Ngày 4-7, sau 2 ngày làm việc, TAND TP HCM quyết định trả hồ sơ vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng Thương mại CP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (Ngân hàng MHB).
Sau khi đại diện VKS xét hỏi, HĐXX sơ thẩm nhận định vụ án còn nhiều vấn đề cần làm rõ. Do đó, HĐXX trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung. Về nội dung cụ thể, HĐXX sẽ công khai bằng văn bản trong thời gian gần nhất.
Trong phần xét hỏi hôm nay, nhiều bị cáo tiếp tục đưa ra lời khai bất nhất. Trong khi bị cáo Huỳnh Nam Dũng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng MHB kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty MHB, phủ nhận trách nhiệm trong chủ trương chuyển tiền từ ngân hàng sang Công ty MHBS thì một số bị cáo khẳng định làm theo chỉ đạo của bị cáo Dũng.
Các bị cáo tại tòa
Bị cáo Huỳnh Nam Dũng cho rằng việc mua bán trái phiếu là trách nhiệm của bà Lữ Thị Thanh Bình (nguyên Tổng Giám đốc Công ty MHBS) và ông Nguyễn Phước Hòa (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng MHB). Bị cáo khai nhận HĐQT ngân hàng không ban hành văn bản chỉ đạo. Cá nhân bị cáo không có chủ trương tự kinh doanh trái phiếu.
Thêm nữa, điều lệ hoạt động thể hiện rõ giám đốc công ty là người có thẩm quyền và trách nhiệm cao nhất đối với tất cả hoạt động. Với vai trò chủ tịch HĐQT, bị cáo Dũng chỉ tham gia…họp.
Phản bác, bị cáo Lữ Thị Thanh Bình trình bày năm 2010, Công ty MHBS làm ăn thua lỗ. Vì thế, ông Dũng chỉ đạo bằng mọi giá, công ty phải tạo ra lợi nhuận (thực chất là lãi ảo) để cơ quan quản lý đánh giá đủ năng lực. Bị cáo khẳng định mình và nhiều người khác thực hiện theo chỉ đạo từ ông Dũng.
Bị cáo Bình dẫn chứng: "Khi xảy ra đại án Huyền Như, ông Dũng lo lắng nên chỉ đạo Công ty MHBS mua lại trái phiếu công ty này đã bán cho Ngân hàng Thương mại CP Á Châu (Ngân hàng ACB)".
Bị cáo Nguyễn Phước Hòa đồng tình với quan điểm của bị cáo Lữ Thị Thanh Bình.
Năm 2006, Ngân hàng MHB thành lập Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (Công ty MHBS), hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán.
Từ năm 2011– 2014, lấy danh nghĩa chị gái, Huỳnh Nam Dũng góp 13,8 tỉ đồng vào Công ty MHBS.Tương tự, Nguyễn Phước Hòa lấy tên con trai để góp 2,7 tỉ đồng. Hai lãnh đạo ngân hàng này thông qua chủ trương cho phép Sở giao dịch Ngân hàng MHB chuyển gần 5.000 tỉ đồng sang Công ty MHBS với nội dung hợp tác đầu tư trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, đây thực chất là chuyển tiền cho Công ty MHBS đem gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại nhiều chi nhánh Ngân hàng MHB và mua bán trái phiếu chính phủ của chính ngân hàng này.
Hành vi trên của các bị cáo khiến ngân hàng thiệt hại hơn 349 tỉ đồng.
Có tiền, cán bộ, lãnh đạo Công ty MHBS thống nhất mở tài khoản cá nhân làm tài khoản tự doanh để mua bán chứng khoán; gây thiệt hại hơn 108,3 tỉ đồng.
Từ sai phạm trên, các bị cáo Phan Ngọc Nhân hưởng lợi 930 triệu đồng, Lê Nguyên Ngọc 568 triệu đồng, Huỳnh Nam Dũng 460 triệu đồng, Trương Thanh Liêm 280 triệu đồng, Lê Việt Hùng 151 triệu đồng, Đoàn Hồng Ngọc 131 triệu đồng.
Tổng thiệt hại ngân hàng phải gánh chịu là gần 458 tỉ đồng.
Bình luận (0)