Cuối cùng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã bác toàn bộ kháng cáo của các bị cáo cũng như lời bào chữa của luật sư, chấp nhận kháng nghị của VKSND TPHCM, tăng mức hình phạt tù từ 3 năm lên 6 năm đối với bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ và 2 năm lên 5 năm tù đối với bị cáo Lê Quả.
Một phán quyết có thể không mấy bất ngờ đối với người phạm tội nhưng lại tạo sự hụt hẫng đến bàng hoàng cho người thân của họ. Sau phút giây lặng đi là những tiếng khóc vỡ òa từ hàng ghế người dự khán, những bước chân gấp gáp, những vòng tay ôm vội...
Tôi cùng nhiều đồng nghiệp đã phải hối hả băng qua hành lang dài và rất nhiều bậc tam cấp để có thể ghi lại khoảnh khắc các bị cáo bịn rịn chia tay người thân về trại tạm giam.
Sau những cái bắt tay và vài lời nhắn gửi, ông Sĩ dứt khoát bước lên xe với vẻ mặt bình tĩnh, cam chịu. Ngược lại, ông Quả bước từng bước chậm rãi- một phần có lẽ vì tuổi cao, sức yếu, phần khác dường như ông muốn nán lại bên người thân được phút nào hay phút nấy.
Rồi cũng đến lúc không thể nấn ná thêm... Cánh cửa xe tù đóng lại, ông Quả vẫn cố nhoài người ra. Ánh mắt tuyệt vọng...
Ông Lê Quả từ biệt người thân trước khi lên xe về trại tạm giam
Vậy mà chỉ mới hôm trước đó thôi, đôi mắt ông đã thật rạng rỡ, hạnh phúc khi vừa nhác thấy bóng người thân. Để rồi từ đó, ông luôn cố gắng tranh thủ mọi cơ hội để “gặp” người nhà, cho dù ngồi ở phòng chờ bên ngoài hành lang phòng xử trước khi HĐXX vào làm việc (mỗi lần gió thổi làm bật cánh cửa, ông lại đứng dậy, ló đầu qua cánh cửa hé mở, ngó nghiêng) hay trong khi xét xử.
“Bị cáo làm đơn kháng cáo xin được hưởng án treo vì sức khỏe yếu, nhiều bệnh, sợ phải chết trong tù. Nếu được ở ngoài, xảy ra chuyện gì, gia đình còn có thể lo hậu sự...” Trước tòa, luật sư bào chữa đã nói hộ ông Quả về một trong những lý do mà ông làm đơn kháng cáo.
Tiếp lời luật sư, ông Quả trình bày thêm về việc ông chỉ nhận hơn 53 triệu đồng nhưng đã nộp lại CQĐT hơn 403 triệu đồng (bao gồm cả 350 triệu đồng dùng để chi vào việc đối ngoại, quà cáp...) chỉ vì “lúc mới bị bắt, tôi chẳng nhớ cụ thể số tiền nên có đồng nào nộp hết cho xong để không bị ngồi tù...
Tôi đã sai phạm nhưng quả thật 1 năm 1 tháng 6 ngày trong trại giam đối với tôi mà nói, đau xót lắm”.
Xuyên suốt qua các phiên xử sơ thẩm đến phúc thẩm có thể thấy bị giam là nỗi ám ảnh rất lớn đối với ông Quả. Một người với học hàm giáo sư, học vị tiến sĩ, từng làm giảng viên điện kỹ thuật ở Trường ĐH GTVT Hà Nội, giám đốc Trung tâm Khoa học Kinh tế GTVT (nay là Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Phát triển GTVT phía Nam) thuộc Viện Chiến lược và Phát triển GTVT - Bộ GTVT, có nhiều cống hiến trong rất nhiều công trình lớn của cả nước, vậy mà đến tuổi nghỉ hưu lại vướng vào vòng lao lý, bao vinh quang bỗng chốc mất cả.
Còn nhớ, trong phiên tòa sơ thẩm tháng 9-2009, ông đã nghẹn ngào tâm sự: “Dự án đại lộ Đông Tây là một dự án mang tầm quốc tế nên năm 1999, UBND TPHCM đã gọi tôi về cùng một số người nhận lãnh trọng trách này.
