icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh thiếu trung thực

Nhóm phóng viên

Ông Cao Ngọc Oánh nhiều lần gọi điện thoại cho Dũng “Huế” khi đối tượng này còn ở Thái Lan . Thêm một vụ trưởng và một kiểm sát viên VKSND Tối cao phải rút khỏi việc điều tra vụ án

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 7-4, Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục CSND – Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, đã có cuộc họp với Thường vụ Đảng ủy Tổng cục CSND. Tại cuộc họp này, ông Oánh đã bị đánh giá là thiếu trung thực khi giải trình về mối quan hệ với bị can Tôn Anh Dũng (Dũng “Huế”) – mắt xích quan trọng trong đường dây “chạy tội” cho nguyên tổng giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng. Ông Oánh cũng được yêu cầu rút khỏi danh sách đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Là thủ trưởng Cơ quan CSĐT, ông Oánh phải biết rõ mối quan hệ của Dũng “Huế” – người ông coi như anh em – với Bùi Tiến Dũng – đối tượng đang bị điều tra.

Tướng Oánh “mắng” cấp dưới

Cho đến nay, cơ quan điều tra (CQĐT) đã xác định, tại thời điểm cuối tháng 3-2006 vừa qua, từ Thái Lan, Dũng “Huế” đã gửi một bản fax tới số fax của Thiếu tướng Trần Văn Nho, Chánh Văn phòng CQĐT. Nội dung bản fax gần giống như bức thư điện tử Dũng gửi cho các báo: Ngày 29-3, Dũng sẽ về VN trình diện CQĐT để minh oan cho một số cán bộ cao cấp, cán bộ liêm khiết trong sạch của Đảng và Nhà nước. Khi chuẩn bị về đến VN, Dũng “Huế” đã hủy chiếc điện thoại di động thường xuyên gọi (và nhận cuộc gọi) cho các VIP. Rất may, một nguồn tin cho biết, một số tiếp viên hàng không đã kịp thời thu giữ và lập biên bản rồi giao nộp cho CQĐT. Đến nay, CQĐT cũng đã xác minh được một số cuộc gọi đi – đến của chiếc máy này. Đáng lưu ý nhất, trong thời gian Dũng lưu lại Thái Lan, Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh đã gọi rất nhiều lần cho Dũng.

Loại các phóng viên khỏi danh sách nghi “chạy án”

Trước thời điểm 10-4, có một danh sách khoảng 10 phóng viên thuộc diện tình nghi tham gia “chạy tội” cho Bùi Tiến Dũng. Các nhà báo này đã bị Quyết “râu” đến gặp gỡ, nhờ viết bài chạy tội cho Dũng “tổng”. Các điều tra viên cũng đã đến làm việc với một số báo nằm trong danh sách “đen” này. Tuy nhiên, chiều 10-4, Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, cho biết: Đến nay, nghi ngờ này đã được giải tỏa.

Như đã thông tin, ngày 6-4, khi được hỏi về việc ông có liên quan tới vụ “chạy tội” cho nguyên tổng giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng hay không, tướng Oánh phân trần với báo chí: “Tôi là thủ trưởng CQĐT, tôi không bao giờ dại gì một tay xích Bùi Tiến Dũng, còn tay kia lại nhận tiền của nó. Làm như vậy có khác gì mình tra tay vào còng cùng với đối tượng phạm tội...”. Trên thực tế, ông Cao Ngọc Oánh chỉ đạo cả chuyên án nhưng không hề chỉ đạo việc bắt giữ Bùi Tiến Dũng. Thậm chí, sau khi Bùi Tiến Dũng bị bắt, ông Oánh còn có 5 cuộc điện thoại cho 2 cán bộ điều tra dưới quyền (mỗi cuộc kéo dài hàng chục phút) – những người trực tiếp thực hiện hoặc chỉ đạo việc bắt giữ Bùi Tiến Dũng – và đã buông ra những lời lẽ hết sức nặng nề đối với 2 cán bộ này.

Phát hiện thêm 3 chiếc xe cho mượn

Trong một diễn biến khác, tiếp tục điều tra về số ô tô Bùi Tiến Dũng cho mượn bừa bãi khi còn làm tổng giám đốc PMU 18, ngoài 34 chiếc xe đã được Báo Người Lao Động thông tin, CQĐT phát hiện thêm 3 chiếc xe sang trọng khác cũng được cho mượn vô thời hạn. Một chiếc cho một phụ nữ tên Tr. – nhiều dấu hiệu cho thấy là “bồ” của Dũng - mượn; một chiếc cho con trai một lãnh đạo TP Hà Nội mượn; chiếc còn lại cho con của một thứ trưởng, có liên quan ít nhiều đến công tác phá án, mượn. Trong số 3 chiếc này, một chiếc rất đắt tiền là xe Camry 3.0, có biển số “tứ quý”.

