Liên quan đến vụ việc này, trước đó, Thanh tra TP HCM đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Công ty IPC.
Về quản lý điều hành các các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn và tài sản: Thanh tra TP kết luận với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp tại công ty chưa thể hiện hiệu quả, công tác quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, quản lý vốn, tài sản không hiệu quả, không tương xứng với bộ máy nhân sự của công ty. Từ đó, Thanh tra TP đề nghị cần phải có giải pháp khắc phục kịp thời để đảm bảo nguồn vốn nhà nước được bảo toàn và phát triển.
Theo quy định, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định được nộp về ngân sách nhà nước nhưng Công ty IPC chưa nộp ngân sách hơn 684 tỉ đồng.
Về công tác quản lý tài chính, tài sản, chế độ kế toán: Có những sai phạm như Công ty IPC vay ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách là không phù hợp.
Công ty IPC đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, thực hiện các hợp đồng kinh tế không chặt chẽ, thanh toán tiền vượt giá trị quyết toán để đối tác chiếm dụng vốn mà không thực hiện hợp đồng với số tiền bị chiếm dụng hơn 47 tỉ đồng. Chưa tích cực đôn đốc, thực hiện các biện pháp để thu hồi 49 khoản nợ với số tiền hơn 89 tỉ đồng.
Về sai phạm trong quản lý, sử dụng tòa nhà văn phòng IPC: Công ty IPC thuê của nhà nước một khu đất 7.547 m2 tại lô H2- Khu A Phú Mỹ Hưng để làm trụ sở. Sau khi xây dựng tòa nhà 21 tầng (1 tầng hầm), Công ty IPC chỉ sử dụng một phần, còn lại cho 81 đơn vị thuê làm văn phòng. Tổng doanh thu cho thuê từ năm 2010 đến năm 2017 là hơn 295 tỉ đồng.
Về dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh- Nguyễn Hữu Thọ (Công ty IPC làm chủ đầu tư): Nguồn vốn thực hiện là ngân sách; công ty ứng vốn đầu tư từ nguồn lợi nhuận nộp ngân sách và sẽ được ngân sách hoàn trả hàng năm. Về chủ trương ngân sách không chi trả lãi vay thực hiện dự án nhưng thực tế phát sinh tiền lãi vay hạch toán tăng chi phí của công ty dẫn đến việc tổng chi phí thực tế sẽ lớn hơn tổng mức đầu tư được duyệt là không đúng quy định. Ngoài ra, về năng lực kinh nghiệm thực hiện thì công ty chưa từng thực hiện dự án nào có quy mô vốn đầu tư và yêu cầu kỹ thuật phức tạp tương tự dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ với tổng mức đầu tư khoảng 3.834 tỉ đồng. Do vậy, đến nay công ty vẫn chưa có biện pháp xử lý di dời các công trình ngầm phức tạp để thực hiện dự án, chưa chọn được đơn vị thi công công trình chính, làm dự án chậm tiến độ.
Đối với dự án Khu dân cư Long Hậu - Long An: Công ty IPC hợp tác đầu tư với Công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án nhưng bản chất là chuyển nhượng dự án. Việc chuyển nhượng dự án này không được cơ quan có thẩm quyền cho phép là không đúng quy định. Việc hợp tác đầu tư không đảm bảo quyền lợi cho Công ty IPC: Công ty IPC không xác định lại giá trị đã đầu tư vào dự án theo giá thị trường để hợp tác đầu tư; IPC là chủ đầu tư dự án lại phải mua nền từ Công ty Hồng Lĩnh để thực hiện tái định cư; Công ty Hồng Lĩnh được thực hiện kinh doanh toàn bộ phần diện tích còn lại; đơn giá IPC bán tái định cư thấp hơn đơn giá mua của Công ty Hồng Lĩnh. Dù bán nền kinh doanh nhưng Công ty Hồng Lĩnh chưa thực hiện hết trách nhiệm trong hợp đồng như chưa hoàn thành việc đầu tư hạ tầng, chưa hoàn trả đủ chi phí đầu tư ban đầu của Công ty IPC theo thỏa thuận hợp đồng, chưa giao nền tái định cư, chưa hoàn trả tiền sử dụng đất…
Như vậy, Công ty IPC thể hiện sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng, không kiểm tra quản lý dự án, không xử lý kịp thời và đúng quy định pháp luật gây thiệt hại cho IPC.
