Từ ngày 20-4-2021, Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi có hiệu lực. Trong đó, mức phạt khi có hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn chó, mèo cũng chính thức được áp dụng.
Bày bán thịt chó tràn lan
Cụ thể, điều 29 nghị định này nêu rõ phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng nếu đánh đập, hành hạ tàn nhẫn với vật nuôi. Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ; b) Đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ; c) Không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ. Đây là mức xử phạt dành cho cá nhân. Đối với các tổ chức thì mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi.
Căn cứ vào nghị định này và những quy định đang có hiệu lực, hành vi giết chó, mèo (vật nuôi) để làm thực phẩm không là hành vi bị cấm.
Tại khu vực Ông Tạ, đường Phạm Văn Hai (phường 5, quận Tân Bình), khi chúng tôi vừa tấp vào sạp bán thịt chó, chủ sạp đã rôm rả chào mời: "Chó mới lớn, ăn ngon lắm. Ở đây bán chắc giá 110.000 đồng/kg".
Tại một điểm bán thịt chó ở chợ Thạch Đà, đường Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp, TP HCM), bà chủ luôn bận rộn chặt thịt chó bán cho khách hàng với giá 130.000 đồng/kg. Bà cho biết nếu đem chó đến bán, loại nào bà cũng mua. Chó đã làm sạch lông thì 50.000 đồng/kg, chưa làm lông thì 40.000 đồng/kg. Vừa nói, bà chủ vừa dùng máy khò để làm sạch lông một số con chó chuẩn bị đưa ra bán.
Cam kết thịt chó ngon, không phải chó già, chó ghẻ lở, bà chủ sạp thịt chó trên đường Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình cũng ra giá 130.000 đồng/kg. Theo bà chủ, bà đã bán thịt chó mấy chục năm qua.
Thịt chó được bày bán tràn lan
Nên cấm giết mổ chó, mèo
Nghị định 14/2021/NĐ-CP chính thức có hiệu lực là tin vui đối với cộng đồng những người yêu động vật. Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) tại Việt Nam, cho rằng đây là xu hướng phát triển tiến bộ đáng mừng về mặt văn hóa, rất cần thiết để xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc nhưng phù hợp với những chuẩn mực và giá trị nhân bản được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
"Việc chưa ban hành cấm ăn thịt chó, mèo bởi các định kiến và thói quen văn hóa vẫn tồn tại. Để hòa nhập với thế giới, cũng nên luật hóa việc cấm ăn thịt chó, mèo; qua đó có cơ sở xử lý người bán thịt chó, mèo; cơ sở giết mổ chó, mèo cũng sẽ không còn, nạn trộm chó, mèo sẽ bị triệt tiêu. Không ít quốc gia trên thế giới đã thành công trong việc nghiêm cấm giết mổ chó, mèo. Chúng ta hoàn toàn làm được nếu có sự chung tay của cả cộng đồng" - tiến sĩ Tuấn Bendixsen nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) cho rằng ngày nay đã có nhiều quy định đối xử nhân đạo hơn với vật nuôi. Nhiều người đã từ bỏ thói quen, sở thích ăn thịt chó, mèo và coi chúng là thú cưng, điều này cho thấy vấn đề quyền và việc đối xử nhân đạo với động vật ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ ở nước ta. Khi mỗi người nhận thức được việc giết mổ chó, mèo là hành vi thiếu nhân văn và ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, chắc chắn sẽ thay đổi những thói quen trong sinh hoạt, trong đó có việc không giết mổ chó, mèo; không tiếp tay cho nạn trộm chó, mèo.
"Quy định đánh đập vật nuôi thì bị phạt tiền; giết mổ, bày bán thì không bị sao cả quả là hơi bị "lệch pha". Vì vậy, các cơ quan liên quan cần kiến nghị để quy định pháp luật và thực tiễn cuộc sống đồng bộ hơn" - bà Nguyễn Thị Thu Thủy nhìn nhận.
Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ) cho rằng chó, mèo là vật nuôi thân quen với con người nên việc ăn thịt chó, mèo trở thành đề tài gây tranh cãi trong dư luận.
"Nghị định 14/2021/NĐ-CP về xử phạt những người bạc đãi vật nuôi, trong đó có chó, mèo là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải quy định rõ thế nào là hành vi vi phạm nguyên tắc đối xử nhân đạo với vật nuôi? Đánh đập là vi phạm, giết thịt có bị xem là vi phạm không? Giết mổ chó, mèo được khuyến cáo là hành vi thiếu văn minh, thậm chí là vô nhân đạo, vi phạm các khuyến nghị về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Tuy nhiên đến nay, không có quy định nào cấm ăn, cấm bán thịt chó, mèo; chỉ khi lực lượng chức năng phát hiện lò mổ lậu mới bị phạt hành chính" - luật sư Lưu Tấn Anh Toàn nhấn mạnh.
Phát hiện lò mổ chó chui
Công an quận 12 (TP HCM) vừa phát hiện lò mổ chó chui ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12. Từ tin báo của người dân, lực lượng công an bám theo 2 người nghi trộm chó. Khi đến một căn nhà ở khu phố 4, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, công an phát hiện 51 con chó (tổng cân nặng 490 kg) đang được sơ chế. Công an đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông L.V.P (43 tuổi) số tiền 2,5 triệu đồng do có hành vi sử dụng kho, thiết bị bảo quản sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y (quy định tại khoản 2, điều 25 Nghị định 90/2017/NĐ-CP).
Bình luận (0)