Mong có cuộc sống khấm khá hơn, gia đình Trương Tín (SN 1990) chuyển từ tỉnh Đồng Nai đến TP HCM (quận Bình Tân) sinh sống. Thấy gia đình khó khăn, Tín nghỉ học từ sớm để kiếm tiền đỡ đần cha mẹ. Nhưng rồi, Tín trượt dài vào con đường nghiện ngập ma túy, cuộc sống của người thân bắt đầu rơi vào bất hạnh.
Tận cùng nỗi đau
Không biết đã bao nhiêu lần Tín ra vào trung tâm cai nghiện, bao nhiêu lần Tín hứa từ bỏ thú vui chết người nhưng rồi vẫn tái nghiện. Lần sau cùng, bi kịch ập xuống.
Tối 2-5-2019, Tín gây ồn ào ở nhà, bị mẹ và dì ruột la mắng. Bực tức, Tín lấy ma túy ra sử dụng rồi không ngừng đập phá đồ đạc, sau đó cầm dao xông lên lầu sát hại bà ngoại, dì ruột và mẹ. Gây án xong, Tín bình tĩnh đi vứt hung khí và rủ bạn uống cà phê.
Ra tòa với tội danh "Giết người", Tín biện minh: "Ngày đó, mẹ la rầy khi bị cáo dùng ma túy khiến bị cáo ức chế. Bị cáo thấy nhiều robot hung dữ tấn công mình nên bị cáo phải giết những robot đó để bảo vệ bản thân". Nói lời sau cùng, Tín bày tỏ ăn năn, xin cha và các dì tha thứ nhưng không dám một lần quay đầu ra sau nhìn cha và người thân.
Đau đớn nhất chính là cha ruột của bị cáo. Ông đến tòa với nhiều tư cách: cha bị cáo; con, chồng và anh bị hại. Ông bộc bạch mãi đến khi xảy ra thảm án, ông mới ngỡ ngàng biết con trai tái nghiện. Lặng người một lúc lâu, ông nghèn nghẹn nói phó thác cho HĐXX phán quyết mức án cho con mình.
HĐXX nhận định dù phát bệnh tâm thần khi sử dụng ma túy nhưng bị cáo vẫn phải trả giá bằng hình phạt tử hình.
Cũng như suốt phiên tòa, bị cáo lầm lũi bước ra xe dẫn giải, không dám ngoái đầu nhìn người thân lấy một lần. Bấu chặt ghế, người cha nhìn theo con, cố nuốt nước mắt vào trong. Với ông, thật sự không có nỗi đau nào hơn thế.
Bị cáo Trương Tín lãnh án tử hình về tội “Giết người”
Không thể thoát bản án lương tâm
Năm 2018, sau khi chấp hành hình phạt 11 năm tù về tội "Cướp tài sản", Nguyễn Hoàng Nam (SN 1993) chung sống như vợ chồng với chị L.T.H.N tại nhà mẹ ruột ở huyện Hóc Môn (TP HCM). Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu bắt đầu rạn nứt khi chị N. có thai. Cũng từ đó, vợ chồng Nam nhiều lần mâu thuẫn, cãi vã. Không chịu nổi, một thời gian sau, chị N. dọn về sống với mẹ ruột và bà ngoại.
Ngày 11-3-2019, Nam đến tìm nhưng không gặp vợ. Tức giận, Nam ra tay sát hại bà ngoại chị N. Điên cuồng hơn, y trở về nhà giết bà nội và cha, mẹ ruột. Nam còn âm mưu giết chị N. nhưng không thành.
Ở phiên tòa sơ thẩm, Nam thừa nhận tội trạng như cáo trạng quy kết. Y giải thích do sử dụng ma túy trong thời gian dài nên gặp ảo giác, không kiểm soát được hành động. Nam trần tình: "Hôm đó, bị cáo có sử dụng ma túy đá. Bị cáo cảm thấy chán nản vì vợ bỏ về nhà bà ngoại, mẹ ngăn cản chuyện tình cảm".
Không chấp nhận lý do trên, HĐXX khẳng định khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra tiến hành kiểm tra nhưng không phát hiện ma túy trong máu bị cáo. "Nghĩa là, bị cáo không hề sử dụng ma túy tại thời điểm gây án" - chủ tọa phiên sơ thẩm nhận định.
Nhận án tử hình về tội "Giết người" ở cấp sơ thẩm, Nam kháng cáo và liên tục có những biểu hiện không bình thường ở trại tạm giam cũng như tại phiên tòa phúc thẩm. HĐXX phúc thẩm trưng cầu giám định pháp y tâm thần, kết quả cho thấy thời điểm gây án cũng như hiện tại, Nam mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi. Cụ thể, bị cáo mắc chứng hoang tưởng, ảo thanh xúi giục, trí tuệ giảm sút… Căn cứ kết luận trên, tòa phúc thẩm quyết định đưa bị cáo đi chữa bệnh bắt buộc.
Có thể bị cáo mắc chứng hoang tưởng nên chưa thể bị phán xét mức án mà lẽ ra y phải chịu. Nhưng liệu những năm tháng sau này, trong những lúc tỉnh táo, Nam có thể nào thoát được bản án lương tâm vì đã giết 4 người vô tội, trong đó có 3 người thân ruột thịt?
Khó thoát tội
Luật sư Nguyễn Minh Trang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích, theo Bộ Luật Hình sự hiện hành, người bị bệnh tâm thần chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong lúc đang mắc bệnh. Đồng thời, tình trạng bệnh ở mức làm mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi.
Nếu thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái hoàn toàn bình thường; trước khi bị kết án mới lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi thì có thể người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự sau khi khỏi bệnh.
Bình luận (0)