Đại tá Trần Công Hiểu, chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Sau khi thông tin tàu Sunrise 689 được truyền về, chúng tôi đã chỉ đạo tất cả các đội biên phòng thông báo đến ngư dân, thuyền bè lưu thông trên vùng biển Việt Nam và lân cận chú ý, nếu phát hiện tàu thì liên lạc với biên phòng gần nhất”.
Theo đại tá Hiểu, sau khi nhận được chính xác thông tin về tàu Sunrise 689, Bộ đội Biên phòng Bà Rịa –Vũng Tàu đã điều 3 tàu và 7 cán bộ, chiến sĩ đi ứng cứu, làm thủ tục nhập cảnh cho các thuyền viên đồng thời tiến hành một số công tác khác phục vụ điều tra, xử lý.
“Chúng tôi xác định 18 thuyền viên là nạn nhân của một vụ cướp biển ngoài vùng biển Việt Nam và cố gắng hết sức mình để tạo cho các thuyền viên một trạng thái ổn định, phối hợp làm rõ vụ việc. Đây và vụ cướp biển thứ 2 chúng tôi điều tra và cách đây 1 năm chúng tôi đã bàn giao băng cướp biển cho Indonesia” - đại tá Trần Công Hiểu nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động vể vấn đề có dư luận trái chiều xoay quanh vụ cướp xảy ra trên tàu Sunrise 689 thì đại tá Hiểu nói: “Chúng tôi vừa tiếp nhận vụ việc và theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ quốc phòng thì Bộ đội Biên phòng Bà Rịa Vũng Tàu sẽ chịu trách nhiệm điều tra. Do vậy tất cả phải chờ kết quả cuối cùng chứ bây giờ cũng không trả lời được.
Hiện nay, nạn cướp biển ở Biển Đông và khu vực Đông Nam Á diễn biến phức tạp, thường xảy ra ở eo biển Malasca với thủ đoạn táo bạo, hành vi tinh vi. Cho nên, chúng tôi đã khuyến cáo tàu thuyền qua khu vực này phải hết sức cẩn thận, khi gặp sự cố phải liên lạc gấp với biên phòng gần nhất”.
Rạng sáng 11-10, tàu Sunrise 689 được lực lượng CSB vùng 4 hộ tống từ vùng biển Cà Mau về đến cầu phao số 0 (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Ngay sau đó, Lực lượng chức năng đã lên tàu thẩm vấn các thuyền viên, thu thập chứng cứ để phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ việc.
Vật dụng trên tàu Sunrise 689 bị phá nát
Một nguồn tin cho biết các thuyền viên khai rằng đã bị 10 tên cướp biển đột nhập lên tàu dùng súng ngắn, dao và một số hung khí khác dồn tất cả 18 thuyền viên vào 1 căn phòng. Sau khi rút dầu bọn cướp còn lấy đi toàn bộ lương thực, thực phẩm của đoàn thủy thủ tàu Sunrise 689.
Thuyền viên được chăm sóc trên tàu
Đại tá Lê Xuân Thanh, Bộ tư lệnh CSB Vùng 3, xác nhận với Báo Người Lao Động: “Theo quan sát, bọn cướp biển đã cắt và đập toàn bộ các thiết bị định vị, làm mất phương hướng của tàu. Sau đó, tàu trôi dạt vô định và được lực lượng cảnh sát biển phát hiện, ứng cứu ở vùng biển cách đảo Hòn Khoai, Cà Mau 80 hải lý. Hiện nay, các thuyền viên đã cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan chức năng để phục vụ công tác điều tra. Dự kiến, trưa 11-10, tàu Sunrise 689 cùng 18 thuyền viên sẽ được đưa vào đất liền”.
Cục trưởng Cục Hàng hải – Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật thăm thuyền viên. Ảnh: Phạm Dũng
Thượng úy Đỗ Văn Toản - Thuyền trưởng tàu CSB 2004 (Hải đội 402, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 4), tàu đầu tiên tiếp cận tàu Sunrise 689 trên biển - cho biết khi tiếp cận tàu Sunrise 689 ở khu vực biển Cà Mau, chúng tôi đã nhanh chóng sơ cứu, cố định vết thương cho hai thuyền viên bị thương, động viên tinh thần các thủy thủ trên tàu. Cán bộ, chiến sĩ của tàu CSB 2004 đã lấy nguồn lương thực thực phẩm dự trữ của tàu CSB 2004 để hỗ trợ cho các thuyền viên tàu Sunrise 689.
Cũng trong sáng 11-10, Cục trưởng Cục Hàng hải – Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật đã phối hợp với một số cơ quan chức năng ở Vũng Tàu ra thăm hỏi, động viên các thuyền viên.
Hiện nhóm phóng viên, biên tập viên Báo Người Lao Động đang tác nghiệp tại Cảng Gành Rái tiếp tục thông tin đến bạn đọc những thông tin mới nhất vụ việc này.
Bình luận (0)