). Ba cá nhân phải chịu trách nhiệm là ông Nguyễn Đức Chuôm (nguyên giám đốc MPMU II), ông Nguyễn Văn Thiệm (Giám đốc MPMU II) và ông Nguyễn Việt Tiến.
Bình luận (0)