Rút vụ trưởng Vụ 1A khỏi việc điều tra vụ án

Cho đến thời điểm này, liên quan đến nhánh “chạy tội” cho cựu tổng giám đốc PMU 18 Bùi Tiến Dũng, một số nhân vật cầm tiền đi lo lót hoặc bị nhận diện đã nộp lại số tiền cầm của Dũng. Tổng số tiền này lên tới 500.000 USD nhưng có thông tin nói rằng con số này là 20 tỉ đồng. Số tiền 500.000 USD này được “phân bổ” như sau: 200.000 USD “nhắm” vào cơ quan hành pháp Trung ương, 100.000 USD “nhắm” vào CQĐT (Bộ Công an), 100.000 USD “nhắm” vào Vụ 1A VKSND Tối cao, còn 100.000 USD “nhắm” vào một số nhân vật khác. Trong đó, bị can Phạm Tiến Dũng - nguyên trưởng Phòng Kế hoạch của PMU 18 - đã cầm 50.000 USD đi gõ cửa một nhân vật có chức trách trong vụ việc. Tuy nhiên, Dũng đã bị từ chối thẳng thừng. Bị can Nguyễn Mậu Thôn, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hoa Việt (một doanh nghiệp sân sau của Dũng “tổng”), đã chủ động nộp lại 500 triệu đồng. Bị can Tôn Anh Dũng khi còn ở Thái Lan cũng đã nhờ người thân nộp lại 480 triệu đồng (tương đương 30.000 USD cầm của người nhà Bùi Tiến Dũng).

Một nguồn tin ngày 10-4 cho biết, lãnh đạo các cơ quan chức năng đã có quyết định rút ông Nguyễn Duy Hồng, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát án điều tra (Vụ 1A) thuộc VKSND Tối cao, khỏi nhiệm vụ kiểm sát điều tra vụ án tham nhũng ở PMU 18. Một kiểm sát viên khác trực tiếp thụ lý vụ việc cũng phải rút khỏi vụ án để bảo đảm tính khách quan.

Mặc dù tới nay chưa có kết luận việc ông Hồng có nhận 100.000 USD hay không nhưng việc ông không được tham gia điều tra vụ án là do có những mối quan hệ với một số quan chức bị nghi ngờ. Ông Hồng là em họ ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (người vừa phải giải trình và đối chất với ông Cao Ngọc Oánh về “bữa tiệc chạy tội” ở khách sạn Melia) và ông Nguyễn Văn Tùng, cán bộ Ban Tổ chức Trung ương (em ruột ông Lâm)- người vừa bị triệu tập để làm rõ một số vấn đề liên quan. Bị can Nguyễn Việt Bắc (nguyên phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư đường cao tốc VN) là họ hàng ruột thịt với vợ của ông Nguyễn Văn Lâm. Ông Hồng cũng đã dùng cơm thân mật với bị can Nguyễn Mậu Thôn và ông Tùng tại nhà hàng Phố Núi ở đường Nguyễn Chí Thanh.

. Cùng ngày 10-4, các điều tra viên đã xuống trại tạm giam T16 để thẩm vấn 2 bị can Nguyễn Việt Tiến và Tôn Anh Dũng.

Chấp thuận đơn từ chức của Bộ trưởng Đào Đình Bình

Bộ Chính trị vừa đồng ý với đề nghị của Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, chấp thuận đơn từ chức bộ trưởng của ông Đào Đình Bình. Đồng thời, Ban Bí thư cũng chấp thuận việc xin rút các chức danh về Đảng của ông Bình: chấp thuận việc ông Bình xin rút khỏi danh sách đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Cương vị Bí thư Ban Cán sự Đảng bộ Bộ GTVT của ông Bình cũng sẽ được thay thế. Do ông Bình là nhân sự do Quốc hội phê chuẩn nên tại kỳ họp tháng 5 tới, Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ có tờ trình, đề nghị Quốc hội xem xét việc từ chức của ông Bình. Trong kỳ họp này, dự kiến vấn đề từ chức của ông Bình sẽ được đặt lên bàn nghị sự. Có ý kiến cho rằng, không loại trừ khả năng Quốc hội sẽ đòi hỏi phải có hình thức kỷ luật cao hơn đối với ông Bình chứ không đơn thuần là việc chấp thuận đơn từ chức.

Trong khi chờ có nhân sự thay thế vị trí bộ trưởng, công tác điều hành Bộ GTVT được giao cho Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Thế Minh. Về tiến trình làm lại bản kiểm điểm của lãnh đạo bộ, Ban Bí thư cũng đã cho phép ông Bình và các thứ trưởng lùi lại thời hạn đến sau Đại hội Đảng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo