Trong phần luận tội trước đó, đại diện VKS nêu rõ: “Tại phiên tòa này, bị cáo Lê Thanh Vân phủ nhận toàn bộ lời khai tại cơ quan điều tra (CQĐT) và cho rằng đó là khai đại, khai bừa vì bị bức cung là không có căn cứ vì Vân không đưa ra được bằng chứng gì để chứng minh. Bên cạnh đó, trong những bản cung của điều tra viên (ĐTV) khác, Vân cũng đã khai nhận hành vi giết người chứ không chỉ bản cung do ĐTV Phạm Tấn Ca hỏi. Đồng thời, tại phiên tòa này Vân đã nhiều lần xỉu lên xỉu xuống khi được thẩm vấn công khai. Nếu tại CQĐT Vân bị bức cung thì bị cáo sẽ không còn đủ sức lực để đứng trước vành móng ngựa hôm nay. Bị cáo còn tự bào chữa cho mình mà không cần đến luật sư. Trong khi đó, những lời khai của Vân tại CQĐT rất phù hợp với tình tiết của vụ án nên không thể nói đó là “lời khai đại”.
Theo đại diện VKS, những “lời khai đại” của “phù thủy” chính là những lời mà “phù thủy” đã khai tại bệnh viện như: khai tên giả, vợ giả của nạn nhân cũng như cho rằng mình từng học trường thiếu sinh quân và những lời tự phong khác nhằm che đậy tội ác và tạo uy tín đối với những nạn nhân để ra tay hạ độc. Vị đại diện cũng cho rằng Lê Thanh Vân đã không hề thức tỉnh trước tiếng nói thương tâm của những người con của các nạn nhân và “phù thủy” đã không còn nhân tính khi giết cả mẹ người tình, em rể và cả người tình cũ. Điều đó càng chứng tỏ khi tại phiên tòa, Lê Thanh Vân chỉ lo đối phó với HĐXX nên Vân đã có những câu hỏi bộc phát như: Chị Vi Thị Thanh chết rồi, CQĐT lấy đâu ra chữ viết mà giám định? Trong hồ sơ bệnh án không thể hiện các nạn nhân bị ngộ độc thì tại sao nói bị cáo giết người để biện hộ cho tội ác của mình?.
“Phù thủy” vẫn nói đến “tình người”
Trong phần tự bào chữa cho mình, đưa tay lau những giọt nước mắt, “phù thủy” tiếp tục nói đến tình người: “Trong luật quy định thấy người gặp nạn mà không cứu thì có thể bị phạt tù. Trong khi đó, bị cáo cứu người thì cho là bị cáo giết người. Bị cáo chỉ có sai sót là đã không trả lại tài sản cho người nhà nạn nhân vì... không biết địa chỉ cụ thể của họ. Bị cáo là con người nên cũng có tình người chứ đâu phải mất hết nhân tính mà giết người như vậy. Mong HĐXX xem xét để bị cáo nhận thấy sự công minh của pháp luật, còn nếu có sai sót gì thì bị cáo sẽ sửa sai...”.
Bào chữa cho Dìu Dãnh Quang, luật sư Phạm Hữu Tình bày tỏ sự bàng hoàng bởi tính nghiêm trọng của vụ án và sự dã man của kẻ thủ ác. Ông nói: “Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, tôi muốn nói rằng, niềm tin nội tâm của cá nhân tôi có lẽ cũng không có gì khác so với niềm tin nội tâm của bất kỳ ai. Song nguyên tắc nghề nghiệp không cho phép tôi bày tỏ niềm tin nội tâm ấy vì như thế sẽ bất lợi cho người mình bào chữa”. Từ đó, luật sư Tình cho rằng những nội dung mà ông bào chữa chỉ góp phần làm sáng tỏ những tình tiết khách quan của vụ án bằng những lập luận khoa học giúp cho việc xét xử đúng người, đúng tội.
Sau khi “phù thủy” có lời bào chữa, đại diện những nạn nhân đã bác bỏ những câu nói “tình người” của “phù thủy”. Chị Vũ Thị Nga, vợ nạn nhân Trần Văn Khôi, nói: “Vân nói đừng xử oan cho Vân vì bị cáo còn 2 người con thì Vân có nghĩ đến 13 nạn nhân và những người thân của họ hay không? Vân và Dìu Dãnh Quang cho rằng mình không liên quan gì đến cái chết của chồng tôi thì tại sao Quang không báo số xe của chồng tôi cho công an biết để báo cho gia đình? Tại sao Quang lại khai tên chồng tôi là tên anh của Quang để tôi phải tìm kiếm chồng trong 2 năm trời?... Cũng như chị Nga, những người thân của các nạn nhân còn lại đều yêu cầu: “Chỉ có cái chết của Lê Thanh Vân mới xoa dịu nỗi đau của chúng tôi”.
Hôm nay, HĐXX sẽ tuyên án đối với “phù thủy” và người tình Dìu Dãnh Quang.
Bình luận (0)