Trước đó, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng (C37, Bộ Công an) đã có kết luận điều tra bổ sung vụ án này. Trong đó, bị can Vũ Đình Thuần (SN 1942) và Lương Cao Sơn, nguyên phó giám đốc Trung tâm Tin học Văn phòng Chính phủ (VPCP), ủy viên thư ký Ban Điều hành Đề án 112, được đình chỉ điều tra tội danh “Tham ô tài sản”; bị can Nguyễn Thúy Hà, giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Tin học ISA, được thay đổi tội danh từ “Tham ô tài sản” sang tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Do đó, cáo trạng của VKSND Tối cao đã truy tố bị can Vũ Đình Thuần và 19 bị can khác về tội "Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ" theo điều 281 Bộ Luật Hình sự. Ba bị can khác bị truy tố về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" theo điều 291 Bộ Luật Hình sự.
Từ năm 2001 – 2005, Đề án 112 được nhà Nhà nước đầu tư 685 tỉ đồng, trong đó Ban Điều hành 112 chi gần 278 tỉ đồng. Chỉ riêng các giao dịch với Công ty ISA, cơ quan điều tra khẳng định các bị can đã tham ô 510 triệu đồng, trong đó ông Thuần được chi 200 triệu đồng, ông Sơn được 130 triệu đồng, bà Nguyễn Thúy Hà được 100 triệu đồng, 80 triệu đồng còn lại được chi cho một người có tên là Phạm Thị Ngọc.
Ông Vũ Đình Thuần tại một hội nghị triển khai Đề án 112. Ảnh: T.LÂN
Cụ thể, trong việc thực hiện gói thầu mua sắm phần mềm bản quyền với Công ty ISA cho Đề án 112, bà Nguyễn Thúy Hà đã gặp ông Lương Cao Sơn để thỏa thuận rằng nếu công ty của bà trúng thầu thì sẽ “lại quả” cho ông Sơn hơn 300 triệu đồng.
Sau thỏa thuận ngầm này, ông Sơn nhiều lần đề nghị ông Thuần mua sắm phần mềm bản quyền nhưng không được đồng ý. Mãi đến tháng 8-2004, ông Sơn trình bày về khoản lại quả mới được ông Thuần đồng ý. Khi có kế hoạch, bên cạnh hợp đồng mua sắm bản quyền phần mềm, Ban Điều hành Đề án 112 còn ký 23 hợp đồng tin học với Công ty ISA trị giá nhiều tỉ đồng để rút ruột.
Các bị can khác vẫn bị truy tố như tội danh ban đầu. Trong đó, 2 em ruột của bị can Lương Cao Sơn bị truy tố về tội “Lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”. Cụ thể, bị can Lương Cao Phi (cán bộ NXB Xây dựng, Bộ Xây dựng) đã ký hợp đồng với Công ty In Khuyến học in ấn tài liệu chiếm hưởng 350 triệu đồng; bị can Lương Cao Phong (giám đốc Trung tâm Thẩm định và Tư vấn thông tin, Công ty Tin học Xây dựng), đã môi giới để công ty này ký với ban điều hành 15 hợp đồng kinh tế gồm đào tạo tin học và dịch vụ, trục lợi 113 triệu đồng.
Trong các “phi vụ” làm ăn với Tổng Công ty Sách VN, 2 bị can Thuần – Sơn đã “giúp” cho bà Ngô Thị Nhâm, phó Phòng Kinh doanh Tổng Công ty Sách VN và các bị can chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng bằng việc chia nhỏ công việc để tránh đấu thầu, ký hợp đồng mà không đàm phán, tìm hiểu đối tác, không xây dựng hồ sơ, tổ chức đấu thầu theo quy định.
Tổng Công ty Sách VN đã ký với ông Vũ Đình Thuần 13 hợp đồng cung cấp sách trị giá gần 2,8 tỉ đồng và đều có phần “lại quả”. Tương tự, NXB Tư pháp (Bộ Tư pháp) do ông Nguyễn Đức Giao làm giám đốc đã ký 28 hợp đồng với ông Vũ Đình Thuần để in ấn tài liệu. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông Giao đã chỉ đạo cấp dưới rút tiền để "lại quả" cho một số thành viên Ban Điều hành Đề án 112.
Cơ quan điều tra xác định bị can Lương Cao Sơn hưởng lợi 139 triệu đồng, bị can Hoàng Đăng Bảo (thư ký của ông Vũ Đình Thuần) hưởng lợi gần 38 triệu đồng...
Tại cáo trạng, VKSND Tối cao nhận định ông Vũ Đình Thuần giữ vai trò chính trong việc quyết định ký và thực hiện 129 hợp đồng giữa Ban Đề án 112 với các đối tác. Việc làm này đã vi phạm quy chế đấu thầu, gây thiệt hại 4,6 tỉ đồng cho Nhà nước.
Bình luận (0)