Ăn chia đền bù giải tỏa?
Cuối cùng thì một sai phạm nghiêm trọng, gây dư luận bất bình, bất an cho nhiều CB-CNV cũng đã hé lộ, đó là những việc làm khuất tất của Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư hạ tầng cơ sở khu đô thị mới An Phú – An Khánh trực thuộc Công ty PTKDN.
Theo phương án được duyệt, tỉ lệ hoán đổi đất cho một số hộ tái định cư theo tỉ lệ 7% đối với đất nông nghiệp và 9% đất thổ cư (tức người dân có 100 m2 sẽ đổi được từ 7 m2 đến 9 m2 đất dự án đã có hạ tầng). Dự án có nhiều loại nền, diện tích khác nhau: 80 m2, 100 m2, 150 m2, 200 m2... số diện tích đất nền được bố trí tái định cư cơ bản phải xấp xỉ số diện tích được hoán đổi. Thế nhưng, trong thực hiện công tác hoán đổi đất đã có nhiều nghi vấn như: số diện tích đất nền được bố trí đã vượt trội rất nhiều so với tiêu chuẩn tỉ lệ đất được hoán đổi. Trong khi giá đất thị trường rất cao!?
Xin trích dẫn một số trường hợp: Tại phiếu đăng ký nền nhà (dùng cho chủ sử dụng đất có đất nông nghiệp cần đổi đất ở trong khu tái định cư) số 201 ngày 25-11-2003, ông Nguyễn Thành V. (ngụ quận Phú Nhuận – TPHCM) có 7.010 m2 đất nông nghiệp, nếu căn cứ theo tỉ lệ trên, khi hoán đổi ông V. sẽ được nhận 490,7 m2. Song điều bất ngờ, ông V. lại được giao đến 8 nền đất với diện tích 100 m2/nền (tương đương 800 m2). Như vậy công ty đã hoán đổi thừa cho ông V. đến những 309,3 m2!? Tương tự, phiếu số 60 ngày 24-4-2002, thừa 195 m2; phiếu 119 ngày 9-1-2003, thừa 179,08 m2; phiếu 87 ngày 16-9-2002 thừa 107,86 m2; phiếu 63 ngày 7-5-2002, thừa 140,1 m2...
Kiểu hoán đổi đất vô tội vạ trên chắc chắn không xuất phát từ lòng “hảo tâm” của Công ty PTKDN. Dư luận đặt câu hỏi: Đây có phải chiêu “rút đất” để chia chác hưởng lợi cá nhân của những người có trách nhiệm.
San lấp mặt bằng: Đủ kiểu gian dối
Trở lại vụ việc san lấp mặt bằng, không chỉ gian dối trong việc kê giá san lấp mặt bằng, cho thấy BQL dự án An Phú – An Khánh còn cố tình vi phạm chỉ tiêu kỹ thuật nhằm “rút ruột” công trình. Cụ thể, ngày 26-9-2006, tại biên bản kiểm tra cao độ mặt đất hiện trạng mặt bằng thi công công trình xây dựng Trường THPT An Phú, quận 2 (diện tích 2,4 ha), đã phát hiện cao độ trung bình mặt đất hiện hữu thấp hơn cao độ chuẩn là: + 2,190 m/+2,939 m. Chính vì lẽ đó, ngày 9-11-2006, nhà thầu thi công xây dựng công trình là Công ty Xây dựng Thương mại Thuận Việt đã có công văn gởi Công ty PTKDN TP phản đối “sự chênh lệch rất lớn giữa cao độ mặt bằng tự nhiên và cao độ thiết kế (khoảng 0,71 m)”. Theo Công ty Thuận Việt: Sự chênh lệch cao độ này có giá trị phát sinh rất lớn và có nhiều vướng mắc về mặt pháp lý, gây nhiều rủi ro cho đơn vị thi công”.
Để che lấp sự việc trên, BQL dự án An Phú – An Khánh đã cho san nền bổ sung. Nhưng thay vì dùng vật liệu đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm chất lượng thì công ty lại sử dụng vật liệu... dỏm. Do vậy, ngày 2-1-2007, Công ty Thuận Việt đã có công văn số 111/CV-2007 tiếp tục phản đối Công ty PTKDN về việc sử dụng loại đất san lấp “rất kém chất lượng: lẫn bùn, cốp pha gỗ mục, xà bần và tạp chất rất nhiều” và “khi san lấp đã không sử dụng máy ủi, xe lu khiến mặt nền không chặt theo quy định thiết kế”. Từ những vi phạm gây ảnh hưởng lớn đến kết cấu công trình thi công, Công ty Thuận Việt đề nghị: Thay đổi lại đất san lấp tốt hơn hoặc đổi thành san lấp bằng cát.
Vừa đá bóng vừa thổi còi!
Trong quyết định thành lập BQL dự án An Phú – An Khánh (số 1669/QĐ-UB-ĐT ngày 14-3-2003 của UBND TPHCM) quy định rõ nhiệm vụ của ban này là tổ chức quản lý và triển khai dự án đầu tư hạ tầng cơ sở; thực hiện đúng và đủ các nội dung, quy trình quản lý dự án đầu tư xây dựng; đăng ký hợp đồng tư vấn xây dựng... Tuyệt nhiên, trong văn bản này không hề có quy định cho BQL dự án chức năng thi công. Thế nhưng, BQL dự án đã giao cho ông Phạm Đức Khánh, cán bộ kỹ thuật của ban, chịu trách nhiệm trực tiếp phụ trách công tác xây bó nền để phân lô giao cho khách hàng mua nền, với giá trị vật tư được quyết toán là 132.963.444 đồng.
Mặt khác, BQL dự án còn mua hóa đơn trôi nổi để làm thủ tục thanh toán và từng bị Công an quận 3 “sờ” đến. Ngày 12-10-2006, ông Trần Huy Tập, Phó Giám đốc Công ty PTKDN kiêm Giám đốc BQL dự án, có công văn số 404-06/2006/BB.TV gởi Cục Thuế TPHCM trình bày việc giao cho anh Khanh, cán bộ kỹ thuật của ban thi công; việc sử dụng hóa đơn tài chính thanh toán không hợp pháp và cam kết sẽ chấp hành mọi quy định của Cục Thuế. Sau đó, ngày 11-12-2006, BQL dự án An Phú – An Khánh đã có biên bản số 515-06/BB, thu của anh Khanh số tiền 45.932.826 đồng (tiền thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp).
BQL dự án An Phú – An Khánh không phải là một doanh nghiệp, không có chức năng thi công tại sao lại nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp là trách nhiệm của bên thi công, tại sao BQL dự án lại làm cả nhiệm vụ của bên A và bên B (vừa đá bóng vừa thổi còi).
Bình luận (0)