Tiến sĩ Nguyễn Văn Thịnh, giảng viên Khoa Sư phạm của Trường ĐH Bạc Liêu, lên tiếng về vụ ông bị VKSND TP Bạc Liêu (Bạc Liêu) truy tố về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" (đang được cho tại ngoại). Theo vị tiến sĩ, vụ án này ông bị oan sai.
Theo hồ sơ tố tụng, ông Thịnh cưới vợ năm 2002 và 2 người ly thân năm 2009. Đầu năm 2011, ông Thịnh quen biết chị N.T.P.T. (30 tuổi; ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau).
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thịnh cho rằng mình bị truy tố oan sai
Sau khi ông Thịnh làm đám cưới với chị T. thì người vợ yêu cầu chồng làm giấy đăng ký kết hôn. Lúc đó chị T. mang thai 3 tháng nên ông Thịnh nhờ Trần Thanh Bảo (không rõ nhân thân, chạy xe ôm ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) làm giùm giấy xác nhận độc thân.
Tháng 6-2011, chị T. cùng ông Thịnh đến UBND xã Phú Hưng (huyện Cái Nước) làm giấy đăng ký kết hôn, rồi dùng giấy này để khai sinh cho con.
Ông Thịnh sau đó lại có quan hệ tình cảm với một phụ nữ 28 tuổi cũng ở huyện Cái Nước nên chị T. gửi đơn ra tòa ly hôn. Đến cuối năm 2015, ông Thịnh có việc sang TP Cao Lãnh nên quen biết một nữ cán bộ ngành thuế là chị Đ.T. K.L. Chị này sinh con cho Thịnh vào tháng 6-2017.
Đầu năm 2018, chị L. gửi đơn đến Trường ĐH Bạc Liêu để tố cáo ông Thịnh về việc có quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ khác.
Theo cáo buộc của cơ quan công tố thì để đảm bảo hôn nhân hợp pháp với chị L., ông Thịnh nhờ Bảo làm giả giấy đăng ký kết hôn. Việc này, các cơ quan tố tụng cho rằng chị L. không biết giấy đăng ký kết hôn giả nên cáo buộc ông Thịnh có hành vi "Lừa dối công dân" theo Khoản 1, Điều 267 Bộ Luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Ông Thịnh cho biết sau khi "cơm không lành canh không ngọt" với vợ ở Bạc Liêu dẫn đến ly thân khiến ông buồn. Vợ chồng ông khi đó đã ra tòa hòa giải không thành một lần rồi ông bỏ đi học thạc sĩ, tiến sĩ.
"Vì buồn nên tôi mới đi chỗ này, chỗ kia và quen biết nhiều người. Những người phụ nữ yêu thương tôi họ đều biết tôi có gia đình. Họ tự nguyện đến với tôi chứ tôi không lừa tình như mọi người nghĩ", ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng khẳng định khi nhờ Bảo làm giấy đăng ký kết hôn với chị L. (lúc mang thai 3 tháng) thì người phụ nữ này biết rõ chuyện đó. Hai người từng bàn bạc, chị L. thừa biết chỉ đưa bản án ly hôn và chứng minh nhân dân (đều là bản photocopy) cho Bảo mà không đến UBND phường để làm thủ tục thì giấy tờ làm ra chắc chắn là giả. Khi đối chất tại cơ quan điều tra, chị L. cũng thừa nhận việc này.
"L. muốn có giấy đăng ký kết hôn để nộp cho cơ quan nhằm làm thủ tục thai sản, tự đi đăng ký khai sinh cho con. Cô ấy biết đó là giấy giả và mang nộp cho cơ quan mà L. không bị xử lý hình sự. Trái lại, công an lại xử lý tôi, trong khi tôi không lừa dối L.", ông Thịnh chia sẻ.
Bình luận (0)