Chiều nay 30-6, tại buổi họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm của Bộ Công an, thiếu tướng Trần Thanh, Phó cục trưởng Cục An ninh điều tra (Bộ Công an), cho biết liên quan đến vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), đến nay Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố 7 bị can về tội nhận hối lộ, 3 bị can về tội đưa hối lộ.
Thiếu tướng Trần Thanh trả lời tại buổi họp báo
Bước đầu, Bộ Công an xác định, số tiền đưa, nhận hối lộ lên đến hàng chục tỉ đồng và hàng trăm ngàn USD. Vụ nhận hối lộ của các bị can tại Cục Lãnh sự liên quan đến việc xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.
Các bị can, từ trái qua: Tô Anh Dũng, Phạm Trung Kiên, Vũ Anh Tuấn Ảnh: Bộ Công an
Theo thiếu tướng Trần Thanh, các bị can đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Số tiền đưa và nhận hối lộ đến nay đang được cơ quan chức năng tập trung điều tra, xác minh.
Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã triển khai hơn 1.000 chuyến bay và đưa 240.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với: Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Phạm Trung Kiên, chuyên viên Vụ trang thiết bị và Công trình Bộ Y tế, và Vũ Anh Tuấn, nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an; Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự; Đỗ Hoàng Tùng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự; Lê Tuấn Anh, Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự; Lưu Tuấn Dũng, Phó Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cùng, về tội Nhận hối lộ.
Các bị can gồm: Hoàng Diệu Mơ Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình; Nguyễn Thị Tường Vi Giám đốc Công ty TNHH tư vấn và đầu tư ATA Việt Nam, và Nguyễn Thị Dung Hạnh Giám đốc Công ty TNHH G Việt Nam bị khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội Đưa hối lộ.
Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị cung cấp danh sách chuyến bay "giải cứu" phục vụ công tác điều tra.
Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra đề nghị Bộ trưởng GTVT chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay giải cứu, combo đưa công dân Việt Nam về nước bắt đầu từ thời điểm nào; căn cứ tiêu chí, cơ sở nào để Bộ GTVT xét, duyệt cấp chuyến bay; quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay combo, "giải cứu" như thế nào...
Cơ quan điều tra đề nghị cung cấp danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay (thời gian, số hiệu máy bay, sân bay cất/hạ cánh) và các công ty/doanh nghiệp đã được Bộ GTVT cấp phép triển khai các chuyến bay "giải cứu", combo; kế hoạch và văn bản phê duyệt; danh sách công dân đã được đưa từ nước ngoài về trên các chuyến bay này; hợp đồng, chi phí thanh toán của từng chuyến bay...
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng được đề nghị cung cấp danh sách cá nhân được phân công tại Bộ GTVT để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện bay combo, "giải cứu".
Bình luận (0)