Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, giai đoạn 2012-2022 vừa được Bộ Chính trị tổ chức, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã kiến nghị áp dụng thay xử lý hình sự bằng phạt tiền trong án tham nhũng, kinh tế.
Vừa hiệu quả vừa nhân văn
Theo ông Lê Minh Trí, nếu làm như vậy, nhà nước sẽ thu hồi được tài sản bị tham nhũng, thất thoát và việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để không bị xử lý hình sự. Cách làm này vừa hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực vừa nhân văn và thuyết phục.
Ủng hộ đề xuất nêu trên, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, cho rằng trên thực tế, đề xuất của Viện trưởng VKSND Tối cao không phải mới. Hơn 7 năm trước, khi thảo luận về Bộ Luật Hình sự ở Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu cũng đã kiên trì đề xuất giảm phạt tù, tăng mức phạt tiền và thu hồi tài sản đối với tội phạm kinh tế, tham nhũng.
"Với tội phạm tham nhũng, ngoài hình phạt thì điều quan trọng là phải có biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát. Phải phân hóa các trường hợp phạm tội để khuyến khích người phạm tội tự nguyện khai báo, tự nguyện nộp lại tài sản" - ông Trần Văn Độ nêu rõ.
Bồi thường 25 tỉ đồng, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung được giảm 3 năm tù trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C. Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG
Ông Trần Văn Độ phân tích thêm một người có hành vi tham nhũng, cơ quan chức năng chưa phát hiện; một thời gian sau, anh ta ăn năn hối lỗi nên tự nguyện khai báo, tự nguyện nộp lại toàn bộ tài sản. Với trường hợp này có thể miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. "Còn khi bị phát hiện, đang trong giai đoạn điều tra, nếu người vi phạm nộp lại toàn bộ tài sản, khắc phục mọi thiệt hại thì sẽ được coi là tình tiết để giảm nhẹ, thậm chí có thể được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hay phạt án treo. Cho nên phải phân biệt thời điểm nộp lại tài sản thế nào và nộp lại bao nhiêu?" - ông Trần Văn Độ nói.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Văn Độ, miễn xử lý hình sự nhưng người vi phạm vẫn sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng và kỷ luật hành chính của nhà nước, từ khiển trách, cảnh cáo cho đến cách chức... Luật pháp nghiêm minh nhưng cũng phải nhân văn, có lý, có tình. Đó còn là biện pháp để khuyến khích người vi phạm nộp lại tài sản, tránh nguy cơ "hy sinh đời bố, củng cố đời con".
Đồng quan điểm, TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ, cho rằng thời gian qua, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có xu hướng tăng dần nhưng số tài sản thu hồi so với bị chiếm đoạt, thất thoát còn thấp. "Phi hình sự hóa các vụ án kinh tế là xu hướng, nhiều nước đang áp dụng. Tội phạm về kinh tế nên hình phạt hướng đến trừng phạt mạnh về kinh tế là phù hợp, ngân sách nhà nước thu hồi được tiền thất thoát. Riêng những vi phạm nghiêm trọng vẫn phải xử lý hình sự" - ông Đinh Văn Minh nhận định.
Tương tự, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ) cũng cho rằng nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng giảm xử lý hình sự, tăng hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ. Tuy nhiên, cần có biện pháp phạt tiền với số tiền lớn để khi người phạm tội muốn thực hiện hành vi tham nhũng sẽ nghĩ tới hậu quả và từ bỏ hành vi đó. Mặt khác, để bảo đảm tính khả thi khi áp dụng, cần quy định rõ trong thời hạn bao lâu nếu không nộp được số tiền phạt tối thiểu thì người phạm tội sẽ bị xử lý hình sự.
Không phải trả tiền là trắng án
Ông Đinh Văn Minh cũng cho rằng cần phân biệt kết tội và thi hành án. Vi phạm pháp luật thì sẽ bị kết tội bằng một bản án, nếu khắc phục hậu quả tốt thì được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Tội danh vẫn nằm trong lý lịch tư pháp chứ không phải là trả tiền rồi thì trắng án. "Phạt tiền cũng là hình phạt, chứ không phải sự ưu ái. Có thể có người phải đi vay nợ để khắc phục hậu quả rồi sau đó lao động vất vả để trả nợ. Đó là cái giá phải trả cho tội lỗi của mình" - ông Đinh Văn Minh phân tích.
