Trịnh Xuân Thanh
Trịnh Xuân Thanh sinh ngày 13-2-1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại: Nhà 24 - C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội; hiện là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19-9-2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.
Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng qui định pháp luật.
Trước đó, ngày 15-9-2016, Cơ quan CSĐT đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng công ty PVC và các đơn vị thành viên. Nhiều bị can đã bị khởi tố, trong đó có: ông Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVC; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó tổng Giám đốc PVC; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó Tổng Giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty PVC.
Trịnh Xuân Thanh khi làm Chủ tịch HĐQT PVC
Đáng chú ý, trước khi bị Bộ Công an ra Quyết định khởi tố, thực hiện Lệnh bắt tạm giam thì Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã bỏ trốn. Sau đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.
Sự việc về Trịnh Xuân Thanh bắt đầu được dư luận quan tâm vào đầu năm 2016, khi ông Trịnh Xuân Thanh, lúc đó là Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, sử dụng xe Lexus tư gắn biển số xanh khiến dư luận bức xúc. Sau đó, Văn phòng Trung ương Đảng ngày 9-6-2016 có công văn truyền đạt ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc yêu cầu nhanh chóng kiểm tra, kết luận vụ "xe tư nhân gắn biển số xanh", coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo kết quả với Ban Bí thư. Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chỉ đạo, các cơ quan trung ương đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ những vấn đề liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh. Điều khiến dư luận quan tâm trong vụ việc trên là việc ông Thanh sau khi lãnh đạo Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ khoảng 3 ngàn tỉ đồng, đã liên tiếp được được luân chuyển, giữ nhiều các chức vụ quan trọng của Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang: năm 2013, ông Thanh được bổ nhiệm làm Phó Chánh văn phòng Bộ Công Thương; rồi Vụ trưởng - Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ. Đến tháng 5-2015, ông Thanh luân chuyển và được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian từ năm 2007-2013, trên các cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVC, mặc dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng Công ty PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế. Từ đây đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ 3.298,27 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng Công ty PVC bị kỷ luật và xử lý hình sự.
Tiếp đó, ngày 15-3-2017, sau quá trình xét xử vụ án lừa đảo tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND Cấp cao tại Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), về tội Tham ô tài sản theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự.
Cùng bị khởi tố tại toà về tội danh trên còn có các bị can: Nguyễn Ngọc Sinh, nguyên tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land); Đào Duy Phong, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land); Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (lao động tự do); Lê Hoà Bình, chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ 1/5; Nguyễn Thị Kim Thoa, phó Tổng giám đốc kiêm kế toán trưởng Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ 1/5; Thái Kiều Hương, phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Vietsan.
Việc khởi tố này căn cứ vào hồ sơ vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 820/2016 ngày 19-10-2016 của TAND Cấp cao tại Hà Nội, căn cứ vào kết quả xét hỏi và tranh luận tại phiên toà phúc thẩm trong các ngày 13 và 14- 3 đối với bị cáo trong vụ án lừa đảo xảy ra tại Dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land.
Theo cáo trạng, tháng 1-2010, Công ty 1-5 ký hợp đồng cho Công ty CP Phát triển địa ốc CIENCO5 (gọi tắt là CIENCO5) vay 200 tỉ đồng để đưa vào một số dự án nhà ở. Đổi lại, doanh nghiệp này được hợp tác đầu tư vào khu đô thị Thanh Hà A (thuộc quận Hà Đông và huyện Thanh Oai, Hà Nội) với diện tích 55.000 m2. Nhưng do Công ty 1-5 không thực hiện đúng hợp đồng vay vốn nên CIENCO5 nhanh chóng truất quyền hợp tác đầu tư.
Tại toà, HĐXX cho rằng, có căn cứ xác định Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Sinh và Đào Duy Phong, đại diện phần vốn góp của PVC tại PVP Land, ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty cổ phần dịch vụ xuyên Thái Bình Dương với giá thấp hơn giá thực tế chuyển nhượng của các cổ đông theo Hợp đồng đặt cọc để hưởng khoản tiền chênh lệch.
Đào Duy Phong khai nhận đã nhận chỉ đạo từ Trịnh Xuân Thanh (cấp trên) bán giá 40 triệu đồng/m2 đất dự án Nam Đàn Plaza, nhưng chỉ thể hiện trong hợp đồng là 35 triệu đồng/m2; phần chênh lệch 5 triệu đồng/m2 để chia nhau.
Do Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn, ngày 16-9-2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.
Tiếp xúc cử tri huyện Đông Anh (Hà Nội) ngày 6-12-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn ra nước ngoài. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng nêu rõ: "Chúng ta đã phát lệnh truy nã quốc tế, phối hợp với các cơ quan của các nước. Tinh thần là bắt bằng được, không trốn được đâu".
Ngày 17-4-2017, trong cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban chỉ đạo), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, đã yêu cầu: "Tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại PVC, truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án".
Như vậy, Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú sau gần 10 tháng bị truy nã quốc tế.
Bình luận (0)