Trưa 28-8, Cơ quan CSĐT Công an quận 10, TP HCM cho biết đang tạm giữ Tạ V.Ph. (13 tuổi, ngụ quận 10) để điều tra hành vi dùng dao đâm người khác khi đi giật đồ cúng cô hồn.
Theo lời khai ban đầu, ngày 26-8, gia đình em T.H.S. (15 tuổi, ngụ phường 8, quận 10) tổ chức cúng cô hồn. Nhóm của Ph. thấy gia đình S. cúng nên nhào vào giật. Sau khi giật xong, các thanh thiếu niên trong nhóm Ph. bỏ sang nhà khác giật đồ cúng thì Ph. ở lại kiểm tra.
Ph. bị người dân bắt giao công an xử lý
Nạn nhân S. đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1
Ph. thấy trong túi đồ chỉ có trái cây và bánh ngọt nên ném xuống đất rồi chửi thề. Lúc này, S. nghe thấy nên hai bên cự cãi rồi đánh nhau.
Cha S. can ngăn nhưng cả hai tiếp tục xông vào. Bất ngờ Ph. rút dao bấm đâm vào vùng cổ khiến S. gục tại chỗ. S. được gia đình đưa đi cấp cứu còn Ph. bị người dân bắt giao công an xử lý.
Được biết Ph. là trẻ mồ côi vì cha mẹ đều đã qua đời và Ph. đang sống với bà ngoại. Hiện vụ việc đang được Công an quận 10 lập hồ sơ xử lý.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết theo Bộ Luật Hình sự 2015, tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định phải từ đủ 14 tuổi trở lên.
Nếu người dưới 14 tuổi mặc dù có hành vi phạm tội nhưng lại không thể xử lý hình sự bởi vì không đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy, đối với người dưới 14 tuổi phạm tội thì chỉ có thể áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo điều 90, điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Cụ thể, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ Luật Hình sự 2015 thì áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ Luật Hình sự 2015 thì áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
Trường hợp người dưới 12 tuổi phạm tội hoặc người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi phạm tội nghiêm trọng/ít nghiêm trọng thì hiện nay không thể xử lý hình sự cũng như áp dụng các biện pháp xử lý hành chính mà chỉ có thể giáo dục, uốn nắn tại gia đình để trẻ em nhận ra những hành vi sai trái của mình.
Theo khoản 2 điều 586 Bộ Luật Dân sự 2015, trường hợp hành vi của người dưới 14 tuổi gây ra thiệt hại thì cha, mẹ, người giám hộ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Bình luận (0)