Sáng 27-2, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, cho biết Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng vừa có chỉ đạo nghiên cứu đề xuất với Chính phủ tăng nặng chế tài xử phạt hành vi điều khiển xe máy tham gia giao thông trên đường cao tốc, trong đó có nội dung xem xét phương án tịch thu xe máy.
Bán đấu giá ủng hộ người nghèo
Theo ông Thái, những chiếc xe vi phạm sau khi bị tịch thu sẽ được bán đấu giá để lấy tiền ủng hộ người nghèo. “Đây chỉ là một trong số rất nhiều những giải pháp được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm giao thông và kéo giảm tỉ lệ tai nạn giao thông. Nếu đề xuất này nhận được sự ủng hộ thì ủy ban sẽ trình Chính phủ, còn nếu không nhận được sự ủng hộ thì sẽ phải xem xét lại” - ông Thái nói.
Tại các tuyến đường cao tốc được thiết kế và khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc đều cấm xe máy lưu hành. Tuy nhiên, tình trạng xe máy đi vào các tuyến đường cao tốc như: cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, đại lộ Thăng Long, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường vành đai 3 Hà Nội đoạn đi trên cao vẫn thường xảy ra. Theo thống kê của cơ quan chức năng, chỉ tính riêng trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, cả nước đã có hơn 7.000 xe máy bị tạm giữ vì vi phạm an toàn giao thông.
Bộ Tư Pháp sẽ có ý kiến
Chiều 27-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng đề xuất này là trái luật. Theo ông Hậu, một nguyên tắc khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là không được trái với Hiến pháp năm 2013 cũng như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giao thông đường bộ.
“Nếu ta tịch thu và bán đấu giá thì đó là tài sản riêng của người dân và điều này sẽ vi phạm quyền sở hữu, trong đó có quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản được quy định trong Luật Dân sự. Tài sản sử dụng hợp pháp muốn bán thì phải được sự đồng ý của họ. Nếu họ vi phạm giao thông thông thường thì chỉ có thể phạt tiền, tước giấy phép lái xe. Chỉ có thể tịch thu khi họ vi phạm pháp luật mà thôi” - ông Hậu nêu quan điểm. Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng cơ quan chức năng có thể tham mưu để đề xuất tăng mức phạt thật nặng bằng tiền hoặc các chế tài bổ sung đối với các hành vi vi phạm giao thông, thay vì đề nghị tịch thu xe.
Theo TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), muốn đề xuất biện pháp tịch thu phương tiện đối với hành vi đi xe máy vào đường cao tốc thì phải xem xét các yếu tố: trong luật, các nghị định hiện hành có quy định điều này hay không; hành vi vi phạm này có đến mức phải tịch thu phương tiện hay không. Nếu nghị định xử phạt hiện hành chưa có điều khoản trên mà cơ quan có thẩm quyền muốn sửa đổi, bổ sung nghị định mới để quy định điều này thì cũng phải xem xét lại từ các luật liên quan và tính chất hành vi vi phạm có đến mức cần phải tịch thu tài sản, phương tiện hay không. “Nếu đề xuất này được trình Chính phủ thì chắc chắn sẽ phải gửi qua Bộ Tư pháp để thẩm định và khi đó thì chúng tôi sẽ có ý kiến chính thức” - ông Sơn khẳng định.
Theo điểm e, khoản 4, điều 6 Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người ngồi trên mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) nếu đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt từ 200.000-400.000 đồng.
Bình luận (0)