Theo hồ sơ, tháng 6-2016, bị cáo HTB (sinh năm 1970, trú huyện Đông Hòa, Phú Yên) sử dụng nhà ở của mình để chứa mại dâm. Tối 6-7-2016, có hai người đàn ông rủ nhau đến nhà B.để mua dâm. B.đồng ý bán dâm với giá 300.000 đồng/lần/người đồng thời gọi điện thoại cho chị C. cùng đến bán dâm.
Trong lúc B. và C. đang bán dâm thì bị công an bắt quả tang. Quá trình điều tra, B. khai đã nhiều lần tổ chức bán dâm tại nhà, chị C. cũng khai nhiều lần đến nhà B. để bán dâm.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Đông Hòa nhận định hành vi của B. phạm tội chứa mại dâm tại điểm c khoản 2 Điều 254 BLHS (phạm tội nhiều lần), có hình phạt từ năm đến 15 năm tù. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, có thể là môi trường lây lan căn bệnh HIV và các căn bệnh xã hội khác.
Tuy nhiên, HĐXX nhận thấy B. thật thà khai báo và ăn năn hối cải, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng chết, một con nhỏ, bị cáo là lao động duy nhất, đang bị bệnh nặng (nang gan, nang thận). Từ đó, TAND huyện áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ để tuyên phạt B. 3 năm tù. Sau đó, bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo.
Tháng 3-2017, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm nhận định về tội danh án sơ thẩm đã tuyên bị cáo phạm tội chứa mại dâm là đúng. về hình phạt, tòa sơ thẩm phạt bị cáo 3 năm tù và buộc chấp hành hình phạt cách ly khỏi xã hội là quá nghiêm khắc.
Theo HĐXX, tình tiết phạm tội nhiều lần là do bị cáo B. tự thú, bản thân bị cáo đã lớn tuổi (46 tuổi) nhưng vẫn bán dâm. Vì thế cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm e khoản 1 Điều 46 BLHS (phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra). Bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, có nhân thân tốt nên tòa đã chấp nhận kháng cáo, tuyên phạt bị cáo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Mới đây chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm nêu trên, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Đông Hòa.
Theo kháng nghị, tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án bị cáo B. về tội chứa mại dâm là có căn cứ và đúng pháp luật. Hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, phạm tội với tình tiết định khung là phạm tội nhiều lần. Hành vi của bị cáo đã trực tiếp xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thuần phong mỹ tục và là nguyên nhân hàng đầu gây lây nhiễm các căn bệnh xã hội.
Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để xử phạt bị cáo B. 3 năm tù là phù hợp. Khi bị cáo kháng cáo, tòa án cấp phúc thẩm không đánh giá đúng tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, tiếp tục áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ tại điểm e khoản 1 Điều 46 BLHS như trên để cho bị cáo hưởng án treo là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS.
Việc này cũng không đúng với hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, bởi lẽ phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không phải do mình gây ra là do thiên tai, địch họa hoặc do người khác gây ra.
Vì vậy, cần hủy bản án phúc thẩm và giữ nguyên bản án sơ thẩm mới đủ tác dụng để giáo dục, cải tạo đối với bị cáo, cũng như ngăn chặn và phòng ngừa chung. Từ đó chánh án đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử giám đốc thẩm bản án này.
Bình luận (0)