Ngày 10-6, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") cùng 4 đồng phạm ra xét xử phúc thẩm theo kháng nghị của VKSND TP Hà Nội và kháng cáo xin giảm nhẹ, kháng cáo kêu oan của các bị cáo. Ngoài Vũ "nhôm", các bị cáo khác gồm: Nguyễn Hữu Bách (cựu cán bộ Tổng cục V - Bộ Công an) và Phan Hữu Tuấn (cựu Trung tướng, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V) bị đưa ra xét xử cùng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 2 cựu thứ trưởng Bộ Công an là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Tuyển Vũ "nhôm" vào làm tình báo viên
Trong phần thủ tục, bị cáo Phan Văn Anh Vũ cho rằng mình có tài liệu, chứng cứ mới liên quan đến vụ án và đã nộp cho HĐXX. Khi bắt đầu phần xét hỏi, chủ tọa phiên tòa yêu cầu lực lượng cảnh sát cách ly Vũ. Bị cáo đầu tiên bị HĐXX xét hỏi là Nguyễn Hữu Bách.
Tại tòa, bị cáo Bách thừa nhận có tham gia soạn thảo một số văn bản dính đến 6 tài sản liên quan đến việc cho Công ty Bắc Nam 79 và Công ty Nova 79 nhận tài sản và mua tài sản, như: công viên An Đồn cũ, dự án du lịch ven biển, trụ sở 16 Bạch Đằng (Đà Nẵng); 8 Nguyễn Trung Trực, 15 Thi Sách, 129 Pasteur (TP HCM). Toàn bộ các văn bản này đều do bị cáo Phan Hữu Tuấn chỉ đạo bị cáo soạn thảo.
Cũng theo bị cáo Bách, bị cáo không được giao nhiệm vụ chỉ đạo, quản lý Vũ "nhôm". Các văn bản ký xong cũng không được Vũ báo cáo lại triển khai như thế nào. Duy có dự án 15 Thi Sách bị cáo biết được Vũ "nhôm" có liên doanh với đối tác vì "ông Phan Hữu Tuấn trao đổi với bị cáo và chỉ đạo bị cáo viết báo cáo để lãnh đạo Bộ Công an biết việc đã liên doanh như thế".
Trong khi đó, bị cáo Phan Hữu Tuấn khai năm 2009, lúc đó bị cáo giữ chức Cục trưởng Cục B61 - Tổng cục V, đã tuyển dụng Vũ "nhôm" vào làm tình báo viên, theo phương thức tình báo mật. Thời điểm đó, bị cáo và bị cáo Bách đã gặp gỡ trực tiếp Vũ để nghiên cứu tuyển chọn, đồng thời tuyển chọn Công ty CP Bắc Nam 79 làm công ty bình phong.
Về lý do tuyển chọn Vũ là tình báo viên, bị cáo Tuấn khai vì Vũ là doanh nghiệp thành đạt và được cấp trên giới thiệu. Tuy nhiên, lời khai này đã bị HĐXX phản bác: "Trong hồ sơ thể hiện 2 công ty của Vũ rất khó khăn về tài chính, làm ăn bết bát, vậy theo bị cáo thì thành đạt ở chỗ nào?". Bị cáo Tuấn ngập ngừng, không trả lời câu hỏi này.
Về mục đích tuyển chọn, bị cáo Tuấn khẳng định việc này là giúp công ty bình phong lớn mạnh về kinh tế để thực hiện nhiệm vụ khác của ngành. Ngoài ra, không còn nhiệm vụ nào khác.
Các bị cáo tại phiên tòa
Công ty bình phong hoạt động sai luật
Phan Hữu Tuấn khai thêm bản thân bị cáo có tham gia góp vốn 20% để thành lập Công ty Bắc Nam 79. Sau đó, tháng 4-2015, Công ty Nova 79 được thành lập, bị cáo cũng góp 5% vốn.
HĐXX nêu vấn đề: "Quy định nào để bị cáo góp vốn vào công ty này khi đang là tình báo? Mọi tình báo viên phải tuân thủ pháp luật. Trong đó, luật đã quy định cá nhân không được thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam khi là sĩ quan trong các đơn vị vũ trang Công an Nhân dân Việt Nam".
Bị cáo Tuấn trả lời loanh quanh về phạm vi của nghiệp vụ tình báo viên được hoạt động nên chủ tọa Bùi Quang Vinh ngắt lời: "Có đặc thù, đặc biệt gì cũng không được trèo lên pháp luật". Ngay sau đó, bị cáo Phan Hữu Tuấn đã thừa nhận các tổ chức bình phong được thành lập, hoạt động không đúng với quy định pháp luật, kể cả quy định về tình báo cũng như Luật Doanh nghiệp.
Ông Tuấn cũng cho rằng Vũ "nhôm" tự đề xuất xin mua các bất động sản của nhà nước. Ngoài ra, Bộ Công an có các văn bản đề nghị các địa phương tạo điều kiện nhưng sau đó Vũ "nhôm" chuyển các tài sản này sang tài sản cá nhân. "Nếu không có các văn bản của Bộ Công an, Vũ sẽ không thể nào mua được các nhà đất công sản tại Đà Nẵng và TP HCM" - bị cáo Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo bị cáo Phan Hữu Tuấn, các văn bản của Bộ Công an đến các địa phương đều đề nghị giúp đỡ công ty bình phong để phục vụ cho hoạt động của ngành. Không có tài liệu nào thể hiện là giúp cá nhân Vũ trở nên giàu có. "Khi thực hiện các văn bản giúp sức cho Vũ "nhôm" mua, thuê mua tài sản nhà đất tại các địa phương, bị cáo không được hưởng lợi, mà chỉ nghĩ làm sao để hoàn thành nhiệm vụ được giao" - bị cáo Tuấn khẳng định.
Bán cổ phần cho chính mình
Trong thời gian xét hỏi tại tòa, Vũ "nhôm" thừa nhận đã làm sai Luật Doanh nghiệp khi các doanh nghiệp của Vũ có sự tham gia góp vốn của 2 người khác cũng là sĩ quan công an và bản thân là trung tá công an. Vũ "nhôm" cũng khai có hai tên khác là Lê Văn Sáu và Trần Đại Vũ. Bị cáo sử dụng các tên đó trong thi hành nhiệm vụ, được Công an TP Đà Nẵng cấp chứng minh nhân dân và cùng lúc sử dụng 3 tên.
Đáng chú ý, Vũ "nhôm" thừa nhận đã nhiều lần ký các hợp đồng theo dạng "3 trong 1". Điển hình, bị cáo ký hợp đồng ngày 27-8-2010 có nội dung Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng cho Lê Văn Sáu 70% cổ phần...
Bắt ông Trương Duy Nhất vì liên quan đến Vũ "nhôm"
Tiếp tục điều tra mở rộng vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" do Vũ "nhôm" và đồng phạm thực hiện, xảy ra tại TP Đà Nẵng, ngày 10-6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành khám xét chỗ ở của bị can Trương Duy Nhất, nguyên trưởng Văn phòng đại diện Báo Đại Đoàn Kết tại TP Đà Nẵng (giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2011).
Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trương Duy Nhất về hành vi "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", do có những vi phạm pháp luật liên quan đến nhà, đất công sản tại TP Đà Nẵng.
Hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án nhằm làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của bị can Trương Duy Nhất và những cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, năm 2014, ông Nhất bị TAND TP Đà Nẵng tuyên phạt 2 năm tù giam về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".
B.Vân
Bình luận (0)