Đồng tình về khía cạnh giảm án cho những trường hợp khắc phục hậu quả, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM, nói trong tất cả vụ án ở bất kỳ tội danh nào nếu bị cáo, gia đình bị cáo khắc phục hậu quả thì đều được xem xét giảm án. Đối với những vụ án tham nhũng lớn cần thu hồi tài sản thì nên khuyến khích bị cáo trả lại tài sản để được khoan hồng, còn hơn là họ lãnh án mà không khắc phục hậu quả, để tài sản tham ô cho người thân đứng tên. Thực tế, hiện nay việc thi hành án thu hồi tài sản trong các vụ án tham ô, tham nhũng rất khó vì khi bị phát hiện thì tài sản còn rất ít hoặc không còn tài sản.
"Nhiều ý kiến cho rằng làm như vậy sẽ khuyến khích "cứ tham ô rồi đền bù thì sẽ được tha". Quan điểm này hoàn toàn không đúng vì khi bị khởi tố thì chức tước cũng "trôi theo con nước" và cũng bị án tù. Tôi đồng tình giảm án nếu khắc phục hậu quả và khi đó được hiểu là vẫn có tội, vẫn trong quy định của pháp luật chứ không phải bỏ tiền ra mua tội. Mục đích thu hồi tài sản cũng quan trọng như là tiêu diệt tham nhũng, 2 nhiệm vụ này phải song song. Trường hợp số tiền quá lớn thì có thể tính theo tỉ lệ khắc phục để tuyên án. Ngoài ra, khắc phục hậu quả, thực hiện về mặt dân sự là một trong những điều kiện để xóa án tích sau khi chấp hành xong bản án" - bà Nguyễn Thị Thu Thủy nêu quan điểm.
Đủ dấu hiệu, phải xử lý
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng trong các vụ án tham nhũng, việc thu hồi tài sản là trọng tâm, cốt lõi. Với những bị can, người tham nhũng ăn năn hối cải, tự nguyện giao nộp lại tài sản tham nhũng, gây thất thoát thì việc xem xét giảm nhẹ hình phạt là cần thiết. Tuy nhiên, đã tham nhũng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong khi đó, tiến sĩ luật học Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng cần phải tiếp tục phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng dù là tham nhũng vặt hay tham nhũng lớn. Người thực hiện hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bị áp dụng chế tài hình sự, trong đó có nhiều tội danh quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình.
"Về mặt lý luận, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ Luật Hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ. Hành vi cấu thành tội phạm kể từ thời điểm thực hiện các hành vi theo điều luật mô tả. Pháp luật quy định không xét xử oan sai, cũng không bỏ lọt tội phạm. Bởi vậy, việc xử lý tội phạm hay không xử lý tội phạm cũng phải căn cứ vào quy định pháp luật. Khi hành vi tham nhũng đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải xử lý. Người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự thì phải xử lý hình sự. Nếu không đề cao nhiệm vụ phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh mà chỉ chú trọng việc thu hồi tài sản thì có thể còn làm tăng nguy cơ tham nhũng. Để phòng chống tham nhũng hiệu quả phải hướng đến những mục tiêu làm sao cho người có chức vụ, quyền hạn không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng và không dám tham nhũng" - luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng
Theo TS Đinh Văn Minh, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đã nêu rõ việc chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng.
"Nghị quyết cũng đặt vấn đề nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng" - TS Đinh Văn Minh phân tích.
Cũng theo ông Đinh Văn Minh, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng đã thể hiện rõ quan điểm trên. Cụ thể, điều 40 quy định người bị kết án tử hình về tội "Tham ô tài sản", "Nhận hối lộ", sau đó chủ động nộp lại ít nhất 3/4 số tiền phạm tội và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì có thể được giảm xuống mức án chung thân.
Bình luận (0)