Vừa qua, TAND TP HCM xét xử Nguyễn Thiên Phúc và Nguyễn Thị Thương (cùng ngụ TP HCM) về tội "Mua bán trái phép chất ma túy". Hai bị cáo là vợ chồng và đều chưa tới 30 tuổi.
Ân hận muộn màng
Theo hồ sơ, tối 6-4-2022, Công an quận 1, TP HCM tuần tra trên đường Nguyễn Trãi, thấy Phúc và Thương có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã dừng xe máy của cả hai để kiểm tra. Qua đó, thu giữ hơn 50 g Ketamine và hơn 500 viên thuốc lắc. Các thủ tục khởi tố, bắt giam, truy tố sau đó được khẩn trương tiến hành.
Tại tòa, các bị cáo khai bắt đầu mua bán ma túy từ đầu tháng 3-2022, giao dịch thành công 5 lần. Trong đó, lần đầu mua đi bán lại 10 viên thuốc lắc, hưởng chênh lệch khoảng 50.000 đồng/viên. Cặp vợ chồng trần tình vì thất nghiệp nên nghe lời rủ rê buôn bán ma túy kiếm lời.
Đại diện VKSND TP HCM nhận định căn cứ lời khai, các chứng cứ là tin nhắn giữa Phúc với những đối tượng đã cung cấp ma túy cho Phúc bán, người mua ma túy của Phúc… đều thể hiện Phúc nhiều lần mua bán ma túy. Những lần này, bị cáo khai không xác định được số lượng, chủng loại ma túy nên không xác định được trọng lượng ma túy.
Vợ chồng bị cáo Nguyễn Thiên Phúc và Nguyễn Thị Thương tại phiên xét xử
Tuy nhiên, dù là "ma túy giả" thì căn cứ Thông tư liên tịch số 17 ngày 24-12-2007 về hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII "Các tội phạm về ma túy" của Bộ Luật Hình sự năm 1999, khi người thực hiện hành vi ý thức rằng chất đó là ma túy thì tùy từng trường hợp mà truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh quy định và điều khoản tương ứng đối với các tội phạm về ma túy.
"Ở đây, các bị cáo đã bàn nhau đi mua bán ma túy và việc thực hiện hành vi mua bán thể hiện qua những tin nhắn. Lời khai của các bị cáo thể hiện số tiền mua bán, thu lợi bất chính. Đủ cơ sở xác định các bị cáo đã 5 lần thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu lợi 3,4 triệu đồng. Đủ cơ sở áp dụng tình tiết tăng nặng là các bị cáo phạm tội 2 lần trở lên" - đại diện VKSND TP HCM nêu.
Từ quan điểm luận tội này, đại diện VKSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phúc và Thương lần lượt tù chung thân và 20 năm tù giam.
Đối mặt với mức án nghiêm khắc mà VKS đề nghị, cả hai đều khóc. Phúc nói bản thân đã biết lỗi và mong nhận được sự khoan hồng từ pháp luật để sớm được về với gia đình. Bị cáo Thương thì liên tục xin tha lỗi vì đã không tỉnh táo can ngăn chồng mà hùa theo hành vi phạm pháp. Thương kể vợ chồng đều không nghiện ma túy, thậm chí không biết về đặc điểm các loại ma túy nhưng vì lười lao động mà nên nông nỗi hôm nay. Thương liên tục hứa không bao giờ tái phạm nữa.
Tuy nhiên, sự ân hận này giờ đã muộn màng. Xem xét vụ án, HĐXX đồng quan điểm luận tội và mức án đối với Thương và Phúc.
3 án tử cho gần nửa tấn ma túy
TAND TP HCM cũng vừa xét xử vụ án "Vận chuyển trái phép chất ma túy". Ra tòa với tội danh trên là 3 người quốc tịch Trung Quốc, trong đó, Huang Yen Sheng 25 tuổi, Kuo Yi Hao 33 tuổi. Trong phiên xét xử, không người thân của bị cáo nào xuất hiện.
Cáo trạng thể hiện khoảng năm 2019, Huang Yen Sheng quen biết với Tuấn Hựu (người Đài Loan - Trung Quốc). Tuấn Hựu gọi điện đặt vấn đề thuê Sheng vận chuyển trái phép chất ma túy tại Việt Nam với thù lao được hứa rất cao, Sheng liền đồng ý.
Khác với Sheng, Kuo Yi Hao vì hoàn cảnh khó khăn nên theo Tuấn Hựu nhập cảnh Campuchia và làm việc ở sòng bài. Tuy nhiên, công việc làm ăn không thuận lợi. Đến tháng 2-2021, nghe lời rủ rê "việc nhẹ lãi hậu hĩnh", Hao theo Sheng đến Việt Nam để buôn ma túy.
Dưới sự chỉ đạo của Tuấn Hựu, các bị cáo đã "xây dựng" nên đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy đặc biệt lớn. Nguồn ma túy được vận chuyển từ Campuchia về TP HCM đưa ra Hà Nội, vận chuyển lên Cao Bằng và đưa sang Trung Quốc tiêu thụ.
Thủ đoạn hoạt động của đường dây hết sức tinh vi. Ma túy được cất giấu trong các mô-tơ điện không có nhãn hiệu, mỗi mô tơ đựng khoảng 30 kg "hàng trắng". Khối lượng mô-tơ điện lên tới hàng tấn được vận chuyển từ Campuchia về Tây Ninh rồi đưa về TP HCM, sau đó chuyển đến kho hàng đông lạnh tại khu bến phà Mễ Sở (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP Hà Nội). Tại đây, các đối tượng tháo mô-tơ, lấy ma túy, thu mua dạ dày heo rồi đóng ma túy vào bên trong.
Số lượng lòng heo chứa ma túy được giấu lẫn trong thịt đông lạnh có nguồn gốc, hóa đơn và kẹp chì để đối phó với lực lượng quản lý thị trường và công an khi bị kiểm tra, sau đó vận chuyển lên Cao Bằng để sang Trung Quốc.
Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng xác định từ tháng 1 đến tháng 5-2021, Sheng và đồng phạm vận chuyển tổng cộng gần 500 kg ma túy. Đối tượng Tuấn Hựu chỉ xuất hiện qua lời khai của bị cáo Sheng và Hao nhưng không biết địa chỉ cụ thể ở đâu nên không có căn cứ để điều tra, làm rõ.
Đứng trước bục khai báo, Kuo Yi Hao lấy lý do số ma túy các bị cáo vận chuyển chưa được ai sử dụng nên hậu quả vụ án rất hạn chế. Từ đó, Hao xin tòa xem xét cho cơ hội sống để sửa chữa sai lầm.
Không bào chữa gì cho bản thân trước tòa, Sheng nói chấp nhận mức án tử hình mà cơ quan giữ quyền công tố đề nghị. Tuy nhiên, Sheng xin tòa khoan hồng cho 2 đồng phạm có cơ hội trở về quê hương, đoàn tụ với gia đình "vì họ làm xuất phát từ suy nghĩ bồng bột, ham giàu nhưng lười lao động" (!?).
Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX đánh giá hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, ma túy là nguyên nhân, điều kiện nảy sinh các tệ nạn xã hội. Những kẻ "gieo rắc cái chết trắng" là tội phạm nguy hiểm, tinh vi và manh động, cần phải loại các bị cáo vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội. Hơn nữa, số lượng ma túy mà các bị các đã vận chuyển là đặc biệt lớn. Từ đó, HĐXX tuyên áp dụng hình phạt tử hình đối với Huang Yen Sheng cùng 2 đồng phạm.
Bình luận (0)