Từ khi được thành lập, TAND TP Thủ Đức (TP HCM) đã "kế thừa" tất cả án tồn đọng cũng như quản lý dữ liệu 3 tòa án cũ (TAND quận Thủ Đức, quận 2, quận 9). Cả 3 đơn vị cũ đều có số lượng án lớn, có dữ liệu án khác nhau và riêng biệt.
Bước đi cần thiết
Đặc thù này đòi hỏi cơ quan xét xử TP Thủ Đức vừa bảo đảm hiệu quả giải quyết án vừa tránh thất lạc thông tin cùng dữ liệu quản lý án. Để vượt qua thách thức không nhỏ này, thời gian qua, TAND TP Thủ Đức đã nhanh chóng triển khai xây dựng phần mềm hỗ trợ tìm kiếm, truy xuất, cập nhật thông tin liên quan đến hồ sơ vụ án giữa 3 cơ sở. Từ đó, cán bộ thuộc mỗi cơ sở có thể nắm thông tin vụ án ngay cả khi vụ án đó trước đây không thụ lý, giải quyết ở cơ sở này. Đặc biệt, cán bộ tòa án chủ động hướng dẫn người dân mà không cần trao đổi với 2 cơ sở còn lại (nếu cần tìm kiếm nội dung vụ việc).
Khẳng định xây dựng tòa án điện tử (trong đó có xét xử trực tuyến) là xu thế tất yếu, TAND TP Thủ Đức đã đề xuất thí điểm xét xử trực tuyến vụ án hình sự.
Tương tự, TAND quận Bình Tân (TP HCM) ứng dụng rộng rãi "Chương trình quản lý hồ sơ vụ án trên hệ điều hành quản trị cơ sở dữ liệu Microsoft Access". Theo ông Nguyễn Đức Phước, Chánh án TAND quận Bình Tân, thông qua hệ thống quản lý bằng mã vạch, quy trình quản lý án cũng cải thiện rõ rệt.
Tại quận 1, cơ quan xét xử sử dụng triệt để ứng dụng Viber, nền tảng họp trực tuyến vào nhiều lĩnh vực, trừ những vấn đề liên quan đến tin, tài liệu mật. Ngoài ra, TAND quận 1 mạnh dạn áp dụng hình thức tống đạt qua phương tiện điện tử với hộp thư chính thức: tandq1@tphcm.gov.vn.
Phòng xét xử ở TAND TP HCM đáp ứng tình hình dịch Covid-19
Cánh tay nối dài
Bên cạnh lợi ích giúp hoạt động xét xử, giải quyết án trôi chảy hơn, công nghệ thông tin còn giúp người đứng đầu nhiều việc quan trọng. Nhờ công nghệ, lãnh đạo tòa án kiểm tra nhanh chóng quá trình thẩm phán làm việc.
Đơn cử, TAND TP Thủ Đức có phần mềm theo dõi, quản lý; lãnh đạo phân công, phân nhiệm cán bộ phụ trách; số liệu được liên thông, quản lý thống nhất tại 3 cơ sở. Phần mềm hỗ trợ trích xuất từng lỗi vi phạm của thẩm phán, thư ký (chậm trễ giao án văn đến VKSND cùng cấp; giao hồ sơ lưu trữ, hồ sơ kháng cáo hay kháng nghị trễ hạn...), từ đó, đơn vị có căn cứ nhắc nhở, xử lý.
Theo lãnh đạo TAND TP Thủ Đức, người đứng đầu đơn vị có thể quản lý và theo dõi toàn bộ số liệu thụ lý, giải quyết án mà không cần mỗi cơ sở trích xuất dữ liệu, báo cáo thường xuyên. Nhờ vậy, lãnh đạo nắm bắt toàn diện tình hình xét xử, quy trình giải quyết mọi loại án; kịp thời nhắc nhở, đôn đốc những vụ án có tỉ lệ giải quyết thấp.
Tại TAND quận Bình Tân, chánh án thực hiện thường xuyên, liên tục công tác kiểm tra, giám sát bằng phần mềm Kios. Với phần mềm kể trên, chánh án nắm kỹ danh sách án mỗi thẩm phán chịu trách nhiệm xử lý; kịp thời nhắc nhở những vụ án sắp hết thời hạn; đồng thời cân đối số lượng án để không xảy ra tình trạng "đầu năm làm từ từ dồn cuối năm chạy không kịp".
Bằng ứng dụng Viber, lãnh đạo TAND quận 1 nắm bắt tình hình, kết nối và liên lạc. Thẩm phán, thư ký có trách nhiệm cập nhật thông tin, phản hồi khi lãnh đạo yêu cầu qua ứng dụng trên.
Thời gian tới, TAND hai cấp TP HCM tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Cơ quan xét xử thành phố xác định ứng dụng công nghệ vào mọi mặt hoạt động là bài toán giải quyết biên chế; cũng như theo kịp thời đại cùng xu hướng phát triển đô thị thông minh. Là một trong những đơn vị đi đầu, TAND TP HCM nghiên cứu, đề xuất thí điểm xét xử trực tuyến trong thời gian sớm nhất.
Cần thêm hướng dẫn
Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 đề cập việc tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử, tuy nhiên TAND Tối cao chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề trên. Do đó, quá trình thực hiện phương án còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Văn phòng TAND TP HCM, tạo giải pháp đáp ứng tình hình mới, TAND TP HCM đang xây dựng - triển khai Đề án tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính tại TAND TP HCM.
Bình luận (0)