Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Công Quyền (TP HCM), trả lời: Theo quy định tại điều 173 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của bộ luật này (tội bắt cóc, lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm, sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử nhằm chiếm đoạt tài sản; công nhiên chiếm đoạt tài sản...) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Dấu hiệu của tội trộm cắp là có hành vi lén lút lấy tài sản của chủ sở hữu, chỉ cần có hành vi dịch chuyển tài sản khỏi vị trí là đã hoàn thành tội trộm cắp. Mặt khác, theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự, tội trộm cắp tài sản không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu người bị hại nên dù người trộm cắp có trả lại tài sản đã trộm cắp, được người bị hại rút yêu cầu khởi tố thì người phạm tội vẫn phải chịu TNHS. Thế nhưng, việc trả lại tài sản đã trộm cắp được coi là một tình tiết giảm nhẹ TNHS do tự nguyện sửa chữa, khắc phục hậu quả quy định tại điều 51 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Như vậy, việc trả lại tài sản cho người bị trộm không phải là căn cứ để đình chỉ vụ án, người phạm tội vẫn phải chịu TNHS và có thể bị phạt tù tùy vào mức độ, tính chất của vụ án.
Bình luận (0)