Trong vụ án xét xử nguyên đại tá công an Dương Tự Trọng đầu năm 2014 về tội tổ chức cho anh trai trốn ra nước ngoài, Dương Chí Dũng, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, đã khai ông Phạm Quý Ngọ là người “mật báo” cho mình trước khi có quyết định bị khởi tố vì những sai phạm trong vụ án tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Người duy nhất bị tố cáo trong vụ án
Đáng chú ý, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ là người duy nhất bị Dương Chí Dũng tố cáo tại tòa rằng đã gọi điện “mật báo” cho ông ta biết bị khởi tố, có lệnh bắt giam và khuyên lánh đi một thời gian. Từ cuộc gọi này, Dương Chí Dũng đã bỏ trốn trước khi bị cơ quan công an tống đạt lệnh khởi tố, bắt giam, sau đó mới bị bắt ở nước ngoài. Ngoài ra, để có được thông tin tuyệt mật đó, Dương Chí Dũng khai đã biếu ông Phạm Quý Ngọ 510.000 USD.
Trong thời gian bị điều tra, Dương Chí Dũng còn gửi đơn tố cáo đến Ban Nội chính trung ương. Lời khai này đã gây chấn động dư luận bởi Thượng tướng Phạm Quý Ngọ chính là Trưởng Ban Chuyên án điều tra các sai phạm tại Vinalines. Tuy nhiên, trả lời báo chí, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ đã phủ nhận lời khai này.
Về vụ việc trên, nhận thấy có dấu hiệu hình sự, ngày 8-1, TAND TP Hà Nội đã khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật nhà nước” theo điều 263 Bộ Luật Hình sự.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 19-2, luật sư Nguyễn Đình Hưng (Văn phòng Luật sư Hà Nội) cho rằng vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” sẽ phải bị đình chỉ bởi không có cơ sở để khởi tố bị can vì đối tượng bị điều tra đã qua đời, không còn điều kiện để xác định hành vi của một con người.
Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, cũng khẳng định: Nếu xác định ông Ngọ có liên quan đến vụ án “Làm lộ bí mật nhà nước”, về mặt nguyên tắc tố tụng thì khi bị can chết phải quyết định đình chỉ điều tra. “Nếu trong trường hợp vụ án “Làm lộ bí mật nhà nước” này mà chỉ có một mình ông Phạm Quý Ngọ là bị can thì sẽ phải đình chỉ vụ án, đình chỉ cả khởi tố bị can. Tuy nhiên, nếu vụ án đó không chỉ ông Ngọ mà còn có những người khác nữa thì sẽ đình chỉ bị can với ông Ngọ nhưng vẫn tiến hành điều tra như bình thường” - luật sư Triển phân tích.
Sẽ phải đình chỉ vụ án
Cùng ngày, thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh Tòa Hình sự TP Hà Nội, người đã công bố quyết định khởi tố vụ án “Làm lộ bí mật nhà nước”, cho biết vụ án này sẽ phải đình chỉ. Theo thẩm phán Trương Việt Toàn, thời gian và quyết định chính thức đình chỉ vụ án sẽ do cơ quan CSĐT thực hiện. Thượng tướng Phạm Quý Ngọ qua đời, vụ án “Làm lộ bí mật nhà nước” sẽ đình chỉ theo điều 107 của Bộ Luật Hình sự.
Cụ thể, theo điều 107, không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: Không có sự việc phạm tội; hành vi không cấu thành tội phạm; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm đã được đại xá; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
Mong được minh oan
Trang thông tin chính thức của Bộ Công an tối 19-2 phát thông tin cho biết lễ tang Thượng tướng Phạm Quý Ngọ sẽ được tổ chức theo nghi lễ lễ tang cấp cao do Bộ Công an chủ trì. Lễ viếng ông được tổ chức từ sáng 23-2 tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội.
Thượng tá Nguyễn Tiến Ngữ, Phó trưởng Công an huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình - nơi Thượng tướng Phạm Quý Ngọ từng công tác, cho biết: “Khi anh Ngọ ốm nặng, chúng tôi vào thăm. Anh Ngọ chẳng nói được gì nhiều nhưng bày tỏ 2 điều mong muốn: Được đưa về an táng ở quê và cơ quan chức năng minh oan cho anh ấy”.
Bình luận (0)