Ngày 15-10, VKSND Tối cao đã đã tống đạt bản cáo trạng truy tố bị can Hứa Thị Phấn và 5 đồng phạm trong giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Tín (Ngân hàng Đại Tín).
Bị can Hứa Thị Phấn
Theo đó, 6 bị can bị truy tố cùng về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" gồm: Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CPĐTPT Phú Mỹ), Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ, phó giám đốc Công ty TNHH đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn), Lâm Kim Dũng (nguyên giám đốc Công ty TNHH địa ốc Lam Giang), Huỳnh Thị Xuân Dung (nguyên giám đốc Công ty địa ốc Phúc Nguyễn), Lâm Hứa Quỳnh Trinh (nguyên thủ quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam chi nhánh Lam Giang, nguyên phó phụ trách Phòng ngân quỹ Ngân hàng Đại Tín chi nhánh Sài Gòn) và Phạm Hồng Hảo (nguyên nhân viên Ngân hàng Đại Tín).
Theo cáo trạng, Hứa Thị Phấn lợi dụng nắm giữ 84,92% vốn điều lệ ngân hàng Ngân hàng Đại Tín, đã chỉ đạo toàn bộ HĐQT, Ban điều hành và cán bộ, nhân viên Ngân hàng Đại Tín làm các thủ tục để ngân hàng này đầu tư trực tiếp 1.037 tỉ đồng trái pháp luật vào 4 dự án bất động sản do Công ty CP Phú Mỹ, Công ty CP Địa ốc Lam Giang và Công ty TNHH Phú Mỹ làm chủ đầu tư. Các doanh nghiệp này đều thuộc quyền chi phối của Hứa Thị Phấn.
Với số tiền nêu trên, bị can Hứa Thị Phấn không sử dụng để đầu tư vào dự án như hợp đồng hợp tác mà rút tiền mặt để chiếm đoạt cá nhân và đến nay chối bỏ toàn bộ trách nhiệm thanh toán phải trả lại Ngân hàng Đại Tín.
Sau khi mua lại 90% phần vốn góp vào Công ty TNHH Phú Mỹ từ Hứa Thị Phấn, bà Lý Kim Chi (Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ) đã thanh lý Hợp đồng hợp tác và hoàn trả đủ cho Ngân hàng Đại Tín toàn bộ tiền gốc cùng lợi nhuận khoản tiền hơn 136 tỉ đồng đã đầu tư vào Dự án Khu Công nghiệp Tân Đông Hiệp B đã bị Hứa Thị Phấn chiếm đoạt. Do vậy, VKSND Tối cao xác định, thiệt hại thực tế của Ngân hàng Đại Tín là hơn 901 tỉ đồng.
Hiện nay, 3 dự án bất động sản còn lại đều không được triển khai và đã bị cơ quan có thẩm quyền chấm dứt vai trò chủ đầu tư đối với các doanh nghiệp mà Ngân hàng Đại Tín góp vốn.
Ngoài hành vi trên, VKSND Tối cao cũng xác định Hứa Thị Phấn còn trực tiếp chỉ đạo Bùi Thị Kim Loan và một số người thân, nhân viên dưới quyền là Huỳnh Thị Xuân Dung, Lâm Hứa Quỳnh Trinh, Phạm Hồng Hảo thực hiện việc mua, nâng khống giá trị 4 bất động sản tại TP HCM và Khánh Hòa.
Thực hiện việc làm sai trái, Hứa Thị Phấn đã dùng ảnh hưởng của mình để chỉ đạo HĐQT và Ban điều hành Ngân hàng Đại Tín mua 4 bất động sản trên với tổng giá trị trên 661 tỉ đồng. Trong khi ấy, Ngân hàng Đại Tín đã vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định, dẫn đến 4 bất động sản này đến nay chưa thể hạch toán vào tài khoản tài sản cố định của ngân hàng. Quá đó, Hứa Thị Phấn và đồng phạm đã chiếm hơn 437 tỉ đồng của tổ chức tín dụng do bị can nắm cổ phần chi phối. VKSND Tối cao kết luận, tổng số tiền Hứa Thị Phấn và đồng phạm chiếm đoạt của Ngân hàng Đại Tín là hơn 1.338 tỉ đồng.
Trước đó, trong phiên tòa phúc thẩm vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín, tòa phúc thẩm đã bác đơn kêu oan của bà Phấn.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn 20 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.
Bình luận (0)