Khi tội ác ngày một nhiều, thủ đoạn ngày càng man rợ thì những câu chuyện đầy ắp tình người và thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân đạo lại trở nên thật đáng trân trọng.
Cảm hóa cái ác
Bị hại trong vụ án này là anh Nguyễn Trung Hiếu, một trong những người bạn hay tụ tập ăn uống, nói chuyện với nhau mỗi lúc rảnh rỗi cùng bị cáo. Bị cáo và bị hại đều là người miền Bắc, xa quê vào TP HCM sinh sống. Họ là hàng xóm của nhau trên đường Thành Thái, phường 14, quận 10. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, anh Hiếu đã có những lời lẽ xúc phạm đến bị cáo. Lẽ ra chỉ nên nói chuyện nhẹ nhàng và thông cảm cho nhau, bị cáo lại dùng dao đâm nhiều nhát vào người hàng xóm của mình đến tử vong.
Nhận định hành vi mang tính côn đồ, quyết liệt, cố ý tước đoạt mạng sống người khác, TAND TP HCM đã tuyên phạt bị cáo mức án chung thân về tội “Giết người”. Thụ án chung thân, bị cáo bỏ lại sau lưng mình người vợ trẻ nghèo khổ và hai đứa con thơ dại.
Dù đau xót vì mất con nhưng cha mẹ bị hại vẫn tha thiết cầu xin tòa giảm án cho bị cáo. Ngồi lẩn khuất trong đám đông, vợ bị cáo cúi đầu, chắp tay thay cho lời cảm ơn và tạ tội.
Mỗi lần VKS và HĐXX nhắc đến việc bị cáo đâm con trai mình, đôi vai của bà mẹ run lên bần bật, những tiếng thở nặng như tiếng lòng, không trút vào đâu được.
Ngồi cạnh mẹ của nạn nhân trong suốt phiên tòa, chúng tôi mới thấu hiểu được nỗi đau khi mất đi đứa con duy nhất của mình. “Bao nhiêu hy vọng, tình yêu thương, chúng tôi đều dành hết cho nó. Tôi chỉ có một mình nó là con thôi, sao bị cáo nỡ đối xử như vậy…” - bà lạc giọng.
Tuy vậy, khi được hỏi có ý kiến gì về mức đề nghị của VKS đối với bị cáo, cha bị hại trả lời: “Tôi luôn mong tòa xử lý nghiêm minh, đúng đắn để răn đe và phòng ngừa tội phạm cho xã hội. Con tôi cũng đã mất rồi nên có oán hận hay thù ghét cũng không được gì cả. Vì vậy, tôi mong tòa xem xét để giảm án cho bị cáo vì vợ không công ăn việc làm, hai con nhỏ không người chăm sóc…”.
Nén nỗi đau, người mẹ đáng thương nói: “Tổn thương là điều không tránh khỏi, ai mất con mà không đau đớn nhưng với tinh thần yêu thương, nâng niu con người, chúng tôi sẵn sàng tha thứ và bỏ qua tất cả”.
Tấm lòng của hai vợ chồng già có thâm niên mấy chục năm làm nhà giáo khiến những người tham dự phiên tòa hôm ấy không khỏi bất ngờ, cảm động.
Dù phiên tòa đã muộn, mẹ bị hại vẫn xin được phát biểu thêm để nói hết nỗi lòng của mình: “Tôi mong tòa dùng pháp luật để trừng trị tội ác nhưng cũng mong tòa dùng chính sự khoan hồng của pháp luật để cảm hóa tâm hồn con người”.
Kết thúc buổi xét xử, những người tham dự lặng lẽ rời khỏi phiên tòa. Còn lại cuối cùng là những người thân hai gia đình, nín lặng nhìn nhau, mỗi người một nỗi đau riêng. Thế nhưng, chính tình yêu thương và sự dung thứ của cha mẹ bị hại đã xua đi không khí nặng nề, u ám nơi đây.
Tha thứ, cảm thông
Ranh giới giữa cái thiện và cái ác, giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Ở nhiều vụ án, chỉ vì một phút nóng giận, chủ quan…, mạng sống của con người đã trở nên rẻ rúng. Bất mãn, tranh chấp, tội ác…, tất cả đều được giải quyết và trừng trị theo công lý, pháp luật. Duy chỉ có nỗi đau và những vết thương lòng là ở lại, ngự trị mãi nơi tâm hồn con người. Lúc ấy, chỉ có tha thứ, cảm thông mới xoa dịu được sự đau khổ, ai oán. Cũng chỉ có lòng bao dung và sẻ chia giữa con người với nhau mới có thể xua tan bớt sự hận thù, cảm hóa tội ác và thanh lọc tâm hồn.
Ở một vụ án giết người khác, chỉ vì va quệt giao thông, chuyện sẽ không xảy ra nếu con người biết nhường nhau một chút. Chuyện không đáng nhưng để rồi dẫn đến cảnh con thơ mất cha, vợ trẻ mất chồng.
Ông H.T.V (SN 1957) đang đi xe máy trên đường thì va quệt xe với anh L.M.Đ (SN 1976, ngụ quận Tân Bình). Dù đã bỏ đi nhưng anh Đ. vẫn đuổi theo đánh cho bằng được ông V. Nóng giận, ông V. rút ngay con dao xếp thường để sẵn trong túi quần đâm một nhát vào bụng anh Đ., dẫn đến tử vong.
Gia đình khó khăn, anh Đ. thường phải đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Từ khi anh mất, căn nhà trọ thuê ở TP HCM cũng trở nên lay lắt. Vợ anh và 3 người con sống chật vật về tiền bạc, mất mát tinh thần. Con lớn của anh phải bỏ học để phụ bán quán hủ tiếu, lo cho cuộc sống của hai em.
Gặp chúng tôi trong giờ nghị án, chị thở dài: “Từ lúc anh mất, miếng ăn, cái mặc của các con không còn được như xưa. Nhưng chuyện cũng đã rồi, tôi chẳng biết hờn trách ai”. Khó khăn, đau khổ là thế nhưng khi được tòa hỏi ý kiến về mức án của bị cáo, chị nước mắt ngắn dài rồi nói: “Tôi cũng mong tòa xem xét, giảm án được càng nhiều càng tốt cho bị cáo. Một phần lỗi cũng là do chồng tôi gây ra. Bị cáo giờ một thân một mình, lại liệt hai chân ra tòa như thế, tôi không nỡ yêu cầu gì…”.
Cả phiên tòa yên ắng lạ thường. HĐXX và những người tham dự như chúng tôi đều cảm động trước tấm lòng độ lượng của chị. Phát biểu ý kiến trong phần tranh luận, vị thẩm phán nhấn mạnh: “Giữa cuộc sống hiện tại đầy nhọc nhằn, sóng gió, chúng ta càng nên trao cho nhau tình yêu thương, bỏ qua những lỗi lầm nhỏ nhặt để xã hội thêm tươi đẹp. Mất mát, tổn thương là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống muôn màu này. Thế nhưng, tình người vẫn luôn cần thiết phải phát huy để hâm nóng tình cảm, sự ấm áp giữa con người với nhau, thứ đang dần nguội lạnh, héo tàn”.
Bình luận (0)