Đây là cơ hội để tôi cống hiến vào những năm tháng cuối đời, vì thế tôi đã dồn vào đó toàn bộ công sức, tâm huyết, tình cảm. Cũng vì muốn đẩy nhanh tiến độ, tôi đã cố gắng bằng mọi cách nâng cao đời sống cho anh em, để họ toàn tâm toàn ý hoàn thành nhiệm vụ. Không ngờ vì thế mà vi phạm pháp luật dẫn đến phải trả giá như hôm nay.
Tôi thành thật xin lỗi lãnh đạo thành phố, bạn bè và gia đình tôi. Để họ nhìn thấy tôi như thế này, tôi thật sự xấu hổ... Bây giờ điều tôi mong mỏi nhất là được một lần nữa cùng toàn thể anh em trong ban quản lý (BQL) dự án hát lại bài hát mà chúng tôi đã hát trong ngày khởi công để mừng ngày khánh thành công trình lớn này...”.
Cạnh bên tôi, nhiều CBCNV của BQL dự án đến tham dự phiên tòa đã rơi nước mắt khi nghe ông Quả nói những lời từ tận sâu trong đáy lòng mình.
Ở lời nói sau cùng trong phiên tòa phúc thẩm, ông lặng đi ít phút rồi mới ngập ngừng lên tiếng: “Trước đây, đứng trước lãnh đạo cấp cao để báo cáo về các công trình lớn, tôi chưa bao giờ phải xin bất cứ điều gì cho mình. Nhưng hôm nay, tôi cúi đầu xin sự khoan hồng của HĐXX cho tôi được hưởng án treo để chữa bệnh và có thời gian, điều kiện viết về kỹ thuật lai dắt hầm cầu Thủ Thiêm để lại cho thế hệ sau...”.
Phải nói ra những lời này, chắc chắn trong ông là sự tủi hổ, chua xót vô cùng. Có lẽ hiểu được nỗi khao khát của ông- được nhìn thấy cảnh đốt hầm Thủ Thiêm - công trình ngầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam thuộc dự án đại lộ Đông Tây và là hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á- về đích an toàn mà báo chí liên tục thông tin mấy ngày trước, gia đình ông đã phóng to bức ảnh lai dắt thành công đốt hầm Thủ Thiêm, tranh thủ đưa ông xem.
Nhìn vội vàng bức ảnh ghi lại thời khắc lịch sử của giao thông TPHCM, ánh mắt ông bừng sáng mãn nguyện. Dù hôm nay hiện diện ở tòa với tư cách bị cáo nhưng ông vẫn là một nhà khoa học.
Ai cũng có lúc phạm sai lầm cho dù đã ở tuổi bước qua bên kia con dốc cuộc đời. Và sai lầm nào rồi cũng phải trả giá. Nhưng với một người có tri thức, bề dày cống hiến, nhiều thành tích đáng tự hào như ông Quả, đây là một sự trả giá quá đau đớn, nghiệt ngã.
Nếu chỉ theo dõi vụ án qua nội dung cáo trạng và sự bất bình của dư luận- nhất là vụ án “đưa và nhận hối lộ” xảy ra từ năm 2003 đến 2006 tại BQL dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước TPHCM mà ông Huỳnh Ngọc Sĩ vừa bị khởi tố về tội nhận hối lộ vào tháng 1-2010 thì ông Lê Quả (dù không liên quan đến vụ án trên) cũng ít nhiều bị dư luận săm soi vì từng là một thành viên trong BQL dự án (ông Quả đã nghỉ hưu từ năm 2005).
Nhưng nếu xét riêng trong vụ án này và chứng kiến những gì xảy ra tại tòa, mức phạt tù tăng hơn gấp đôi đối với ông Quả lần này chẳng khác nào thêm một đòn giáng nặng nề, mà như luật sư của ông nói: “Tuổi già, không biết ông còn thời gian để chịu thử thách hay không?”...
Bình luận (0)