Ông Tề Trí Dũng
Đối với dự án Khu dân cư Hiệp Phước: Dự án triển khai chậm, hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng chưa hoàn chỉnh, chưa có quyết định giao đất và chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Công tác thiết kế, dự toán công trình tòa nhà văn phòng IPC giao đoạn 2: Việc chỉ định thầu Công ty TNHH Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị thực hiện gói thầu với giá trị 1,7 tỉ đồng là thực hiện không đúng quy định.
Việc giảm tỉ lệ sở hữu vốn của Công ty IPC tại các đơn vị: Tại Công ty Sadeco: Việc chọn Công ty Nguyễn Kim là cổ đông chiến lược là không có cơ sở pháp lý và việc đánh giá không đúng với thực tế và không đúng với năng lực của đối tác gây thiệt hại cho Công ty Sadeco hơn 153 tỉ đồng. Việc đề xuất phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim để huy động vốn đầu tư cho các dự án là không đúng với thực tế. Công ty Nguyễn Kim không công khai, minh bạch trong việc mua bán cổ phần với Công ty Exim, chỉ định 3 cá nhân đứng tên sở hữu cho thấy tại thời điểm mua cổ phần của Công ty Exim, Công ty Nguyễn Kim đã có kế hoạch thâu tóm doanh nghiệp này với giá rẻ thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược.
Việc thoái vốn đầu tư theo đề án tái cơ cấu giai đoạn (2016-2017): Việc thoái vốn tại Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn Công thương lỗ 13,445 tỉ đồng…
Trong 2 năm 2016, 2017, Công ty IPC đã tổ chức các chuyến đi đến Bỉ, Hà Lan, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Nhật Bản với tổng số tiền là hơn 1,3 tỉ đồng. Sau khi đi nước ngoài về, các cá nhân có báo cáo nhưng nội dung không thể hiện rõ kết quả, kinh nghiệm đúc kết qua chuyến đi. Có 12 trường hợp đi nước ngoài nhưng không có quyết định của UBND TP như: ông Bùi Hải Hà (kiểm soát viên), ông Vũ Xuân Đức (thành viên hội đồng thành viên), ông Nguyễn Việt Dũng (phó tổng giám đốc), ông Phùng Đức Trí (phó tổng giám đốc)…
Một số người đi nước ngoài thực tế vượt so với thời gian cử đi từ 1 đến 7 ngày: ông Tề Trí Dũng (tổng giám đốc), ông Phạm Xuân Trung (phó tổng giám đốc), ông Trần Đăng Linh (Trưởng Phòng Quản lý đầu tư dự án), bà Hồ Thị Thanh Trúc (Trưởng Phòng Phát triển kinh doanh), ông Nguyễn Việt Dũng, ông Trần Đăng Linh, ông Vũ Xuân Đức, ông Phùng Đức Trí.
Riêng ông Tề Trí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty IPC trong 2 năm 2016 và 2017, ông Dũng đã đi nước ngoài 106 ngày.
Ngoài ra, số đoàn đi công tác và số lần đi nước ngoài (việc riêng) của người quản lý và trưởng, phó phòng nhiều. Số ngày đi nước ngoài (tự túc) nhiều hơn số ngày phép theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Theo Thanh tra TP việc đi nước ngoài nhiều nhưng không thể hiện được kết quả gây lãng phí ngân sách tại Công ty IPC và các đơn vị thành viên có vốn góp của nhà nước.
- Lúc 22 giờ 20 ngày 14-5, lãnh đạo VKSND TP HCM đã phê chuẩn lệnh bắt tạm giam ông Tề Trí Dũng về hai tội "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Ông Tề Trí Dũng (SN 1981, ngụ quận 1, TP HCM) tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế - Đại học Kinh tế TP HCM và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học La Trobe (Úc). Cuối tháng 10-2018, UBND TP đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Tề Trí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) do liên quan đến các sai phạm tại IPC.
- Sáng 15-5, lãnh đạo VKSND TP HCM cho biết đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam của công an cùng cấp đối với bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).
Bà Hồ Thị Thanh Phúc sẽ bị tạm giam 4 tháng để điều tra 2 tội danh "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Bình luận (0)