Thời gian qua, những người trốn khỏi khu cách ly tập trung hoặc dịch chuyển trong thời gian cách ly tại nhà khiến cộng đồng bất bình vì lo ngại hậu quả nghiêm trọng.
Chỉ phát hiện sau khi đã trốn
Mới nhất, tỉnh Gia Lai phát thông báo khắp nơi truy tìm một thanh niên bỏ trốn khi đang cách ly y tế. Ðó là anh N.V.L (SN 1997) từ Camphuchia về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Nhân viên y tế địa phương đưa anh L. đến khu cách ly tập trung điều trị và lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán. Dù kết quả xét nghiệm âm tính nhưng anh L. vẫn phải cách ly đủ 14 ngày. Bất ngờ sáng 21-3, y - bác sĩ phát hiện anh này không có mặt ở khu cách ly.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vô cớ chịu liên lụy bởi cặp vợ chồng đang cách ly yên ổn tại nhà (tỉnh Hà Nam) bỗng nhiên xuất hiện ở TP HCM, rồi di chuyển đến TP Bà Rịa. Cơ quan y tế địa phương tìm đến tận nơi, theo dõi y tế 2 người và những người tiếp xúc với họ. Chính quyền địa phương cho biết cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét hành vi trốn cách ly sau thời gian theo dõi y tế.
Người dân TP HCM chưa hết lo lắng khi biết thông tin ca bệnh thứ 100 (bệnh nhân nam, 55 tuổi) đã nhiều lần ra khỏi nhà trước khi chính thức phát bệnh. Trong thời gian cách ly tại nhà, bệnh nhân trên nhiều lần ra ngoài, đi lại trên địa bàn quận 8 (TP HCM). Dù vậy, địa phương không hề phát hiện kịp thời.
Hầu hết những trường hợp sai phạm mà cơ quan có thẩm quyền thông tin công khai đều chỉ bị phát giác sau khi đã rời khỏi nơi cách ly. Do đó, không thể không nhắc tới trách nhiệm quản lý, giám sát tại nơi cách ly.
Quy định pháp luật hiện hành có đủ cơ sở xử lý người bỏ trốn, tự ý dịch chuyển trong thời gian cách ly y tế bắt buộc. Trong ảnh: Hoạt động bên trong một khu cách ly tập trung tại TP HCM
Người quản lý không thể vô can
Theo đại diện Sở Y tế TP HCM, hiện TP tập trung tìm kiếm những trường hợp tiếp xúc với ca bệnh để thực hiện biện pháp cách ly, khoanh vùng xử lý dịch. Hành vi người bệnh gây ra nếu sai sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, việc xử phạt có thể diễn ra sau này.
Từ khi Bộ Y tế bổ sung Covid-19 vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A, cơ quan pháp luật có cơ sở cứng rắn trước những hành vi làm lây lan dịch bệnh, cụ thể là việc bỏ trốn, từ chối hợp tác với tổ chức y tế. Theo luật sư Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy), căn cứ tính chất và mức độ của hành vi cũng như yếu tố lỗi, nguyên nhân khách quan, chủ quan, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Nghị định 176/2013/NÐ-CP (xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định) nêu rõ hành vi "Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A" sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng. Người có hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" (điều 240 Bộ Luật Hình sự 2015), có mức phạt tiền cao nhất 200 triệu đồng; mức phạt tù từ 1-5 năm.
Về câu hỏi pháp luật xử lý thế nào trước trách nhiệm quản lý, giám sát tại nơi diễn ra hành vi sai phạm, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Ðình) nhấn mạnh: "Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định còn chung chung, chưa rõ ràng khi nhắc đến trách nhiệm quản lý trong công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, cán bộ, công chức ở địa phương không bảo đảm quy định về phòng chống dịch bệnh có thể bị xử lý trách nhiệm đối với những sai phạm như: không hoàn thành nhiệm vụ, làm trái quy định nhà nước". Từ đó, luật sư cho rằng nhà chức trách thường áp dụng một số hình thức kỷ luật theo Luật Cán bộ công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) gồm: cảnh cáo, khiển trách, cách chức, đến bãi nhiệm. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, cá nhân sai phạm có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", chiếu theo pháp luật hình sự hiện hành.
Trách nhiệm cơ quan, tổ chức được phân định ra sao?
Luật sư Trần Minh Hùng cho hay điều 7 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 đề cập trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng chống bệnh truyền nhiễm. Cụ thể:
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về phòng chống bệnh truyền nhiễm; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi có dịch xảy ra và tuân thủ, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của ban chỉ đạo chống dịch.
- MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống bệnh truyền nhiễm; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Bình luận (0)